Tòa nhà Lãnh sự quán Iran ở Syria bị không kích ngày 1/4. Ảnh: AP |
Ngày 1/4, lãnh sự quán Iran ở Damascus bị không kích, khiến tòa nhà bị phá hủy. Tướng Mohammed Reza Zahedi, chỉ huy hàng đầu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), cùng chỉ huy cấp cao Mohammad Hadi Haji Rahimi và một số quan chức khác thiệt mạng.
Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc này, PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Phạm Phú Phúc, một chuyên gia bình luận các vấn đề quốc tế từng có nhiều năm công tác ở Trung Đông với vai trò nhà báo.
Ông Phạm Phú Phúc. |
Là người từng công tác nhiều năm ở Syria, ông nhìn nhận như thế nào về vụ tấn công vào lãnh sự quán Iran ở Damascus ngày 1/4, được cho là do Israel thực hiện?
Ông Phạm Phú Phúc: Theo tôi, vụ này chứng tỏ mức độ leo thang xung đột ở Trung Đông, bắt đầu từ cuộc chiến Israel - Hamas, đã lên đến đỉnh điểm, chưa từng có kể từ sự kiện ngày 7/10/2023.
Israel dường như đang phớt lờ Nghị quyết 2728 vừa được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua. Họ không những vẫn tiếp tục gây thương vong lớn ở Dải Gaza trong những ngày qua, mà còn trực tiếp tấn công vào một cơ sở ngoại giao của Iran ở nước ngoài. Tôi từng công tác ở Syria, cơ quan tôi nằm rất gần cơ sở vừa bị tấn công. Tôi biết đó là cơ sở được bảo vệ rất cẩn mật của Iran - được coi là quốc gia đỡ đầu cho Hezbollah và Hamas trong cuộc chiến chống lại Israel.
Không chỉ phớt lờ nghị quyết của Hội đồng Bảo an, Israel còn phớt lờ Công ước Vienna về Quan hệ lãnh sự năm 1963 về bảo vệ cơ sở ngoại giao của các quốc gia ở nước ngoài. Đó là hành động vượt quá lằn ranh đỏ trong quan hệ quốc tế.
Sau vụ tấn công, giới quan sát cho rằng có vẻ Iran đang gặp vấn đề với việc bảo vệ cơ sở của mình, khi một cơ quan ngoại giao lớn như vậy, đặt tại quốc gia đối đầu với Israel lại bị tấn công, khiến Tướng Mohammed Reza Zahedi, chỉ huy hàng đầu của IRGC, thiệt mạng. Đây là mục tiêu cấp cao nhất kể từ khi chính quyền Donald Trump chỉ đạo vụ ám sát tướng Iran Qassem Soleimani ở Baghdah tháng 1/2020. Vụ tấn công lần này cũng khiến chỉ huy cấp cao Mohammad Hadi Haji Rahimi và một số quan chức khác thiệt mạng, gây thiệt hại lớn cho Iran.
Đến nay, Mỹ và phương Tây chưa lên tiếng gì về vụ này. Tôi không cho rằng đây là sự bênh vực, mà có vẻ vụ tấn công khiến phương Tây cảm thấy quá sức chịu đựng, không ngờ Israel hành động như vậy.
Trong bối cảnh Israel đang phải chịu nhiều sức ép từ dư luận quốc tế, theo ông điều gì khiến Israel hành động táo bạo như vậy?
Tôi cho rằng với cuộc tấn công, Israel vừa muốn bác bỏ nghị quyết của Hội đồng Bảo an vừa nhằm vào Mỹ, nhất là khi Mỹ đang trong quá trình tiến tới cuộc bầu cử tổng thống. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có vẻ muốn cảnh báo rằng nếu Washington cứ phớt lờ họ như hành động bỏ phiếu trắng tại Hội đồng Bảo an như vừa qua thì Israel sẽ làm cho Trung Đông tiếp tục rối bời. Điều đó cực kỳ bất lợi cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden, khi họ đang muốn có hồ sơ tranh cử đẹp trước khi bước vào cuộc đối đầu với đối thủ Donald Trump vào tháng 11.
