Nhà báo tác nghiệp. |
Nghề báo kỵ hồn nhiên, ngây thơ. Quan niệm của báo chí Anh: “Nếu mẹ bạn nói với bạn rằng bà ấy yêu bạn, kiểm tra điều đó”. Trong bộ phim Mỹ Ngài Ripley có Matt Damon thủ vai Ripley một kẻ thích giết người tình đồng tính, tay thám tử nói về nghề nghiệp của mình, nghiệm ra không khác nghề báo: “Chúng tôi nhúng mũi khắp nơi. Chúng tôi kiểm tra sự thật trước khi nó trở thành sự thật”.
Khỉ không vặt lông khỉ nhưng các nhà báo hay cãi nhau. Báo nọ gọi đùa báo kia là báo địch (trên diễn đàn thì gọi báo bạn). Mổ bò trong giao ban chán, ra quán nước tiếp tục. Ngao du thù tạc cũng tranh luận nghiệp vụ. Nhà văn Chu Lai hài hước bảo tôi: Trong nhà có một người viết đã chẳng khác con chó điên. Hai nhà văn ở một nhà như nhà anh, đúng là hai con chó điên. (Vợ Chu Lai là nhà văn quân đội, đại tá Vũ Thị Hồng).
Sự thật, trong báo chí, phải là một trăm phần trăm sự thật. Trong bộ phim dài tập Nghề nguy hiểm (nghề báo) của Đài truyền hình RAI nước Ý, cô nhà báo đăng ký viết bài về một chính khách bê bối bị dân tình giận dữ ném trứng thối, cà chua thối. Tổng biên tập, một lão già nom cổ quái, hóm ngầm, hỏi lại: “Cô có nếm không mà biết nó thối? Viết là ném trứng, ném cà chua. Thế thôi”.
Với đề tài gái mại dâm Nga đầy đường phố Ý, ông phán: “Khi nào có gái mại dâm Nga bị giết, tôi sẽ đưa bài cô lên trang nhất. Còn câu chuyện cũ rích này thì dẹp”. “Ông là đồ con lợn! Người ta phải tha phương cầu thực bằng cái nghề đó còn chưa đủ sao, ông còn muốn người ta chết mới thỏa? Tôi bỏ việc!” - Và cô ta bỏ việc thật.
Hôm sau Tổng biên tập tìm đến xin lỗi, đề nghị cô trở lại làm việc. Nghề báo là thế, lúc này anh đúng lúc khác tôi đúng nhưng nói phải củ cải cũng nghe và chẳng ai độc quyền chân lý.
2. Trả lời nhà báo Quý Hiên nhân 21/6, nhà báo Trần Đức Chính tức Lý Sinh Sự nói về ba sự hoang tưởng trong làng báo Việt Nam. Thứ nhất là thấy mình phát hành ổn định với số lượng lớn thì tưởng mình làm báo giỏi, kỳ thực được bao cấp thì có khó gì cái tia-ra! Hoang tưởng thứ hai: Một số báo lá cải bán chạy, cũng tưởng mình giỏi. Hoang tưởng thứ ba: Tưởng mình viết nhiều, nói nhiều, được nhiều nhuận bút thì mình là nhà báo lớn.
Ngược với hoang tưởng là tự ti. Mà tự tin sao được khi làm nhà báo mà giữa đường thấy sự bất bằng lờ đi, bởi không lờ thì chẳng phải đầu cũng phải tai, được vạ má sưng, ốc còn chưa mang nổi mình ốc. Đến hàng xóm hạ lưu còn bắt nạt được mình thì đòi công bằng cho ai?! Vô phúc phải dẫn nhau đến cửa quan, đáo tụng đình thì chưa biết mèo nào cắn mỉu nào, nhất là nếu “vào quan không có lối nói bằng nước dãi” (Nguyễn Công Hoan- Bước đường cùng).
Nhà báo Hoàng Thiên Nga, một đêm thức dậy thấy xe hơi của mình bốc cháy giữa sân. Kêu ai đây? Phải lấy làm mừng là mình và chồng con chưa sao. Nên chị Nga nói, nhà văn thường được xưng tụng hơn nhà báo nhưng một bài báo có khi phải trả giá rất đắt, cả máu trong khi nhà văn ít bị như thế. Nhà báo Xuân Ba, vài lần suýt bị khởi tố thật mới thấm thía thế nào là “Không có tình yêu nào xấu cũng như không có nhà tù nào đẹp”. Cứ gọi là phận mỏng cánh chuồn! "Tang thương đến cả hoa kia cỏ này! “(Ôn Như Hầu).
3. Kể chuyện nghề, Nguyễn Tuân viết rằng lắm khi ngồi trước tờ giấy trắng chẳng khác gì pháp trường trắng, khổ ơi là khổ. Cho nên ông cứ loay hoay câu giờ, nào rải chiếu quét nhà, châm trà pha nước, thuốc lá thuốc lào, giả vờ bận rộn cái này cái nọ, tìm mọi cách trì hoãn ngồi vào bàn viết. Thù cái thằng loong toong ở tòa soạn cứ đúng giờ là đạp xe đến giục bài. Ông phải trốn nó như trốn tà! Đến Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Nam Cao còn thường xuyên bí từ, bí đề tài, thì số người dám nói mình đã được nghề viết chọn không thể đông đâu.