Tấn công lãnh sự quán TQ ở Pakistan: Pakistan ám chỉ, Ấn Độ phủ nhận

Đường cao tốc Multan Sukkur, một trong những dự án giao thông lớn nhất trong vành đai kinh tế Trung Quốc- Pakistan.
Đường cao tốc Multan Sukkur, một trong những dự án giao thông lớn nhất trong vành đai kinh tế Trung Quốc- Pakistan.
TP - Ngày 25/11, cảnh sát Pakistan cho biết, vụ tấn công tự sát nhằm vào lãnh sự quán Trung Quốc ở Karachi (Pakistan) hôm thứ 6 tuần trước khiến ba kẻ tấn công, hai cảnh sát và hai thường dân thiệt mạng được dàn dựng tại Ấn Độ, AP đưa tin.

Ông Umar Khitab, nhân viên chống khủng bố của Pakistan nói rằng, các nhà chức trách đang điều tra liệu người chỉ huy quân ly khai Baluch Aslam Achhu, người mà họ tin rằng chủ mưu tấn công có phải đang ở Ấn Độ. Trước đó, quân Giải phóng Baluch đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công này. Ông Khitab cho biết thêm, nhóm này được ủng hộ bởi “quốc gia thù địch”, ám chỉ đến Ấn Độ.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ chưa có bình luận gì về việc Pakistan cáo buộc về chất nổ dẻo C4 được sản xuất tại Ấn Độ. Tuy nhiên trong một tuyên bố trước đó, Ấn Độ đã phủ nhận việc giúp đỡ quân nổi dậy Baluchistan và lên án hành động bạo lực này. Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố: “Các thủ phạm của cuộc tấn công dã man này cần phải được nhanh chóng đưa ra công lý “.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan gọi hành động này là “một phần của âm mưu” chống lại sự hợp tác kinh tế và chiến lược của Pakistan và Trung Quốc và ra lệnh điều tra khẩn cấp.

Pakistan từ lâu đã cáo buộc đối thủ cũ của mình, Ấn Độ, ủng hộ quân nổi dậy dân tộc ở Baluchistan, trong khi đó, Ấn Độ cáo buộc Pakistan nuôi dưỡng các chiến binh Hồi giáo trong khu vực. Baluchistan, nằm trên biên giới của Afghanistan và Iran, có trữ lượng khí thiên nhiên và khoáng sản phong phú nhưng là tỉnh nghèo nhất của Pakistan.

Ấn Độ vốn lo ngại các dự án Trung Quốc và Pakistan

Vụ tấn công lãnh sự quán Trung Quốc tại Karachi, Pakistan đã gây sốc cho Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi Pakistan ngăn chặn không để tình trạng này tái diễn. Mặc dù vậy, một số nguồn tin ngoại giao của Trung Quốc cho biết, sự việc này không làm thay đổi các chương trình hợp tác cũng như các dự án kinh tế giữa Trung Quốc và Pakistan. 

Trung Quốc đã tài trợ phát triển cảng nước sâu tại Gwadar ở miền nam Baluchistan, Pakistan và cũng đang đầu tư vào các dự án khác trong  Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan. Ước tính, Trung Quốc đã đầu tư 62 tỷ USD cho Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) được thiết kế để kết nối giữa Tân Cương, vùng viễn tây của Trung Quốc với cảng Gwadar ở Pakistan thông qua một mạng lưới đường cao tốc, đường sắt, đường ống dẫn dầu và trung tâm thương mại. Dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2030, nó sẽ cung cấp cho Trung Quốc một tuyến giao thương quan trọng với Trung Đông và châu Phi.

Theo một học giả địa chính trị hàng đầu tại Trung Quốc, việc Trung Quốc đầu tư ngày càng lớn vào Pakistan càng khiến Ấn Độ không tỏ ra hoài nghi về ý đồ địa chính trị của Trung Quốc. Bởi lẽ, sự bao phủ lớn của  Sáng kiến “Vành đai và Con đường “ của Trung Quốc đẩy Ấn Độ vào vị thế bị bao vây.  

Ngoài lo lắng các quốc gia Nam Á sẽ mắc bẫy nợ đầu tư của Trung Quốc, Ấn Độ còn lo ngại rằng, các dự án CPEC còn xuyên qua một số vùng đất tranh chấp giữa Ấn Độ với Trung Quốc cũng như Ấn Độ- Pakistan. Ấn Độ đã mạnh mẽ phản đối tuyến đường bộ nối liền Trung Quốc-Pakistan vì vi phạm chủ quyền của Ấn Độ tại Kashmir.  

Trong bài phát biểu tại hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hồi tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đã ám chỉ rằng, các dự án kết nối lớn của CPEC phải tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia mà họ đi qua hoặc đến gần. Ấn Độ là quốc gia duy nhất trong số 8 thành viên của SCO từ chối xác nhận đầu tư của Bắc Kinh và thúc đẩy cơ sở hạ tầng.

Ấn Độ đã phủ nhận việc giúp đỡ quân nổi dậy Baluchistan và lên án hành động bạo lực này. Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố: “Các thủ phạm của cuộc tấn công lãnh sự quán Trung Quốc ở Pakistan cần phải được nhanh chóng đưa ra công lý “.

MỚI - NÓNG