Tăng cường truyền thông về công tác xã hội với người nghèo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp báo điện tử Dân Trí vừa tổ chức Hội thảo "Công tác xã hội với người nghèo" nhằm khuyến nghị và đề xuất các giải pháp hoàn thiện mô hình, nhiệm vụ về công tác giảm nghèo, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về công tác xã hội với người nghèo, tăng cường năng lực đội ngũ những người làm công tác xã hội với người nghèo, thúc đẩy công tác truyền thông.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu là đại diện Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Tư pháp; Ngân hàng Chính sách xã hội; các đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố và các khách mời.

Tăng cường truyền thông về công tác xã hội với người nghèo ảnh 1

Quanh cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội Bùi Đức Tùng khẳng định: "Trong thời gian qua, công tác truyền thông về công tác xã hội nói chung từ khi Đề án 32 thông qua đến nay tiến hành rất tốt, đồng đều và sự vào cuộc của các cơ quan báo chí rất tích cực ở tất cả các loại hình từ báo in, báo điện tử, phát thanh truyền hình ở các chuyên mục, chuyên trang về công tác xã hội. Tuy nhiên nếu tuyên truyền chuyên sâu về công tác xã hội với người nghèo đang còn ít trong tổng thể quy trình nói chung về công tác xã hội."

Hằng năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch truyền thông về công tác xã hội; xây dựng và vận hành Website về công tác xã hội và ký kết hợp đồng với các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện các tin, bài, ảnh, phóng sự, ấn phẩm truyền thông về lĩnh vực này.

Hiện nay chúng ta có khoảng 72 đài phát thanh truyền hình, 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí in và điện tử. Đây là một hệ thống khổng lồ trong công tác truyền thông đảm nhận nhiệm vụ truyền tải thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước về công tác xã hội.

Đến nay, rất nhiều cơ quan báo chí đã tuyên truyền về công tác xã hội một cách thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thông qua biên soạn, đăng tải các bài viết tuyên truyền về công tác xã hội nói chung, công tác xã hội với người nghèo nói riêng trên các cơ quan báo chí ở cả trung ương và địa phương, từ báo in, phát thanh truyền hình đến báo điện tử; Xây dựng các phim tài liệu đài phát thanh, truyền hình đã thành lập chuyên mục riêng về công tác xã hội. Thông qua báo chí, không chỉ các cấp, ngành, địa phương,các tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư mà bản thân các đối tượng thụ hưởng đã bước đầu hiểu hơn về nghề công tác xã hội, vai trò, vị trí và sự cần thiết phát triển công tác xã hội, việc cung cấp và thụ hưởng các dịch vụ công tác xã hội, góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức về công tác xã hội, trong đó có công tác xã hội đối với người nghèo.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả tích cực, công tác truyền thông tin về công tác xã hội nói chung và công tác xã hội với người nghèo nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế. Nhận thức và hiểu biết về công tác xã hội nói chung công tác xã hội đối với người nghèo nói riêng ở các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể và ở chính nhiều cơ quan báo chí còn khá mơ hồ. Việc tuyên truyền về công tác xã hội vẫn còn dàn trải, số lượng các tác phẩm báo chí về công tác xã hội đối với người nghèo còn ít, chưa có nhiều tác phẩm, bài viết đề cập một cách đầy đủ, toàn diện, sâu sắc công tác xã hội đối với người nghèo và những tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước nếu không có chính sách phù hợp.

Cùng với đó, đại biểu Bùi Đức Tùng cũng nêu một số kiến nghị như: (1) Về khuôn khổ pháp lý chúng ta phải xây dựng một hệ thống hành lang pháp lý vững chắc cho nghề công tác xã hội và các hoạt động trợ giúp, phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho người nghèo; có văn bản, chính sách quy định cụ thể về phát triển công tác xã hội và vai trò của nhân viên công tác xã hội đối với người nghèo; (2) Đề nghị Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo và các cơ quan có liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong việc đẩy mạnh truyền thông về công tác xã hội đối với người nghèo một cách thường xuyên, có định hướng đúng về những vấn đề có liên quan đến công tác xã hội và giảm nghèo. (3) Các cơ quan báo chí cần đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền về công tác xã hội với người nghèo. (4) Cần phối hợp liên kết truyền thông về công tác xã hội đối với người nghèo với thông tin, truyền thông về giảm nghèo bền vững và các lĩnh vực kinh tế, pháp luật, văn hóa,...(5) Cần thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng, đi tìm hiểu thực tế địa phương, cơ sở, các mô hình công tác xã hội và giảm nghèo hiệu quả cho các nhà báo viết về lĩnh vực xã hội.

MỚI - NÓNG