Tản mạn về ngựa

TP - Nhìn những hình ảnh đầu tiên của kỵ binh Việt Nam, ngoài việc ngựa bị lọt thỏm so với người cưỡi, không thể không để ý những bãi phân ngựa vương vãi trên đường. Lại nhớ hồi đi xe ngựa ở Philippines, người ta buộc vào phía sau con ngựa một dụng cụ để hứng phân và du khách sẽ được cảm nhận trọn vẹn cả bằng thị giác và khứu giác. 


Ngày nay, chúng ta đang đau đầu vì khí thải từ phương tiện giao thông, vừa ô nhiễm môi trường vừa tàn phá sức khỏe. Nhưng khủng hoảng khí thải đương đại có vẻ vẫn chưa ăn thua so với Đại khủng hoảng phân ngựa 1894 diễn ra  khắp các thành phố lớn trên thế giới. Đô thị hóa tăng cao, giao thương phát triển mà phương tiện duy nhất chỉ là ngựa, nên chẳng mấy chốc đường phố ngập phân ngựa, kéo theo ruồi muỗi lan truyền thương hàn và các bệnh khác. New York thời đó có 10 vạn con ngựa mỗi ngày thải ra cả triệu kg phân. Ngựa kéo cũng chỉ thọ được 3 năm, rồi xác của chúng bị bỏ lại trên đường, chờ cho thối rữa để dễ cưa nhỏ rồi mới đưa ra ngoài thành phố…

Vấn đề được đem ra bàn thảo tại Hội nghị Quy hoạch Đô thị Quốc tế đầu tiên diễn ra tại New York nhưng không giải pháp nào được đưa ra. Thế giới lâm vào ngõ cụt. Chết chìm trong phân ngựa là tương lai nhãn tiền. May thay, cùng tắc biến, Henry Ford bỗng xuất hiện với bản thiết kế ô tô và chỉ đến 1912, vấn đề được giải quyết... Tất nhiên không phải vì thế mà chúng ta cứ tha hồ đốt xăng rồi giải pháp cứu vãn môi trường sẽ đến. Khí thải có thể chưa làm người chết ngay nhưng góp phần biến đổi khí hậu dẫn tới hủy diệt cả hệ sinh thái. 

Trong tình hình này, cảnh sát cưỡi ngựa cũng là một ý hay xét từ góc độ môi trường. Phân hôi một tí nhưng còn hơn khói xăng. Một dạo rộ lên vụ trang bị xe đạp cho cảnh sát đi tuần rồi lại lắng đi. Làm một số người nghi ngờ hay có sự nhanh nhẹn nào đó trong việc giải ngân để mua xe rồi bỏ phí. Có lẽ các đơn vị cảnh sát nên tổ chức các giải đua xe đạp nâng cao sức khỏe cán bộ đồng thời đập tan những đồn đoán kia?!

Một đặc thù khiến ngựa hơn hẳn các phương tiện cơ giới là sự sống. Việc học cách chăm sóc, điều khiển ngựa sẽ khiến người ta mềm mại đi chăng?! Hình ảnh cảnh sát cưỡi ngựa cũng có gì đấy thân thiện với người dân. Ngược lại, đám bạo loạn có thể tha hồ đập phá xe cộ nhưng đụng vào ngựa cũng phải dè chừng vì chúng biết đá. 

Nói chung cái gì cũng phải có quá trình. Khi chiến sĩ ta đã có kinh nghiệm cưỡi ngựa, ắt sẽ có ngày biết luyện cho ngựa đi toilet vào giờ nhất định. Còn nếu bảo Việt Nam không có truyền thống kỵ binh cũng không hẳn vì đã bao lần đại thắng quân Nguyên thiện chiến trên lưng ngựa. Rồi “ông tổ” Thánh Gióng còn dùng ngựa bay vào vũ trụ kia mà.

MỚI - NÓNG