Tâm tư của 5 thủ khoa “đặc biệt”

Nhà báo Trần Thanh Lâm tặng hoa chúc mừng 5 tân thủ khoa tại buổi giao lưu.
Nhà báo Trần Thanh Lâm tặng hoa chúc mừng 5 tân thủ khoa tại buổi giao lưu.
TPO - Tại buổi giao lưu trực tuyến diễn ra tại Báo Tiền Phong, vào chiều 10/11, 5 thủ khoa “đặc biệt” đại diện cho 51 thủ khoa đầu vào thuộc các trường đại học phía Nam đã chia sẻ những câu chuyện xúc động về cuộc sống, ước mơ và bí quyết vươn lên trong học tập.
Giao lưu trực tuyến thủ khoa

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

10/11/2016 14:32

Công bố 50 sinh viên nhận học bổng 'Nâng bước thủ khoa 2016'

Hôm qua 3/11, Ban tổ chức Chương trình “Nâng bước thủ khoa 2016” cho biết vừa công bố 50 thủ khoa đầu vào là các tân sinh viên của các trường đại học khu vực phía Nam sẽ nhận học bổng vào sáng 11/11 tới. (Xem chi tiết)

10/11/2016 14:52

Mở đầu buổi giao lưu, nhà báo Trần Thanh Lâm - Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong đồng thời là Phó giám đốc Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam cho biết, rất vui được chào đón các thủ khoa đặc biệt về thành phố mang tên Bác và tham gia chương trình giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo Tiền Phong hôm nay. 

Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong gửi lời chúc mừng các bạn đã đạt được thành tích học tập xuất sắc khi là thủ khoa đầu vào của các trường đại học. 

“Kết quả bước đầu này đã ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của các bạn suốt thời học phổ thông. Mong rằng trong suốt quá trình học tập tại giảng đường các bạn sinh viên sẽ tiếp tục phát huy năng lực của mình hơn nữa để có thể gặt hái được nhiều học bổng hơn”- nhà báo Trần Thanh Lâm chia sẻ. 

Trao đổi với các tân thủ khoa, nhà báo Trần Thanh Lâm cho rằng: Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam sẵn sàng đón nhận các bạn thủ khoa trong thời gian tới để các bạn có cơ hội tiếp tục thực hiện được những ước mơ của mình trên giảng đường đại học.

Nhà báo Trần Thanh Lâm hi vọng các bạn sinh viên sẽ tiếp tục có những đóng góp cho bản thân, gia đình, xã hội sau khi ra trường.

10/11/2016 15:08

Tâm tư của 5 thủ khoa “đặc biệt” ảnh 1 Thủ khoa Nguyễn Thành Trung tại buổi giao lưu.

10/11/2016 15:16

Thế mạnh của bạn là ở những môn học nào? Bạn không có điện thoại thông minh, không có máy tính, bạn làm thế nào để tiếp cận với các trang mạng xã hội, nó có quan trọng với bạn không? (hoanhanhm….@yahoo.com) 

Tân thủ khoa Bùi Vũ Yến Nhi: Từ nhỏ em rất thích học môn Văn và theo đuổi nó nên văn là thế mạnh của em. Thực sự điều kiện hoàn cảnh gia đình em khó khăn cũng là bình thường nên em nghĩ sống trong hoàn cảnh nào thì quen với hoàn cảnh đó. Nhìn nhiều bạn còn khó khăn hơn mình nữa nên mình phải cố gắng nỗ lực hơn để thích nghi và vươn lên. 

Em quan niệm phải tiếp cận thông tin nhưng có chọn lọc. Do không máy tính hay di động hiện đại nên thường em ra tiệm net hoặc đến văn phòng của Đoàn đẻ tra cứu thông tin. Còn facebook cũng chỉ là phương tiện giao tiếp, em vẫn thích giao tiếp bên ngoài nhiều hơn vì em coi facebook ảo nhiều. (Cười)

10/11/2016 15:17

Gia đình Ngọc có đông anh chị em không? Bí quyết để trở thành thủ khoa của bạn là gì? 

Bạn Nguyễn Thị Ngọc: Gia đình có 3 anh chị em. Ngọc là con đầu, em gái đang học lớp 11, em trai học lớp 4. Bí quyết của mình học thuộc lý thuyết trên lớp, tự học và làm thêm các bàn tập ở nhà, học trên internet, lập nhóm học tập vì như thế có thể trao đổi bài vở được nhiều hơn.

10/11/2016 15:19

Tâm tư của 5 thủ khoa “đặc biệt” ảnh 2 Tân thủ khoa ĐH Kinh tế Đà Nẵng Nguyễn Thị Ngọc tại buổi giao lưu.

10/11/2016 15:24

Nghỉ học 1 năm rồi quay lại trường học lại, rất nhiều kiến thức cần phải học, lượng kiến thức rất nhiều, có bao giờ Hải muốn từ bỏ? Hải đã làm gì để tự động viên mình vượt qua khó khăn, khoảng thời gian đó? (Bạn đọc Thanh Tuyền đặt câu hỏi cho thủ khoa Lê Lương Hải). 

Tân thủ khoa Lê Lương Hải: Trong hơn một năm nghỉ học, em có đi làm với mẹ một năm ở Bình Thuận. Thời gian đi làm chịu đựng nắngnóng, cực khổ nên em nghĩ cần phải đi học để sau này có việc làm ổn định hơn để giúp mẹ. Tuy nhiên, khi em xin mẹ trở về quê để đi học thì ban đầu mẹ không đồng ý. Em phải nói bị bệnh để mẹ đưa về quê. 

Khi về đến quê thì em tiếp tục xin mẹ cho đi học. Sau đó em nhờ người bác đến trường xin thì được nhà trường đồng ý cho nhập học lại. Lúc này, mẹ đồng ý rồi trở vào nam đi làm, em ở nhà vừa học vừa tự chăm sóc bản thân. Do hơn một năm nghỉ học, xa rời sách vở nên trong học kỳ một, học lực của em thua kém các bạn trong lớp rất nhiều. 

Em tự nhủ được đi học lại dù có thua các bạn nhưng phải tự cố gắng, tìm lại kiến thức đã học và mượn sách vở bạn bè về chép bài, cố gắng đuổi kịp các bạn. Nhờ đó, trong học kỳ 2, em từ cuối danh sách đã vượt lên đứng trong top 5 của lớp. 

May mắn lần trở lại lớp này em gặp lại cô Trịnh Thị Hoa, ở xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa chủ nhiệm năm lớp 7, thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cô nhận em làm con nuôi. Nghĩ lại, từ nhỏ bố nghiện rượu, suốt ngày say xỉn, thường xuyên đánh đập vợ con nên mẹ vào nam làm ăn, em đã phải tự lo cho bản thân. 

Đến khi em trở lại học lớp 8 thì bố vẫn thế, không lo cho gia đình mà suốt ngày rượu chè. Mẹ đi làm không đủ tiền gửi về cho hai bố con nên em phải vừa đi học, vừa đi làm để kiếm tiền. Những ngày mùa ở quê thì đi cấy thuê, làm cỏ lấy công. Hết mùa thì em xin đi rửa chén ở nhà hàng, mùa Tết thì đi phụ bán hàng ở chợ… để có tiền ăn học và lo cho bản thân. 

Nhiều lúc em nghĩ mình cũng giống người ta, có mẹ có cha mà phải ở một mình, tự chăm sóc bản thân từ nhỏ… nên buồn, nhiều lúc lại nản muốn nghỉ học. Nhưng thấy lực học cũng không đến nỗi tồi nên em tự động viên mình phải cố gắng học để sau này có công ăn việc làm.

10/11/2016 15:25

Tâm tư của 5 thủ khoa “đặc biệt” ảnh 3 Tân thủ khoa Lê Lương Hải trả lời bạn đọc.

10/11/2016 15:29

Bạn dành thời gian giải trí và học tập ra sao? (bạn đọc tên Nga ở Bình Dương). 

Tân thủ khoa Bùi Vũ Yến Nhi: 8h tối là em đã đi ngủ. Nhà em ngủ sớm vì khoảng 2 giờ khuya mẹ em phải đi buôn bán. Em ngủ sớm để sáng phụ mẹ mang đồ ra chợ bán. Lúc luyện thi đại học cũng vậy, em ngủ rất sớm, các bạn 11, 12h ngủ chứ 9h em đã ngủ rồi. 

Đi học cả ngày về giờ đó đầu óc cũng mệt nên em nghỉ đi ngủ sớm thì dậy sớm sẽ tỉnh táo và tiếp nhận bài học sẽ dễ hơn. Những giờ ra chơi em thường ngồi học bài, hoặc lên thư viện. Tuần thường em lên thư viện 3 buổi. 

Hồi học cấp 3 em cũng đi học sớm, luôn đến sớm trước để vào thư viện đọc thêm sách. Còn thứ Bảy và Chủ Nhật em sẽ tham gia các hoạt động Đoàn trường như: Thứ Bảy tình nguyện, Chủ Nhật Xanh để cùng các bạn dọn dẹp trường, tổ chức các trò chơi cho thiếu nhi. Tổ chức cho các em chơi và mình cũng tham gia chơi luôn, đó như là cách giải trí của em.

10/11/2016 15:32

Lý có thể nói lý do nào dẫn bạn đến với Trường Nông Lâm TPHCM và đạt thủ khoa được không? (thuvantran…@gmail.com) 

Tân thủ khoa Lê Thiên Lý: Em hiểu hoàn cảnh của mình, việc học hành, định hướng tương lai… dường như là do em tự chọn và quyết định. Ngày còn trên ghế nhà trường, em muốn vào sau này làm trong nghành Y, đợt tuyển sinh năm 2015 vừa qua kết quả 25.5 điểm nên con đường vào trường Y đóng lại. Được sự động viên gia đình, bạn bè, em quyết ôn thi lại. Nhưng khi quyết định ngôi trường, nghề nghiệp tương lai thì lúc này em đã chọn Trường Đại học Nông Lâm TPHCM. Kết quả kì thi 2016 vừa qua, số điểm khoa Nông học lấy 20.5, kết quả em đạt 25 điểm.

10/11/2016 15:34

Tâm tư của 5 thủ khoa “đặc biệt” ảnh 4 Lê Thị Thiên Lý- Thủ khoa ĐH Nông lâm TPHCM trả lời giao lưu.

10/11/2016 15:38

Ước mơ của Lê Lương Hải là gì? 

Tân thủ khoa Lê Lương Hải: Em cũng có ước mơ từ nhỏ là trở thành một thầy giáo nên em phải cố gắng học tập. Suốt thời gian học cấp 2, cấp 3 em luôn đứng trong top 5 của lớp. Đến năm cuối cấp 3, em thấy mình mê nghệ thuật hơn, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống như cải lương, ca trù, quan họ… nên em quyết tâm sau này mình phải theo con đường nghệ thuật. 

Ngày đó em hay tham gia các hội văn nghệ ở làng, tham gia các câu lạc bộ của trường, biên đạo cho các cô ở làng và tham gia tất cả các phong trào của trường như đóng kịch… Em tham gia nhiều cuộc thi của trường và được giải nhất. Em nhớ một lần đóng vai cô Thị Mầu thời hiện đại về làng trong ngày 26/3 vừa qua và rất thành công, từ đó được nhiều người khuyên nên theo nghệ thuật khiến em càng quyết tâm hơn. Hơn nữa, em thần tượng chú Hoài Linh và chú Xuân Hinh, đó là hai mẫu hình tượng nghệ sĩ mà em muốn hướng tới bởi niềm đam mê nghệ thuật, chân chất và hết mình vì nghiệp diễn.

10/11/2016 15:42

Hoàn cảnh khó khăn, nhiều bạn đạt điểm cao cũng không được đi học tiếp. Ngọc có những khó khăn đó không? 

Tân thủ khoa Nguyễn Thị Ngọc: May mắn lớn nhất của mình là ba mẹ luôn ủng hộ. Mẹ em luôn nói: "Dù khó khăn đến đâu, ba mẹ cũng cố gắng vay mượn để các con được ăn học". Và em biết, em nhập học mẹ cũng đã vay mượn cho em đến trường. Ngày em chọn trường Kinh tế ở Đà Nẵng, không ai ủng hộ, chỉ có mẹ luôn động viên em. Mẹ nói học ở đâu cũng được, quan trọng là nỗ lực của bản thân nên em quyết tâm.

10/11/2016 15:44

Tâm tư của 5 thủ khoa “đặc biệt” ảnh 5 Thủ khoa Lê Thị Thiên Lý vui tươi khi trả lời bạn đọc.

10/11/2016 15:46

Tâm tư của 5 thủ khoa “đặc biệt” ảnh 6 Toàn cảnh buổi giao lưu.

10/11/2016 15:47

Lý có thể nói lý do nào dẫn bạn đến với trường Nông Lâm TPHCM và đạt thủ khoa được không? Nếu có công ty nước ngoài nhìn thấy năng lực của bạn, bạn có chọn ở lại với mức lương cả ngàn đô/tháng không hay sẽ về quê cống hiến với mức lương vài triệu đồng? (thuvantran…@gmail.com).

Thủ khoa Lê Thị Thiên Lý: Em hiểu hoàn cảnh của mình, việc học hành, định hướng tương lai… dường như là do em tự chọn và quyết định. Ngày còn trên ghế nhà trường, em muốn vào sau này làm trong nghành Y, đợt tuyển sinh năm 2015 vừa qua kết quả 25.5 điểm nên con đường vào trường Y đóng lại. Được sự động viên gia đình, bạn bè, em quyết ôn thi lại. Nhưng khi quyết định ngôi trường, nghề nghiệp tương lai thì lúc này em đã chọn Trường Đại học Nông Lâm TPHCM. 

Kết quả kì thi 2016 vừa qua, số điểm khoa Nông học lấy 20.5, kết quả em đạt 25 điểm. Em chọn làm doanh nghiệp nước ngoài không phải vì mức lương ngàn đô mà vì em nghĩ đây là cơ hội, điều kiện để em học hỏi, mở mang kiến thức để sau này xây dựng quê hương của mình.

10/11/2016 15:48

Cảm xúc của bạn khi cùng tham gia chương trình và giao lưu với các bạn thủ khoa khác ra sao? 

Bùi Vũ Yến Nhi trả lời: Khi biết mình được chọn tham gia giao lưu chương trình “Nâng bước Thủ khoa” không thể tin là mình được tham dự. Em thấy hãnh diện vì được đứng vào top của những bạn thủ khoa, đây là lần đầu tiên mà được chạm đến vị trí cao như vậy. Hồi cấp 3 em cũng từng mơ là thủ khoa của một trường nhưng bây giờ em thấy tốt nghiệp đại học thủ khoa mới là quan trọng hơn. 

Em vui vì cảm thấy không phụ lòng cha mẹ tin tưởng. Đến với chương trình “Nâng bước Thủ khoa” được gặp thêm các bạn mới rất giỏi mới thấy mình phải cố gắng hơn nữa để phát huy các tiềm năng. Nhân buổi giao lưu cũng tranh thủ làm quen thêm nhiều bạn mới để học hỏi thêm, học tập những kinh nghiệm hay của các bạn để biến kinh nghiệm của bạn thành kinh nghiệm của mình. 

Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng cảm thấy mình không đơn độc vì có “Quỹ hỗ trợ Tài năng trẻ” quan tâm hơn, tiếp thêm sức mạnh, động lực để em tiếp bước thực hiện ước mơ.

10/11/2016 15:51

Khi vào trường sỹ quan thì bạn có cảm thấy tự ti về chiều cao cũng như vóc dáng của mình nữa không? (minhloc....@gmail.com).

Thủ khoa Nguyễn Thành Trung: Khi biết mình đậu vào trường sỹ quan thì em rất vui, bởi những tháng ngày rèn luyện theo đuổi ước mơ của em đã thành sự thật. Tuy nhiên khi vào trường sỹ quan thì nhìn thấy các bạn cùng khóa cao to hơn em nhiều nên em cũng có chút cảm giác tự ti. Em bắt đầu quyết tâm rèn luyện thể thao tiếp để có được vóc dáng cao to hơn. Em nghĩ rằng nếu mình có ước mơ và dám thực hiện nó thì mình sẽ gặt hái được thôi.

10/11/2016 15:55

Từng tham gia hoạt động Đoàn ở cấp 3, với tân thủ khoa kế hoạch Đoàn có gì đặc biệt? Em cũng từng đậu ĐH Sư Phạm Văn vì sao em chọn học ở Học viện Hành Chính Quốc Gia?

Thủ khoa Bùi Vũ Yến Nhi: Em là phó Bí thư Đoàn kiêm luôn Chi hội Trưởng của Lớp. Em mới vào lớp nên được các anh chị khoá trên cũng tạo điều kiện giao lưu và dẫn dắt. Các bạn sinh viên mới của lớp em cũng là những sinh viên rất năng động, và mình phải là người tiên phong trong phong trào nên dễ lôi cuốn các bạn sinh viên trong lớp tham gia cùng. 

Thời gian tới em sẽ tổ chức giao lưu văn nghệ và tạo trò chơi lớn cho các lớp khác cùng tham gia. Lúc thi ĐH, lúc đầu em định chọn học Sư Phạm Văn nhưng cảm thấy đây chưa phải là đam mê, 13 năm làm lớp trưởng nên máu hoạt động Đoàn luôn chảy trong em, em nghĩ lãnh đạo một lĩnh vực nào đó sẽ phù hợp với em nhất. Vì vậy, em chọn học ở Học Viện Hành Chính Quốc Gia.

10/11/2016 15:58

Tâm tư của 5 thủ khoa “đặc biệt” ảnh 7 Bui Vũ Yến Nhi chia sẻ tại buổi giao lưu.

10/11/2016 15:58

Là con gái lại học xa nhà, bạn có sợ mình bị "cám dỗ" bởi những điều xấu không? 

Tân thủ khoa Nguyễn Thị Ngọc: Em chưa bao giờ đi xa nhà nên cũng rất lo lắng. Lúc nhập học thì em cũng tự đi 1 mình. Lúc vào đây, em quan nhiệm mình vào đây chủ yếu để học cho bản thân, học để giúp đỡ cha mẹ nên sẽ không để mình bị "sa vào cám dỗ". Là con gái nên em luôn tự dặn bản thân phải biết tự kìm chế, tự rèn luyện để tốt hơn mỗi ngày.

10/11/2016 16:01

Ai là thần tượng của bạn? (Bạn đọc Minh Ngọc) 

Thủ khoa Bùi Vũ Yến Nhi: Ca sĩ, diễn viên thì em không thần tượng ai hết. Em thần tượng cha mẹ và những người thầy cô. Cha là người nghiêm khắc nhưng cũng rất gần gũi, nên luôn là mẫu hình em thần tượng. Cha ngoài giờ làm chính còn ra làm ruộng, chăm sóc vườn nhà, trồng mướp, trồng rau, phụ với mẹ em. Còn mẹ thì là người phụ nữ chịu thương chịu khó và tần tảo, gồng gánh, vun vén cho hạnh phúc gia đình. Cha và mẹ luôn chia sẻ với nhau. Gia đình em không dư dả nhưng lúc nào cũng hạnh phúc, lúc nào cũng vui vẻ và rộn rã tiếng cười. 

Còn người cô mà truyền cảm hứng cho em trở thành học sinh giỏi Văn là cô Võ Thị Lang, cô dạy em môn Văn lớp 11. Cách dạy của cô không cho người ta cảm giác Văn là ướt át, bài giảng của cô mạnh mẽ và luôn thu hút, cách cư xử của cô cũng là hình mẫu và truyền cảm hứng của người phụ nữ hiện đại, mạnh mẽ, có chính kiến.

10/11/2016 16:02

Khi giành được suất học bổng Nâng bước thủ khoa thì bạn có kế hoạch sử dụng thế nào trong thời gian tới cho việc học hành và trang trải cuộc sống? (trongthinh…@gmail.com) 

Thủ khoa Nguyễn Thành Trung: Trước tiên em sẽ dành một ít tiền gửi về cho bố mẹ trang trải cuộc sống. Phần còn lại em sẽ để dành để mua cái máy tính xách tay phục vụ cho việc học. Vì em học về thông tin liên lạc nên rất cần máy tính để phục vụ cho việc học. Ngoài ra thì em sẽ học thêm ngoại ngữ để phục vụ cho việc học và nghiên cứu.

10/11/2016 16:06

Tâm tư của 5 thủ khoa “đặc biệt” ảnh 8 Thủ khoa Lê Lương Hải tại buổi giao lưu.

10/11/2016 16:14

Gia đình Hải rất khó khăn khi bố ốm nặng trong điều kiện kinh tế gia đình kiệt quệ, khiến em đã có lúc phải nghỉ học, ngay cả khi đậu đại học em cũng phải đắn đo cho con đường học tập tiếp theo. Vậy đâu là động lực để em vượt khó vươn lên và chinh phục bến bờ tri thức? 

Thủ khoa Lê Lương Hải: Xuất thân từ hoàn cảnh gia đình khó khăn, con đường học tập của em gặp rất nhiều trở ngại, gia đình không đủ khả năng lo cho mình, em phải tự kiếm tiền để đi học nhưng vẫn không đủ. Từ nhỏ đã thiếu tình yêu thương của cha, thiếu sự đùm bọc của mẹ nên nhiều lúc em cảm thấy tủi thân. Sao mình lại thiếu may mắn như thế. 

Em thấy mình bất hạnh hơn nhiều bạn khác. Trên con đường học tập của em, gần như chưa bao giờ em nhận được sự ủng hộ của gia đình. Suốt 12 năm học, gia đình em luôn trong hoàn cảnh nghèo “bền vững”, đến khi học hết lớp 12 mẹ vẫn không muốn cho em đi học nữa mà muốn em đi làm. 

Nhưng em nghĩ mình đã có nghị lực vượt qua 12 năm học rồi, tại sao đến đây mình phải nghỉ học. Mẹ không cho đi học nữa nhưng em vẫn cố gắng tìm cách đi học. Đến khi đi thi đại học, gia đình em không ai biết, em nghĩ lúc đó mẹ vẫn không đồng ý cho em đi học. Em đi thi với tâm trạng là thi cho biết, xem kiến thức của mình đang ở đâu so với các bạn. 

Thời gian đi thi em phải xuống thành phố thi. Tất cả các thí sinh đều được gia đình đưa đến, dẫn đi ăn, chúc thi tốt… hỏi han đủ thứ. Còn em thì thời gian học cấp ba em có đi hoạt động xã hội nên quen nhiều người và được các anh chị cho ở ké lại phòng để khỏi mất tiền phòng. Các chị về quê đón em xuống đi thi, các chị thấy em không có tiền nên mua đồ ăn, chăm sóc em suốt thời gian đi thi. 

Đến ngày thứ 2 em đi thi thì bố bị xuất huyết dạ dày, bệnh viện cũng phải trả về. Nghe người thân điện thoại về nói về lo chăm sóc cho bố. Lúc đó em bật khóc. Em quyết tâm phải cố ở lại để đi thi tiếp cho xong. 

Khi có kết quả thi, một người bạn xem hộ thông báo em được điểm cao, nghe bạn đọc điểm xong em mừng quá từ nhà chạy ra đường, em cười, gặp ai em cũng cười. Nhưng một lúc sau em trở về nhà nằm nghĩ lại thì điểm cao cũng để làm gì khi gia đình khó khăn, mẹ không cho đi học em lại khóc. Em không dám nói với mẹ và đi hỏi xin ý kiến của mọi người và về dốc hết can đảm để báo với mẹ là em được 25,5 điểm, em đậu đại học nhưng khi đó mẹ nói “tiền mô mà đi học”. 

Ngày hôm sau em quyết định xin mẹ một lần nữa nhưng mẹ vẫn không cho đi học. Em cố gắng xin mẹ và nói sẽ tự kiếm tiền trang trải việc học để theo đuổi ước mơ và giúp đỡ được mẹ. Sau đó em vào TPHCM nộp đơn vào trường ĐH KHXH&NV và trường đại học văn hóa, khi có kết quả đậu cả hai trường. Em luôn ước mơ theo con đường nghệ thuật nên em chọn trường đại học Văn Hóa, em quyết đinh nhập học trường này luôn. 

Từ khi nhập học phải đóng tiền học phí em không có tiền phải gọi điện về quê vay tiền bạn bè để đóng. Sau một tuần em đi xin việc làm thêm, được một người bạn giới thiệu vào làm ở một quán nhậu. Từ khi nhập học đến nay em hơn 2 tháng nhưng em cũng đã kiếm được tiền để trả tiền học phí và tự lo cho bản thân, mua đồ dùng học tập. Em nghĩ thời gian tới còn khó khăn hơn nên em phải nỗ lực hơn nữa để trang trải cho bốn năm đại học và theo đuổi đam mê.

10/11/2016 16:18

Được biết, trong chương trình “Nâng bước thủ khoa” có phần thưởng cho Thủ khoa của Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam là 1 suất học tiếng Anh của Việt Mỹ. Bạn có thích món quà này không? 

Thủ khoa Nguyễn Thị Ngọc: Em rất thích món quà này, và sẽ cố gắng học tốt để đạt chứng chỉ IELTS. Đây sẽ là hành trang để em viết tiếp ước mơ du học nước ngoài của mình. Hiện nay em đang theo một khóa học tiếng Anh online trên mạng để trau dồi thêm kỹ năng phản xạ.

10/11/2016 16:23

Tại sao Hải lại chọn ĐH Văn Hoá mà không phải là trường chuyên về kinh tế nào đó? Em dự định sau này sẽ làm gì để cải thiện, giúp đỡ kinh tế gia đình. (Bạn đọc Thu Thảo)

Thủ khoa Lương Lê Hải: Từ những năm học cấp 2 em đã không có năng khiếu học các môn về kinh tế nên em biết mình không thể đi vào các trường tốt để cải thiện việc học và không xác định được việc làm sau này. Do có năng khiếu các môn xã hội nên em chọn các môn khối này để thoả niềm đam mê của em về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật truyền thống. 

Em muốn chọn văn hóa để cống hiến hết mình cho nghệ thuật, để bộc lộ hết khả năng của mình. Em biết chọn nghệ thuật có thế không cải được nhiều về kinh tế gia đình nhưng em muốn đuổi theo đam mê. Dự định của em là trong bốn năm đại học em cố gắng học, tiếp thu kiến thức để khi ra trường em tiếp tục theo đuổi để khẳng định chỗ đứng, cống hiến nhiều cho nghệ thuật và có thể tăng thêm thu nhập. 

Nếu sau này con đường tương lai thuận lợi thì em sẽ cố gắng tìm thêm các công việc khác. Khi con đường nghệ thuật có thể thành công thì kinh tế của mình sẽ khá hơn. Trong một hai năm tới em dự định sẽ tham gia các cuộc thi để khẳng định khả năng của mình, đó cũng là một con đường để cải thiện kinh tế của mình. Dự định xa hơn của em và em tự hứa là đã theo nghệ thuật thì phải thành công và chắc chắn sẽ giúp được gia đình.

10/11/2016 16:29

Tâm tư của 5 thủ khoa “đặc biệt” ảnh 9 Các tân thủ khoa tại buổi giao lưu.
Tâm tư của 5 thủ khoa “đặc biệt” ảnh 10 Nhà báo Trần Thanh Lâm tặng hoa chúc mừng 5 tân thủ khoa tại buổi giao lưu.

Buổi giao lưu nằm trong chuỗi chương trình học bổng “Nâng bước thủ khoa” do Quỹ hỗ trợ tài năng Việt Nam và Báo Tiền Phong tổ chức diễn ra trong 2 ngày 10 và 11/11.

Địa điểm Giao lưu “Nâng bước thủ khoa” diễn ra tại Ban đại diện Tiền Phong ở 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TPHCM. Chủ trì: Nhà báo Trần Thanh Lâm- Phó Tổng biên tập. 5 tân thủ khoa có hoàn cảnh đặc biệt- học tập xuất sắc gồm:

1. Nguyễn Thị Ngọc: quê ở Yên Thành, Nghệ An- thủ khoa trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng ngành Hệ thống thông tin quản lý với 27,5 điểm. Ngọc sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo, Ngọc luôn ý thức được việc để không phụ lòng cha mẹ. Ngoài nghề nông, Bố mẹ Ngọc còn làm thêm nhiều việc, hễ ai kêu gì làm nấy không kể cả thời gian. Có những hôm đã 9h tối nhưng có người đến kêu đi xay đá, đóng ba lô, bố mẹ Ngọc vẫn đi. Ngọc còn nhớ như in ngày biết tin vào Đại học, Bố Ngọc đã đạp xe đạp đi khắp xóm và nói to để khoe với hàng xóm: "Con gái tôi nó thi đại học được 29 điểm".

Tâm tư của 5 thủ khoa “đặc biệt” ảnh 11

Nguyễn Thị Ngọc- thủ khoa trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng ngành Hệ thống thông tin quản lý.

2. Nguyễn Thành Trung: quê ở Thị xã Thái Hòa, Nghệ An. Ngay từ nhỏ, Trung đã yêu thích người lính cụ Hồ bởi bố là thương binh trở về từ chiến trường biên giới và hình ảnh người lính giúp dân mỗi mùa mưa lũ kéo về. Từ đó, Trung quyết tâm thi vào Trường quân đội. Nhưng Trung thiếu 2cm so với tiêu chuẩn chiều cao của Quốc phòng nên ngậm ngùi học trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng.  Không từ bỏ ước mơ vào trường quân đội, dù đang theo học đại học nhưng hàng ngày Trung vẫn sáng tập xà đơn, chiều đi bơi để tăng chiều cao. Cuối cùng, khi Trung đủ chiều cao thì đến áp lực ôn thi bởi sau 2 năm không nhìn lại kiến thức... Tuy nhiên, với nỗ lực của bản thân, Trung đã thành công khi đỗ vào Trường Sỹ quan thông tin-Binh chủng TTLL.

Tâm tư của 5 thủ khoa “đặc biệt” ảnh 12

Nguyễn Thành Trung - Trường Sĩ quan Thông tin ở Khánh Hoà

3. Bùi Vũ Yến Nhi: Học viên Hành chính quốc gia: 25,58đ. Nhi sinh ra trong 1 gia đình nghèo ở Bình Chánh, TPHCM. Cha làm bảo vệ, mẹ ở nhà nội trợ. Hoàn cảnh rất khó khăn khi cha mẹ đau ốm. Suốt 12 năm học, Nhi luôn học giỏi nhất khối, đạt nhiều giải thưởng học sinh giỏi.

Tâm tư của 5 thủ khoa “đặc biệt” ảnh 13

Bùi Vũ Yến Nhi - tân thủ khoa Học viện Hành chính Quốc gia, cơ sở TPHCM.

4. Lê Lương Hải: ĐH Văn Hóa TPHCM: 25,5đ. Hải sinh ra trong một gia đình nghèo, quê ở Thanh Hóa. Bố Hải là người thường xuyên đau ốm nên 1 tay mẹ Hải phải lo hết mọi chuyện. Năm lên lớp 8, bố Hải ốm nặng khiến kinh tế gia đình kiệt quệ, Hải phải nghỉ học 1 năm để đi làm thêm. Sau khi đi học lại, Hải quyết tâm học thật giỏi và rồi khi có kết quả thi ĐH, Hải phải lần nữa đắn đó do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn…

Tâm tư của 5 thủ khoa “đặc biệt” ảnh 14

Sinh viên Lê Lương Hải - Khoa Quản lý - ĐH Văn Hoá TPHCM

5. Lê Thiên Lý, ĐH Nông Lâm TPHCM: 24,5 đ. Lý sinh ra và lớn lên trong 1 gia đình nghèo ở Bình Định. Bố làm thợ hồ, mẹ là nhân viên vệ sinh, em trai đang học lớp 12. Trong 12 năm học, Lý luôn là học sinh giỏi. Năm 2015, Lý thi ĐH được 25,5 đ nhưng k trúng tuyển vào trường đã đăng ký nên quyết định nghỉ học để vừa đi làm vừa ôn thi lại. trong suốt quá trình ôn thi, Lý phải làm các công việc như phát tờ rơi, gia sư, nhân viên phục vụ.. để kiếm tiền sinh sống.

Tâm tư của 5 thủ khoa “đặc biệt” ảnh 15

Thủ khoa Lê Thị Thiên Lý, sinh viên Khoa Nông học, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM.

Độc giả có thể đặt câu hỏi đến các thủ khoa qua email: tienphongdaidiensg@gmail.com bắt đầu từ bây giờ.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Hiện trạng khu tái định cư Đền Lừ III bỏ hoang sắp được cải tạo
Hiện trạng khu tái định cư Đền Lừ III bỏ hoang sắp được cải tạo
TPO - Hoàn thành từ năm 2017 nhưng dự án tái định cư Đền Lừ III (quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) vẫn trong tình trạng bỏ hoang, với nhiều hạng mục xuống cấp trầm trọng. Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai đầu tư dự án cải tạo, bảo đảm khang trang, sạch đẹp, phục vụ tốt nhất đời sống người dân sau khi được bàn giao nhà tái định cư.