Tăng cường giám sát, tạo thuận lợi cho dân

Tăng cường giám sát, tạo thuận lợi cho dân
TP - Đó là khẳng định của ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp, khi trao đổi với Tiền Phong về chủ trương giao tất cả các việc hộ tịch cho cấp xã.

> Xây dựng mã số cá nhân cho công dân

ông Trần Thất
ông Trần Thất.

Ông Trần Thất cho biết: Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Luật Hộ tịch theo hướng trên, trong đó cả việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài mà hiện UBND cấp tỉnh đang thực hiện. Sở dĩ giao hết cho cấp xã bởi nó là việc trực tiếp của từng người dân. Nơi tiếp xúc gần nhất với người dân là chính quyền cấp cơ sở, nơi đó người dân có thể liên hệ một cách thuận tiện nhất.

Nhiều ý kiến cho rằng, đội ngũ cán bộ xã, phường hiện vẫn còn yếu, thiếu, ông có lo ngại sẽ gặp khó khăn khi áp dụng chủ trương giao tất cả các việc hộ tịch cho cấp xã?

Đây là việc hợp với chủ trương cải cách nền hành chính nước ta. Về lâu dài, chính quyền cấp cơ sở phải hiện đại hóa lên, sẽ phải đảm nhận tất cả các công việc liên quan trực tiếp đến dân.

Hiện nay chính quyền cấp cơ sở đang làm nhiều việc quan trọng như: quản lý địa chính hay chứng thực một số hợp đồng quan trọng…, thì chúng ta không việc gì phải lo là cấp xã không làm nổi.

Trong mô hình cải cách đăng ký và quản lý hộ tịch sắp tới, chúng ta phải tích hợp dữ liệu thông tin của cá nhân về một đầu mối, không nên để phân tán ở cấp tỉnh, huyện, xã. Nếu cứ để như hiện nay thì dữ liệu hộ tịch sẽ bị phân tán, gây khó khăn cho nhà nước trong công tác quản lý, kiểm soát về con người.

Hiện vẫn có tình trạng, khai sinh một nơi, kết hôn một nơi, khai tử một nơi, không ai biết được. Sắp tới tất cả các dữ liệu hộ tịch sẽ được sâu chuỗi lại và tập trung về một chỗ. Nơi đăng ký khai sinh là nơi quản lý hộ tịch gốc.

Đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài (do cấp tỉnh đang quản lý, thực hiện) đã xuất hiện những dấu hiệu tiêu cực như lợi dụng việc đăng ký để buôn bán người, nếu giao hết cho cấp xã sẽ càng khó ngăn chặn tiêu cực, thưa ông?

Chúng ta không thể đánh giá thấp chính quyền cấp cơ sở, mà coi trọng Sở Tư pháp trong công tác này. Ở đâu có một bộ phận tiêu cực thì ở đó sẽ có tiêu cực xảy ra.

Điều mà chúng ta cần quan tâm là thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố ngoài phức tạp hơn, nhất là những giấy tờ do nước ngoài cấp và phải xử lý như thế nào cho tốt hơn, không gây phiền hà cho người dân.

Chúng ta có thể làm hoàn toàn tốt công việc này khi các cơ quan thực hiện đúng chức năng: hợp thức hóa lãnh sự đã có Bộ Ngoại giao, dịch giấy tờ tài liệu tiếng nước ngoài và chứng thực đã có UBND cấp huyện. Đến giai đoạn đăng ký, cấp xã căn cứ vào các giấy tờ trên có đủ điều kiện là cho đăng ký.

Nếu giao cho cấp xã thực hiện đăng ký, lúc đó cấp tỉnh, huyện phải thực tốt chức năng kiểm tra, giám sát, khi đó mới ngăn chặn được những hiện tượng tiêu cực. Từ trước tới nay, lĩnh vực này chỉ có anh cấp tỉnh làm và chẳng có ai đi kiểm tra giám sát...

Có một thực tế là cán bộ hộ tịch- tư pháp hiện nay ở cấp xã, phường thường chỉ làm một thời gian ngắn (một khóa) lại thay đổi vị trí, như vậy cần phải xây dựng đội ngũ hộ tịch viên như thế nào để đáp ứng yêu cầu này?

Đúng là có hiện tượng trên và nếu cứ thay đổi theo nhiệm kỳ thì rất khó thực hiện tốt chủ trương trên. Sắp tới chúng ta cũng sẽ tách người làm hộ tịch riêng, không đảm nhận các công việc tư pháp nữa. Chúng ta sẽ đào tạo xây dựng đội ngũ hộ tịch viên chuyên nghiệp, không thay đổi. Họ phải có kinh nghiệm quản lý dân cư, thuộc làu những hộ dân trong xã.

Xin cảm ơn ông.

Hoàng Long
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.