Tân giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam: Tôi tự tin trong vai trò mới

Tân giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam: Tôi tự tin trong vai trò mới
TP - Cuộc sáp nhập bất thành hai nhà hát trứ danh của Hà Nội đã đưa cựu nhạc công Nguyễn Thế Vinh đến chức vụ mới: Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Phóng viên hỏi chuyện ông trong bối cảnh nhà hát đang tất bật cho Lễ kỷ niệm 60 thành lập ở Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 28-12 tới.

Việc anh về làm giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam (NHKVN) có thể coi là kết thúc có hậu của câu chuyện sáp nhập bất thành, và nhân sự nhà hát nói chung?

Cũng có người nói chiếc bánh quyền lợi đã được chia đều cho hai anh phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ!

Thực ra, tôi cho rằng đây là quyết định rất đúng lúc của Bộ, đáp ứng được mong mỏi của nghệ sỹ cả hai nhà hát trong bối cảnh của câu chuyện sáp nhập lúc đó. Tuy nhiên, với tôi đây không phải là quyền lợi mà là trách nhiệm.

Chính các nghệ sĩ NHKVN đã mô tả tình trạng của mình rằng NHKVN đang ở “A9 bệnh viện Bạch Mai”, nghĩa là cấp cứu dạng nặng, chết đến nơi? Không cẩn thận thì vinh dự lớn lại trở thành điệp vụ bất khả thi?

Vâng, quả thực vinh dự rất lớn, nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề. Nhiều người nhận xét NHKVN hiện ở dưới đáy về mọi phương diện.

Cơ sở vật chất nghèo nàn xuống cấp, rạp biểu diễn chỉ 150 ghế, cơ ngơi là một bộ mặt nhếch nhác nằm nấp sau Nhà hát Lớn, rất khó tìm. Nói như GS.TS - NSND Đình Quang: Ai không thuộc địa lý Hà Nội thì khó mà tìm được NHKVN nấp ở đâu!

Đội ngũ cán bộ của nhà hát thiếu và yếu. Tất cả các phòng đều không có trưởng, chỉ có phó. Phòng Tổ chức Biểu diễn - một trong những phòng quan trọng của một đơn vị nghệ thuật mà không cả trưởng lẫn phó.

Kế hoạch biểu diễn trông chờ vào cộng tác viên lưu động ở các quận, huyện, địa phương trong điều kiện sơ sài, thiết bị kỹ thuật lạc hậu.

Lực lượng diễn viên cũng đáng báo động, chất lượng không đồng đều, nghệ sỹ trẻ chưa đủ sức tiếp nối đàn anh. Thiếu diễn viên trẻ tài năng để đảm đương vai diễn lớn.

Phía trước chúng tôi là cả một núi khó khăn, để vượt qua không đơn giản và không thể một sớm một chiều. Cần có kế hoạch, chiến lược lâu dài với sự nỗ lực đồng bộ từ bản thân các nghệ sỹ và cơ quan hữu quan.

Để giúp nhà hát củng cố và vượt qua khó khăn này, vừa qua Bộ VHTT&DL đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn xây dựng Đề án kiện toàn và phát triển NHKVN giai đoạn 2013-2015, tầm nhìn 2020 đúng dịp kỷ niệm 60 năm thành lập nhà hát.

Lễ kỷ niệm 60 năm của một đơn vị nghệ thuật sẽ có không khí thế nào để khác với các ngành khác?

Nghệ sỹ thường sống với ánh hào quang của quá khứ, điều đó làm cho nghệ sỹ khác với người bình thường.

Vinh quang của nghệ thuật thường có sức sống lâu bền, có thể điều đó làm cho nghệ sỹ trẻ hơn tuổi. Chính vì vậy, không khí Lễ kỷ niệm 60 năm của chúng tôi sẽ đặc biệt.

NHKVN có quá khứ rất vẻ vang, hào hùng, từng được mệnh danh là cánh chim đầu đàn, anh cả đỏ của sân khấu cách mạng VN.

Nhiều tên tuổi đã đi vào lịch sử nền nghệ thuật sân khấu nước nhà, như các NSND: Thế Lữ, Song Kim, Trúc Quỳnh, Đào Mộng Long, Dương Ngọc Đức, Nguyễn Đình Nghi, Nguyễn Đình Quang, Nguyễn Ngọc Phương, Trọng Khôi, Đoàn Dũng, Thế Anh, Doãn Châu, Phạm Thị Thành… Họ là những tấm gương sáng chói cho nghệ sỹ trẻ hôm nay cả trên sân khấu lẫn cuộc đời.

Đến hôm nay, người còn người mất, cả trẻ lẫn già đều trong tâm trạng hồi hộp chờ đợi ngày vui tụ hội, được gặp mặt để cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa, ôn lại một thời oanh liệt, một thời hào hùng.

Nhiều nghệ sỹ tuổi đã rất cao, sức đã yếu hiện sống tại TPHCM cũng cố gắng về dự.

Trong khi đó, các nghệ sỹ trẻ cũng rất phấn khởi, hào hứng luyện tập một số trích đoạn để biểu diễn trong Lễ kỷ niệm, cố gắng thể hiện với thế hệ cha anh. Họ cũng rất tự hào với quá khứ của nhà hát, tự hào là nghệ sỹ NHKVN.

Chúng tôi đang cố gắng tạo ra một không khí Lễ kỷ niệm thật ấm cúng, là dịp để mọi người nhìn lại và tự hào về quá khứ, suy ngẫm với những gì đang diễn ra, để rồi cùng nhau làm một cái gì đó tốt hơn cho tương lai của nhà hát.

NSƯT Thu Hà, diễn viên gạo cội của nhà hát, từng nhận xét rằng “một trong những bi kịch của NHKVN là toàn người lên làm quản lý một cách hồn nhiên, thế nên cứ đời giám đốc sau lại kém đời trước dù họ đều là những đại danh làng sân khấu”. Anh đã có kinh nghiệm quản lý lâu năm ở Nhà hát Tuổi trẻ, nhưng lại không phải là diễn viên hay đạo diễn sân khấu được đông đảo công chúng biết đến. Anh nghĩ mình có nhiều cơ hội thành công không?

Việc không phải là đạo diễn, họa sỹ hay diễn viên đang diễn trên sân khấu cũng là một lợi thế của một người làm quản lý. Tôi từng là nghệ sỹ biểu diễn (nhạc công khóa 6 Trường Nghệ thuật Quân đội 1973-1977, nay là ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân Đội).

Công tác nhiều năm trong ngành nghệ thuật nên tôi rất hiểu tâm lý nghệ sỹ, cộng với những trải nghiệm hơn 10 năm là phó giám đốc một nhà hát năng động như Nhà hát Tuổi trẻ đã mang lại cho tôi sự tự tin nhất định trên cương vị mới này.

Số đông nghệ sĩ hai nhà hát đều phấn khởi với diễn biến mới về nhân sự lãnh đạo. Nhưng NSND Lê Hùng - nguyên giám đốc chung của hai nhà hát, cũng có ý nói rằng sở dĩ anh ấy bị hạ bệ cũng vì “tôi đi nhanh quá, trước họ nhiều quá”, tức là trước các đàn em Chí Trung, Lan Hương, Anh Tú, Lê Khanh. Một số người trong nghề cũng cho rằng Chí Trung, Lan Hương, Anh Tú, Lê Khanh khó bước qua cái bóng của Lê Hùng trong dàn dựng. Anh có thấy như vậy?

NSND Lê Hùng là đạo diễn có tài, tuy nhiên đạo diễn và quản lý là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau.

Chí Trung, Lan Hương, Anh Tú, Lê Khanh là những nghệ sỹ biểu diễn rất giỏi, nay họ đều là những đạo diễn có triển vọng, chỉ có điều những năm gần đây họ chưa có cơ hội thể hiện mình. Tôi nghĩ ai cũng có một thời, hy vọng nay đã đến thời của những đạo diễn trẻ U50 nói trên.

Chúc mừng anh trên cương vị mới, chúc mừng Nhà hát Kịch Việt Nam 60 tuổi.

Dương Phương Vinh

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG