Tản mạn mưa

minh họa: Đỗ Đức
minh họa: Đỗ Đức
TP - Mồng một tháng Tư năm nay mưa quá. Tôi bảo mưa thế này là cả cái tháng Tư dầm dề đây. Con tôi không tin, bảo làm gì có chuyện. Nhưng rồi tôi đúng.

> Ra mắt sách lạ kỳ của Phạm Quỳnh

Đêm hôm sau, mồng hai lại mưa xối xả hàng giờ. Nhiều chỗ đường Hà Nội thành sông. Những con sông bất đắc dĩ nối dài từ phố này sang phố khác.

Những con sông làm người Hà Nội la lối nhiều năm nay bây giờ thành quen. Vẫn tràn trề ngập úng nhưng không ai buồn nói nữa. Báo chí cũng im bởi giờ họ cũng quen với điều tự nhiên này. Mưa mà Hà Nội không úng mới là chuyện lạ. Báo chí chỉ nói chuyện lạ.

Cái gì lạ mãi cũng thành quen, kể cả nói dối. Còn nếu thấy chán thì cũng phải sống chung với chán thôi!

Cách đây chục năm chuyện tham nhũng nhức nhối đến mức đã có qui định bổ sung vào pháp luật, tham nhũng năm trăm triệu là án tử hình. Bây giờ hình như năm trăm triệu là chuyện bé (Người ta nhận phong bao thản nhiên như lẽ sống phải thế, như qui định pháp luật cho phép thế. Nếu giờ nạn tham nhũng tự nhiên biến đi chắc lại sẽ mất một thời gian lâu người ta mới quen.

2- Có câu: Cháy nhà ra mặt chuột. Có nghĩa cháy nhà thì chuột hết chỗ náu, phải lòi cái mặt ra. Nhưng nước mưa cũng có thể làm được cái việc giống như lửa, nghĩa là làm cho mặt chuột phải lòi ra.

Cái mặt đó là những con đường mới làm. Sau cơn mưa thì hiện hình toàn bộ gương mặt bòn rút công trình của người làm dự án. Có những con đường vừa làm xong chưa nghiệm thu mà trông đã như đường cũ, đầy ổ gà, chỗ thấp chỗ cao, hết mất nắp hố ga chỗ này chỗ kia, rồi lún nứt lung tung xòe!Nước đã góp phần vạch mặt tham nhũng bằng hành động chảy trôi bào rửa cho lộ ra hết chỗ ăn cắp mà nó chẳng cần nói lời nào.

Nhưng có việc nhờ nước mà vẻ đẹp lên ngôi.

Đó là những cô gái miền núi rửa mặt xong bên suối thì thấy da dẻ mịn màng hồng hào như trong cổ tích. Nước suối đã làm nổi bật vẻ đẹp của làn da trứng gà bóc. Nhưng coi chừng, các sao, siêu mẫu mà xuống suối rửa mặt thì thành mặt chết trôi ngay. Nước suối sẽ quét mất nửa vẻ đẹp phủ phấn trước khi các cô tìm ra nguyên nhân.

Đúng là cái gì cũng có hai mặt.

3- Lại chợt nhớ câu chuyện cổ tích của Nhật Bản về con chim hải âu. Chuyện rằng có một cậu bé luôn làm trái ý cha, cha bảo vào rừng thì nó xuống biển. Đến ngày bố chết nó vẫn sống thế. Trước lúc hấp hối, ông cẩn thận dặn con ném xác mình xuống biển, và nghĩ nó sẽ làm trái lời dặn để chôn ông ở trong núi như ông muốn thế. Nhưng thằng con đột nhiên thương bố, ân hận cả đời chỉ làm ngược ý bố, nó tự nhủ: Ít ra trong đời phải có một lần làm theo ý bố, và rồi nó ném xác bố xuống biển khơi.

Ném xong, trên đường về nhà nó chợt nhận ra đã sai lầm. Rõ ràng bố nó biết con luôn làm ngược nên mới như thế.

Hối hận, thằng con ra bờ biển nhìn sóng trùng khơi khóc lóc thảm thiết. Nó khóc ngày này qua ngày khác rồi cuối cùng chết héo trên bờ biển, biến thành con chim hải âu bay vờn mặt sóng suốt ngày đêm tìm xác cha, nhưng chẳng bao giờ thấy nữa!

Cũng mong đó là con hải âu mãi trong cổ tích.

Nhưng xem ra mong muốn ấy không hiện thực.

Bài, minh họa:
Đỗ Đức

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG