Tiếp bước cha anh
Nhìn lưng áo ướt sũng và những giọt mồ hôi lăn dài trên gò má chàng tân binh vừa tròn 18 tuổi Lữ Thanh Tuấn (quê phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, Bình Dương) trong buổi tập luyện giữa trời nắng nóng khiến chúng tôi cảm nhận được sự vất vả của những chàng lính mới. Từ nhỏ được sống trong vòng tay bao bọc của gia đình nên Tuấn chưa phải “dãi nắng dầm mưa” bao giờ. Nay, khi đã được khoác trên mình màu áo lính đặc công để tiếp bước truyền thống gia đình, Tuấn mới thấm thía hết những gì ông nội và các cụ của Tuấn đã trải qua trong chiến tranh. Với nụ cười dễ mến, Tuấn bật mí: “Ông nội em là lính công binh tham gia chiến trường K, ông cố nội là liệt sỹ đặc công, còn bà cố nội là người có công chăm sóc cho bộ đội đặc công trong chiến tranh”.
Được biết, Lữ Thanh Tuấn viết đơn tình nguyện vào bộ đội khi đang học năm nhất Trường Trung cấp bảo dưỡng ô tô (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore). Ánh mắt tràn đầy cảm xúc, Tuấn nói: “Những ngày đầu cũng nhớ nhà, nhưng được các anh chỉ huy động viên nên cảm giác xa nhà không còn nữa. Mỗi bữa ăn, các anh chỉ huy đều đến tận từng bàn hỏi chúng em ăn có hợp khẩu vị không, có đủ no không để góp ý cho nhà bếp chế biến món ăn phù hợp. Em thấy tình cảm yêu thương như người thân trong gia đình, anh ạ”.
Tân binh Phạm Anh Dân (quê phường Tân Định, thị xã Bến Cát, Bình Dương) có hoàn cảnh éo le hơn. 15 tuổi, Dân mồ côi cha, thấy mẹ đau yếu thường xuyên mà vẫn phải làm lụng cực nhọc nuôi hai chị em Dân ăn học nên cậu quyết định nghỉ học đi làm thuê. Hết làm nghề chế biến mì hủ tiếu rồi chuyển sang làm bên xây dựng, công việc nào Dân cũng chăm chỉ chịu khó nên được mọi người yêu quý. Đầu năm 2015, Dân được tuyển chọn làm dân quân thường trực tại phường. Nghe tin có đơn vị đặc công tuyển quân tại địa phương, Dân tình nguyện viết đơn nhập ngũ.
Dân kể, ban đầu ngỡ rằng tập luyện cũng đơn giản thôi, mệt lắm là như làm công việc xây dựng chứ mấy. Thế nhưng khi đứng dưới cái nắng hầm hập 35 độ C để tập những động tác điều lệnh, Dân mới hiểu được rằng, để có những bước đi nghiêm trang, những động tác chào điều lệnh đẹp như đội ngũ diễu binh thì công sức bỏ ra vô cùng lớn.
Giữ lửa nhiệt huyết
Là một trong những đảng viên trẻ vừa nhập ngũ vào đơn vị, binh nhì Nguyễn Hữu Lợi (20 tuổi, quê phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát, Bình Dương) kể: “Ngày nhỏ em thường nghe kể về những chiến công huyền thoại của các bác, các chú bộ đội đặc công. Vì thế em luôn ước ao lớn lên sẽ trở thành người lính đặc công. Mình là đảng viên trẻ thì phải phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ để làm tấm gương cho anh em trong đơn vị noi theo”, Lợi nói.
Đang làm việc với mức lương 7 triệu đồng/tháng tại phòng đào tạo của trường Đại học Quốc tế Miền Đông, chàng trai Nguyễn Minh Quang (25 tuổi, quê phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên, Bình Dương) đã lên đường nhập ngũ mà không một chút băn khoăn.
“Kiếm tiền thì cũng rất cần đấy, nhưng thực hiện nghĩa vụ quân sự với Tổ quốc còn quan trọng hơn nhiều. Em đã được ăn học 4 năm đại học rồi đi làm 2 năm nữa, nhưng nghĩa vụ quân sự chưa thực hiện nên cứ canh cánh bên lòng”.
Tân binh Nguyễn Minh Quang
Nhìn ra khoảng sân nắng nóng hầm hập, Quang vẫn không tỏ chút nao núng. “Mới tháng trước còn làm việc trong phòng máy lạnh mát rượi, bây giờ tập luyện điều lệnh dưới trời nắng gay gắt thế này, ban đầu em cũng có chút tâm tư, nhưng chỉ sau 2 ngày là em đã bắt nhịp được ngay. Thời tiết khắc nghiệt có đồng chí say nắng được đồng đội dìu vào bóng mát nghỉ ngơi sau một lúc khỏe lại tiếp tục tham gia tập luyện. Vất vả là thế nhưng chẳng thể nào làm nao núng tinh thần chúng em”.
Về những tân binh vừa nhập ngũ vào Lữ đoàn 429, trung tá Hoàng Huy Hùng, Chính trị viên Liên đội đặc công 7, Lữ đoàn 429 (đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới) cho biết, tất cả thanh niên nhập ngũ đợt này đều được tuyển chọn kỹ lưỡng. Trong số 250 chiến sĩ mới (cùng quê Bình Dương) có 12 đảng viên, 16 người đã tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ chuyên nghiệp, sức khỏe đều đảm bảo đủ điều kiện huấn luyện trở thành những chiến sĩ đặc công ưu tú.