Sáng 11/3, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến “Quản lý quỹ BHXH: Đã thực sự hiệu quả?”. Một trong những vấn đề đang được dư luận quan tâm trong những ngày qua là việc Kiểm toán Nhà nước kết luận, chi phí quản lý bộ máy của BHXH Việt Nam năm 2015 tăng 75,8%, tức tăng 3.193 tỷ đồng so với năm 2014.
Tại buổi tọa đàm, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định “thông tin này chưa chính xác”. Theo ông Sơn, số dự toán kinh phí chỉ được giao khoảng 59% và số tăng này là cần thiết để phục vụ cho những nhiệm vụ cần thiết, cấp bách. Tổng chi năm 2015 chỉ tăng 6%, chủ yếu do tăng lương cơ bản, còn chi phí hành chính không hề tăng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, khi chi phí hành chính tăng lên, người dân quan tâm là rất đúng, tuy nhiên vấn đề quan trọng ở đây là tăng có hợp lý không, có đúng không? Tại sao tăng?
Ông Lợi cũng lý giải, việc mở rộng đối tượng, tăng thêm hàng triệu người, chi phí tăng lên là đương nhiên. Vấn đề quan trọng là có thất thoát không? Luật BHXH 2014, yêu cầu phải đẩy mạnh CNTT, chiếm tỉ trọng lượng tiền rất lớn, tăng chi phí nhưng đáp ứng yêu cầu quản lý.
“Vấn đề này luôn được giám sát và chúng tôi yêu cầu không được tăng biên chế nhưng phải tăng điều kiện làm việc và chất lượng để làm sao công tác BHXH của ta được công khai minh bạch. BHXH đang đi đến mục tiêu có đóng có hưởng. Tuy nhiên điều quan trọng vẫn phải tiết kiệm, vì đó là tiền của người dân đóng góp”, ông Lợi cho hay.
Đối với việc nợ BHXH của các tổ chức doanh nghiệp, ông Sơn cho biết, ngành bảo hiểm đã có thống kê danh sách và sẽ công bố công khai các đơn vị nợ đọng kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hi vọng doanh nghiệp sẽ tuân thủ pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Còn theo ông Lợi, con số này còn nhiều, doanh nghiệp phá sản rồi bỏ trốn, không tìm được tên. “Tôi nói với Bộ LĐTB&XH phải khoanh nợ lại, để xử lý chế độ cho người lao động. Tính tuân thủ pháp luật của người chủ sử dụng lao động và cả người lao động rất có vấn đề. Chính sách thì muốn hưởng nhưng lại không muốn tham gia. Người lao động vào làm mà không được đóng bảo hiểm thì công đoàn phải kiến nghị, người lao động có kiến nghị không? Cần phải làm chuyển biến nhận thức, tuyên truyền cho tốt vấn đề này”.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp thì cho rằng, tình trạng doanh nghiệp cố tình chây ì là cơ bản, việc khai báo tăng giảm người lao động cũng không nghiêm túc. Trong khi đó lực lượng thanh tra còn mỏng, chế tài xử phạt còn nhẹ nhàng, chưa thực sự răn đe. Hơn nữa việc cập nhật tình hình đóng BHXH chưa được phổ biến cho người lao động. Theo ông Diệp, những vấn đề này tới đây sẽ dần được khắc phục, qua đó sẽ giảm tình trạng trốn đóng BHXH của các doanh nghiệp.
Tại buổi tọa đàm, một trong những giải pháp khắc phục tình trạng mất cân đối BHXH được các đại biểu đồng tình và nêu ra là tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động.