> Trào lưu vlog trong giới trẻ
> Vua' học bổng: Điều kỳ diệu chỉ đến với người cố gắng
Những ngày giáp tết, nhiều trường hợp du học được gia đình đưa đến Viện Sức khoẻ Tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) để khám và điều trị bệnh trầm cảm, rối loạn tâm thần. Trong số này, có những học sinh du học từ năm lớp 10, học đại học tại các nước như Anh, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Rối loạn tâm thần khi xa nhà
Sau 3 năm du học, Quỳnh (17 tuổi, quê Quảng Ninh) được gia đình đưa đến Viện Sức khoẻ Tâm thần Quốc gia (SKTTQK) khám trong trạng thái ngẩn ngơ. Vốn học giỏi, nên cách đây vài năm khi đang học phổ thông cơ sở, Quỳnh được bố mẹ cho đi du học tự túc tại Úc.
Ở độ tuổi chưa có kinh nghiệm về kỹ năng sống, lại phải sinh hoạt tại một đất nước xa lạ khiến Quỳnh luôn cảm thấy bất an. Cô sống khép mình, chỉ lo học, lần nào gọi điện cho bố mẹ cũng nói nhớ nhà. Được bố mẹ động viên, cô gái tuổi vị thành niên ấy lại cố gắng học, vẫn tránh tiếp xúc với mọi người.
Học xong phổ thông cơ sở, Quỳnh xin bố mẹ cho về nước. Bố mẹ Quỳnh không đồng ý, vì mất nhiều tiền mới lo được cho con sang đây nên không thể về nửa chừng. Tuy nhiên, nghĩ con không hợp với Úc nên họ tiếp tục lo cho Quỳnh sang Niu-Di-Lân để học phổ thông trung học. Ức chế tâm lý, nhưng Quỳnh buộc phải chấp hành.
Tại nơi mới, tuy điều kiện sống phù hợp hơn đôi chút, nhưng Quỳnh vẫn luôn có cảm giác trống trải. Không thể gọi điện liên tục về nhà vì sợ bố mẹ ca thán, Quỳnh bèn mua thuốc hút để dịu nỗi cô đơn.
Lâu dần Quỳnh đâm nghiện, có lúc ôn thi căng thẳng cô hút vài bao một ngày. Rồi Quỳnh chán ăn, hay lẩm bẩm một mình, dần dà mất kiểm soát về cảm xúc lẫn hành vi.
Cô được đưa đi khám, được bác sĩ kết luận bị rối loạn cảm xúc. Được nhà trường thông báo, bố mẹ Quỳnh hốt hoảng vội đưa con về nước. Ban đầu, do sĩ diện lẫn chưa hiểu biết về căn bệnh này, bố mẹ để Quỳnh ở nhà rồi mời bác sĩ đến khám và tư vấn nhưng bệnh con vẫn không đỡ.
Khi đưa Quỳnh đến Viện SKTTQG, bố mẹ cô vẫn băn khoăn vì sao con mình vốn học giỏi, lại được tạo điều kiện tốt, nhưng do đâu lại xảy ra tình trạng như vậy.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4, Viện SKTTQG lý giải: “Mỗi người có những tố chất, tâm lý và sức chịu đựng khác nhau nên không phải ai cũng thích nghi tốt khi ở nước ngoài. Nỗi cô đơn do xa nhà như giọt nước làm tràn ly khiến Quỳnh bị trầm cảm”. Sau khi được điều trị, Quỳnh đỡ ngẩn ngơ, trò chuyện với gia đình tương đối bình thường.
Bệnh nhân Hương (20 tuổi, trú tại Hà Nội) lại biểu hiện bệnh khá kỳ quặc. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Hương muốn học đại học trong nước nhưng bố mẹ lại ép đi du học tại Hàn Quốc.
Ở nước ngoài, Hương phải tự mình lo mọi việc, từ nấu ăn, giặt quần áo đến tự chăm sóc khi bị ốm... Đã thế, nhiều học trình với tài liệu khó khiến Hương không theo kịp nên cô thường xuyên bị căng thẳng, ức chế.
Thỉnh thoảng, bố mẹ lại gọi điện sang, nhưng chỉ hỏi chuyện học tập khiến Hương càng lo lắng, áp lực hơn. Bước sang năm thứ 3, Hương bỗng xuất hiện ảo giác coi hai năm học vừa qua là đủ kiến thức để về nước làm việc.
Cô sắm một chiếc máy in, liên tục in tài liệu của trường rồi đóng gói gửi về nhà và bảo gia đình cất giữ hộ để sau này còn dùng. Bố mẹ gọi điện hỏi thì thấy con nói luyên thuyên khiến họ càng thêm nghi hoặc, nên gần đây đã nhắn Hương về nước ăn tết để kiểm tra.
Về nhà, Hương vẫn không bỏ thói quen cũ khi hằng ngày lên mạng tìm tài liệu rồi in ra từng tập, một thời gian sau lại chuyển sang viết thư tay cho từng người trong nhà.
Rồi Hương ngồi lỳ trong phòng, luôn than vãn chuyện nhớ nhà, không muốn đi học nữa khiến bố mẹ phát hoảng vội đưa con đến viện khám.
Bác sĩ xác định Hương bị rối loạn cảm xúc do ức chế tâm lý và sống xa gia đình. Sau khi điều trị, bệnh Hương đỡ dần. Tuy nhiên bác sĩ khuyên gia đình không cho cô trở lại học nữa nếu không bệnh sẽ tái phát.
Hai thái cực mắc chứng tâm thần
BS. Nguyễn Văn Dũng trao đổi với mẹ và bệnh nhân đến khám tại Viện SKTTQG . |
Nói về tình trạng bệnh nhân bị rối loạn tâm thần, BS. Nguyễn Văn Dũng đề cập thêm những trường hợp đặc thù khác, tuy điều kiện du học của mỗi bệnh nhân khác nhau.
Trường hợp của Long (22 tuổi, quê Hưng Yên), đi du học tại Mỹ sau khi thi được học bổng. Tuy có học bổng, nhưng do sống ở nơi giá cả đắt đỏ nên bố mẹ Long phải vay nợ để con có tiền “giắt lưng” trong quá trình du học tại nước Mỹ xa xôi.
Ngoài việc học tập, Long phải đi làm thêm để trả nợ khoản nợ bố mẹ đã vay trước đây. Do ăn uống quá kham khổ, lại phải học và làm thêm quá sức nên Long bắt đầu phát bệnh. Ban đầu, Long chỉ thấy những triệu chứng âm ỉ như mất ngủ, lo âu, khó tập trung học...
Sau đó, bệnh bùng phát khiến Long thường xuyên la hét, khóc cười vô cớ, không tiếp xúc với bạn bè, sức học sút giảm nghiêm trọng.
Long về nước trong tình trạng lúc tỉnh lúc mơ khiến bố mẹ thoạt đầu không nhận ra anh. Sống tại nhà ít ngày, bố mẹ phải đưa Long nhập viện vì chứng rối loạn cảm xúc của con liên tục diễn ra.
Bố mẹ Hòa là một đại gia tại Hà Nội. Thời còn học phổ thông, Hòa luôn nghe bố mẹ nói họ có rất nhiều tiền, chỉ cần con tốt nghiệp lớp 12 là cho đi du học.
Lời tuyên bố này khiến Hòa nghĩ mình chẳng cần cố học làm gì, vì đâu cần thi vẫn được ra nước ngoài học. Đến khi tốt nghiệp phổ thông, được bố mẹ cho sang Úc du học, cậu thiếu gia này thấy hụt hẫng khi bên mình không có ai giúp đỡ, chăm sóc.
Bước vào học, Hòa lại càng choáng hơn khi khả năng ngoại ngữ hạn chế lại phải tiếp thu những học trình nặng từ các môn. Sức học đuối khiến Hòa thi rớt nhiều môn.
Chán nản, cậu đi tìm những thú vui khác rồi dính nghiện ma túy. Mỗi khi bố mẹ gọi điện hỏi thăm tình hình học tập, Hòa nói dối là mọi việc vẫn bình thường để khỏi bị cắt tài trợ. Chưa đầy một năm sau, Hòa trở thành một con nghiện chính hiệu, từng tìm sang tận Hà Lan để hút chích nhằm thay đổi cảm giác.
Trong một lần sử dụng ma túy và quậy phá tại Hà Lan, Hòa bị cảnh sát bắt. Nhà trường đuổi học Hòa. Khi sang đưa con về, vợ chồng đại gia này đau xót khi Hoà có những biểu hiện hoảng loạn tâm thần, không nhận ra cả bố mẹ. Về nhà, họ thuê vệ sĩ canh giữ Hòa, nhưng không làm sao khống chế nổi cơn nghiện lẫn chứng tâm thần của con mắc phải trong những tháng ngày du học tại nước ngoài.
Khi đến Viện SKTTQG khám, bác sĩ xác định Hòa bị bệnh khá nặng do ảo giác chi phối khiến tinh thần bấn loạn, nên ngoài việc uống thuốc theo chỉ định, cậu thiếu gia này còn phải cai nghiện theo một lộ trình khá công phu.
Đáng tiếc hơn là trường hợp của Hưng, con một bác sĩ tại Hà Nội cũng mắc bệnh tâm thần khi du học.
Giàu có không thua gì đại gia, vị bác sĩ này cho con trai khi đó đang học lớp 10 sang Anh du học. Những năm phổ thông trung học trôi qua ổn thoả, nhưng khi lên đại học cố gắng lắm Hưng mới đỗ được đầu vào. Sang năm thứ hai, Hưng thi rớt do sức học đuối nên buồn chán sa vào ma tuý, rồi phát bệnh tâm thần do ảo giác chi phối...
Ở chiều đối lập với Hưng là Minh (quê Nghệ An), sinh ra trong gia đình nghèo. Hưng tốt nghiệp đại học tại Nhật, rồi học lên thạc sĩ.
Nhưng những năm tháng sống tại Tokyo, giá cả đắt đỏ thuộc loại hàng đầu thế giới khiến Minh phải cật lực làm thêm để tiếp tục học và dành dụm tiền gửi về quê. Do áp lực học và làm việc quá sức, Minh bị rối loạn tâm thần, không thể tiếp tục học nữa nên trước tết phải về nước và nhập viện điều trị.
Điều trị, phòng tránh
BS Nguyễn Văn Dũng cho biết, đối với những du học sinh mắc bệnh trầm cảm, rối loạn tâm thần, bệnh nhân thường được điều trị bằng thuốc, vật lý trị liệu và các biện pháp tâm lý khác. Khi bệnh nhân vừa bị nghiện lẫn tâm thần, trước hết phải điều trị để bệnh nhân đỡ ảo giác do nghiện, sau đó mới điều trị thuốc kết hợp với tư vấn thường xuyên của bác sĩ tâm lý.
Sau khi ra viện, bệnh nhân cần sự động viên của gia đình để hoà nhập dần với mọi người. “Sau khi chữa bệnh, gia đình không nên để con em mình tiếp tục du học trở lại, bởi bệnh có thể tái phát bất cứ lúc nào” - BS Dũng khuyến cáo.
BS. Dũng cho rằng, những du học sinh mắc bệnh tâm thần do cách đào tạo, kỹ năng sống ở nước ngoài khác với Việt Nam. Vì chưa được chuẩn bị tốt về tâm lý, khi sang nước ngoài lại bất đồng ngôn ngữ, văn hoá, môi trường sống... nên du học sinh bị xung đột tâm lý dễ dẫn đến căng thẳng, trầm cảm, tâm thần.
Do vậy, nếu có kế hoạch cho con đi du học, phụ huynh cần dạy cho con mình kỹ năng sống, biết cách tự chăm sóc bản thân và chuẩn bị vốn ngoại ngữ để có thể giao tiếp cũng như học tập.
Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến ý muốn xem con thích chọn ngành nghề gì, du học ở nước nào phù hợp thì với năng lực, không nên vẽ ra cho con một thiên đường nơi du học.
Trong thời gian con du học, cha mẹ cần trao đổi thường xuyên, lắng nghe và sớm nhận biết những thay đổi khác thường ở con để có hướng can thiệp thích hợp, kịp thời. “Đối với những sinh viên du học do xin được học bổng, không nên để áp lực học tập và làm thêm đè nặng, vì như vậy dễ rơi vào trạng thái sang chấn tâm lý, trầm cảm, tâm thần” - BS Dũng cho biết.
Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi