Bị cáo Năng trong phiên phúc thẩm. Ảnh: BH. |
Theo cáo trạng, sáng 22-11-2009, Cty TNHH Quyết Thắng cử lái xe Phan Xuân Năng (SN 1974, trú quận Thanh Xuân) điều khiển ô tô 30 chỗ đến đón 27 người nhà anh Trần Quốc Huy (SN 1977, trú quận Đống Đa) từ khu vực gò Đống Đa đến xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên đi ăn hỏi.
Khi qua đường sắt ra QL1A cũ (thuộc địa phận xã Văn Tự, huyện Thường Tín), do đèn tín hiệu đường sắt bị hỏng, anh Năng lại không quan sát kỹ nên chỉ phát hiện tàu hỏa đang lao tới khi đã cho ôtô tiến tới đường ray thứ nhất. Dù đã cố gắng tăng tốc để vọt qua nhưng ô tô không tránh khỏi cú va chạm kinh hoàng với tàu hỏa.
Do lực va chạm quá mạnh, chiếc ô tô bị hất lộn một vòng, khiến 9 người đi trên xe chết tại chỗ, gần 20 người còn lại bị thương nhẹ. Với hành vi trên, ngày 29-9-2010, tài xế Phan Xuân Năng bị TAND huyện Thường Tín tuyên phạt 9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, theo Điều 202 BLHS.
Không đồng tình với mức án dành cho bị cáo, cũng như mức bồi thường thiệt hại, đại diện của các gia đình có nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn kháng án.
Tín hiệu hỏng, ngành Đường sắt vô can?
Ngày 14-12, TAND TP Hà Nội xử phúc thẩm vụ án này, song phiên xử vắng mặt đại diện Cty Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội (thuộc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam), – được xác định là bị hại trong vụ án nhưng cũng là đơn vị có liên quan vụ tai nạn.
Theo đề nghị của các gia đình bị hại, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam phải có trách nhiệm trong vụ án này, nhất là vấn đề bồi hoàn thiệt hại. Các luật sư phân tích, trong bản án sơ thẩm cũng như nội dung cáo trạng có nêu nguyên nhân vụ tai nạn chủ yếu do lỗi không quan sát của lái xe, nhưng cũng có phần lỗi từ phía hệ thống tín hiệu đường sắt (hỏng đèn báo tín hiệu...).
Bản án sơ thẩm nhận định, “xét trường hợp này tuy không phải nguyên nhân trực tiếp để gây ra hậu quả trên, nhưng cũng là yếu tố để tạo sự chủ quan cho người điều khiển phương tiện giao thông”. Tòa sơ thẩm cũng kiến nghị Cty Thông tin tín hiệu đường sắt và chính quyền địa phương khắc phục hiện trạng trên để tránh những sự cố tương tự.
HĐXX nhận định, sự thiếu vắng đại diện Cty Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội không ảnh hưởng đến phiên xử, do đó phiên tòa vẫn diễn ra. HĐXX dành khá nhiều thời gian để giải thích cho các gia đình bị hại về vấn đề bồi thường. Bởi các gia đình nạn nhân cho rằng, khoản tiền khoảng 50 triệu đồng họ nhận được từ Cty Quyết Thắng chỉ là khoản tiền do cơ quan bảo hiểm chi trả, yêu cầu Tổng Cty Đường sắt Việt Nam và lái xe phải bồi thường thêm.
Không đồng ý với đề xuất này, HĐXX bác kháng cáo về bồi thường, đồng thời tăng mức phạt lên 12 năm tù giam đối với lái xe Phan Xuân Năng. Chủ tọa phiên tòa cũng hướng dẫn gia đình bị hại có thể làm đơn khởi kiện đòi bồi thường sang một vụ án dân sự khác.