Tổng thống Biden đang muốn cứu vãn Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 để có hồ sơ đẹp, và châu Âu cũng muốn cứu vãn. Israel định làm tắt ngấm những mong đợi đó.
Iran khó đáp trả mạnh
Theo ông, vụ này sẽ dẫn đến những chuyện gì?
Dù Iran tuyên bố sẽ đáp trả mạnh, cá nhân tôi nghi ngờ khả năng đó. Đây không phải lần đầu tiên Iran bị tấn công như vậy. Sau mỗi lần, Iran đều đưa ra lời thề đáp trả quyết liệt, nhưng đến nay tôi vẫn chưa thấy điều đó. Cần nhớ là Iran đang đối mặt với nhiều khó khăn chính trị và kinh tế trong nước.
Tuy nhiên, tôi cho rằng vụ này sẽ đẩy những rối loạn, căng thẳng ở Trung Đông lên một mức độ mới, có thể không xuất phát từ việc Iran đáp trả Israel mà từ các phong trào kháng chiến của người Palestine, của thế giới Ả-rập, của người Hồi giáo ở Trung Đông để chống lại Israel.
Không loại trừ khả năng quan hệ giữa Israel với một số quốc gia trong khu vực sẽ bị đẩy lên mức độ căng thẳng mới. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho thấy có khả năng một số nước lớn sẽ làm khó Israel, thậm chí sẽ can dự vào căng thẳng ở Trung Đông hay hạ mức quan hệ với Israel.
Vừa có thông tin Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan sang Ả-rập Xê-út để nối lại tiến trình đàm phán nhằm tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa Ả-rập Xê-út với Israel.
Ông nhận định như thế nào về nỗ lực này sau khi xảy ra vụ tấn công vào Lãnh sự quán Iran?
Iran với Ả-rập Xê-út gần đây quyết định bỏ qua quá khứ để thiết lập quan hệ ngoại giao. Ả-rập Xê-út từng tuyên bố rằng nếu Israel tiếp tục làm căng ở Dải Gaza, họ sẽ phải xem xét lại tiến trình bình thường hóa quan hệ với Israel, dù đã gần tới đích.
Theo tôi, chuyến đi của ông Sullivan rơi đúng vào thời điểm Israel gây hấn với quốc gia bạn bè của Ả-rập Xê-út, nên cơ hội nối lại đàm phán bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả-rập Xê-út sẽ càng khó hơn. Chuyến đi của ông Sullivan có thể sẽ chỉ là công dã tràng.
Cảm ơn ông.
Tây Ban Nha chuẩn bị công nhận nhà nước Palestine
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez vừa nói với hãng thông tấn nhà nước EFE rằng, Tây Ban Nha sẽ công nhận nhà nước Palestine vào tháng 7 tới. Ông Sanchez bày tỏ hy vọng Tây Ban Nha sẽ sớm có một nỗ lực đáng kể trong Liên minh châu Âu (EU) để thúc đẩy một số quốc gia thành viên chấp nhận quan điểm tương tự. Tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu ngày 22/3, Thủ tướng Sanchez cho biết ông đã nhất trí với các lãnh đạo Ireland, Malta và Slovenia “thực hiện những bước đi đầu tiên” hướng tới công nhận tư cách nhà nước của người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza mà Israel chiếm đóng.
Ðáp lại, Israel cho rằng kế hoạch của 4 quốc gia mang lại “phần thưởng cho chủ nghĩa khủng bố”, sẽ làm giảm cơ hội đạt được giải pháp thông qua thương lượng cho cuộc xung đột ở Dải Gaza.
Các quốc gia Ả-rập và EU nhất trí tại cuộc họp ở Tây Ban Nha vào tháng 11 năm ngoái rằng giải pháp hai nhà nước là câu trả lời cho cuộc xung đột Palestine-Israel. Tổng cộng 139 trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã công nhận nhà nước Palestine.