Mảnh đất ấy giờ là Khu Liên Hợp Xử Lý Chất Thải Rắn Đa Phước của Công ty TNHH Xử Lý Chất Thải Rắn Việt Nam (Vietnam Waste Solutions – VWS) vốn trước đây là đất sình lầy, không sử dụng được để canh tác. Nhưng nay VWS đã biến nơi đây thành Khu Liên Hợp Xử Lý Chất Thải Rắn hiện đại nhất VN.
Theo ông Kevin Moore - Giám đốc điều hành VWS, để có được như hôm nay là nhờ áp dụng hệ thống máy móc tiên tiến theo tiêu chuẩn của Mỹ và một đội ngũ kỹ sư, công nhân có tay nghề và được đào tạo bài bản.
Ngoài công nghệ chế biến phân compost với công suất 30 tấn/ ngày, với hai hồ chứa nước rỉ rác có tổng công suất chứa 28 nghìn m3 và nhà máy xử lý nước thải, nước rỉ rác đã đi vào hoạt động, nơi đây cũng được biết đến khi ứng dụng công nghệ cao trong việc lấy khí mê tan từ bãi chôn lấp để xây dựng nhà máy phát điện.
Ông Kevin Moore cho biết, hiện tháp đốt LFG (khí thu hồi từ bãi chôn lấp) là hệ thống tháp kín có khả năng tiêu hủy hiệu quả đến 99,9% đã xây dựng xong. Điều đó có nghĩa là khí lấy từ bãi chôn lấp được ngăn chặn và không gây ô nhiễm không khí.
Tháp đốt được trang bị bộ phận tiêu hủy chất lỏng, có nhiệm vụ ép chất lỏng cô đặc từ khí gas vào bốn đầu ống xả, đưa lượng chất lỏng này vào trung tâm tháp đốt, ở đó chất lỏng được tiêu hủy nên loại bỏ các chất gây ô nhiễm khác xâm nhập vào môi trường. “Tháp đốt LFG có thiết bị phân tích theo dõi khí thải liên tục. Khí sau khi đốt cháy được thu lại trên đỉnh tháp đốt để theo dõi nhằm đảm bảo tiêu hủy hoàn toàn”- ông Kevin nói.
Nhà máy LFG sử dụng động cơ đốt khí để quay máy phát, sản sinh ra điện. Mỗi động cơ phát sinh khoảng 1.000 KW hoặc 1 MW điện. Điện phát sinh sẽ được dùng trong các nhà xưởng tại Khu Liên Hợp Xử Lý Chất Thải Rắn Đa Phước, phần điện dư sẽ được đưa vào lưới điện, trở thành nguồn cung cấp điện cho địa phương.
Theo ông Kevin, kế hoạch lắp đặt 12 động cơ trong vòng 12 năm tới. Ông cũng cho rằng tháp đốt LFG sẽ được vận hành trong tháng 2/2014 và hai động cơ đầu tiên sẽ đưa vào vận hành giữa năm 2014. “Sẽ bổ sung thêm các động cơ trong vòng 12 năm tới khi bãi chôn lấp phát triển và có thêm nhiều LFG”- Ông Kevin chia sẻ.
Công nghệ phù hợp với túi tiền
Hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý chất thải và tái chế, ông David Dương, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc VWS cho biết, việc ứng dụng công nghệ vào xử lý rác cũng phải phù hợp với điều kiện của từng nơi, đặc biệt là túi tiền của nhà nước.
“Công nghệ ứng dụng cho Khu Liên Hợp Xử Lý Chất Thải Rắn Đa Phước hiện là tiên tiến nhất ở VN”- ông Dương khẳng định, đồng thời lý giải thêm “công nghệ chôn lấp ở khu này cũng được thực hiện ở Hòa Kỳ, bởi thực tế 80% rác ở Mỹ thu được cũng đều chôn lấp”.
Cũng theo ông Dương, Việt Nam dùng công nghệ chôn lấp vì rác ở đây hầu hết là hữu cơ. Rác này sẽ phân hủy trở thành đồi đất, về lâu dài tạo ra quỹ đất cho thành phố. “Nếu mình dùng công nghệ hiện đại hơn nữa thì giá thành xử lý rác sẽ cao hơn nữa, không phù hợp với người dân với điều kiện kinh tế hiện nay”- ông nói.
Điều quan trọng hiện nay trong xử lý rác ở Việt Nam là phải làm sao không ô nhiễm môi trường và không ô nhiễm không khí. Ở Nhật và châu Âu, họ dùng công nghệ cao bằng lò đốt vì quỹ đất nơi này không còn, hơn nữa thu nhập của họ quá cao. Trong khi rác ở VN có 35% độ ẩm nếu dùng công nghệ đốt chi phí sẽ đội lên hàng chục lần so với công nghệ hiện tại.
Nói về đầu tư nhà máy phát điện, ông Dương cho biết hệ thống nhà máy được đầu tư hơn 40 triệu USD, sau khi phát điện một phần điện nơi đây được dùng cho Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn, một phần sẽ hòa vào điện lưới quốc gia.