Tam Nông bứt phá sau 40 năm thành lập

0:00 / 0:00
0:00
Từ một vùng đất hoang vu, dân cư thưa thớt, đất đai bị nhiễm phèn nặng, tuy nhiên, sau 40 năm Tam Nông (Đồng Tháp) đã phát triển vươn lên trở thành một Huyện trù phú, sung túc và đang tập trung các nguồn lực để xây dựng Huyện đạt chuẩn Nông thôn mới vào năm 2024.
Tam Nông bứt phá sau 40 năm thành lập ảnh 1

Diện mạo huyện Tam Nông (Đồng Tháp) sau 40 năm tái lập

40 năm tiến công khai phá Đồng Tháp Mười

Huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp được tái lập ngày 23/02/1983. Lúc bấy giờ, toàn Huyện có 9 xã gồm: An Long, An Hòa, Phú Ninh, Phú Thành, Phú Thọ, Tân Công Sính, Phú Đức, Phú Hiệp và Phú Cường với tổng dân số 54.436 người. Dân cư được phân bổ không đồng đều, người dân chủ yếu sống tập trung dọc theo các tuyến kênh lớn; mật độ dân số trung bình 390 người/km2 .

Năm 2000 và 2001 xảy ra một trận lũ rất lớn, đặc biệt là vùng đầu nguồn Tam Nông. Đây là 1 trong 5 trận lũ lớn nhất thời kỳ 1961 đến 2001 về tổng lượng lũ và đỉnh lũ. Sau 2 năm lũ lụt 2000 và 2001, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội bị tàn phá hết sức nghiêm trọng (tổng số thiệt hại gần 100 tỉ đồng, gần 3.000 căn nhà bị sập và tốc mái, trên 1.700 hộ dân phải di dời; gần 3000 ha lúa bị mất trắng hoặc phải gặt chạy lũ, 26 ha vườn cây ăn trái mới vừa được thu hoạch ít năm bị chết do ngập nước.

Tại Tam Nông lũ đã làm chết 4 người (3 trẻ em, 1 người lớn). Có 1.379 hộ di dời, 134 nhà bị sập, 1 nhà bị trôi, 20 nhà xiêu vẹo, 2 ghe, xuồng máy bị chìm, 27 hầm cá bị ngập nước, ước tổng thiệt hại 1.039 triệu đồng. Đó là chưa kể về thiệt hại cơ sở hạ tầng và nhiều lĩnh vực khác.

Nhờ sự chi viện của Trung ương và tỉnh Đồng Tháp, huyện Tam Nông, bắt đầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp theo hướng chủ động kiểm soát lũ, bảo đảm sản xuất bằng hệ thống trạm bơm, đê bao khép kín; đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa sản xuất; khôi phục và phát triển một số cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng; tận dụng lợi thế nguồn nước và đất ven kinh, rạch để phát triển nghề nuôi cá thành nghề chủ lực sau trồng lúa.

Giữa năm 2001, Thủ tướng Chính phủ quyết định triển khai Chương trình “Xây dựng cụm tuyến dân cư vùng thường xuyên bị ngập lũ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long”. Mục tiêu của chương trình là đảm bảo cho các hộ dân vùng lũ được sống an toàn, từng bước ổn định và tiến tới phát triển bền vững. Huyện Tam Nông được trên đầu tư xây dựng 9 cụm và 2 tuyến dân cư, với tổng số hộ được cấp nền là 2.381. Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân, giải quyết tốt vấn đề nhà ở trên địa bàn. Bên cạnh hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân có chỗ ở ổn định, an toàn, phấn khởi hơn khi địa phương đã chú trọng đến giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết, những ngày đầu mới tái lập Huyện với biết bao khó khăn gian khổ đè nặng lên vai Đảng bộ; cơ sở vật chất hầu như không có gì, các cơ quan lãnh đạo của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, các ban ngành đoàn thể phải ở tạm trường học để làm việc, cơ sở hạ tầng còn ít, vấn đề đưa nước ngọt vào đồng ruộng và giao thông thủy là dựa vào các sông rạch và kênh đào.

Tuy nhiên, với ý thức trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, Đảng bộ huyện Tam Nông vừa khẩn trương sắp xếp ổn định bộ máy cán bộ, vừa triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Nhờ tính năng động, xông xáo, nhạy bén trước sự cung cầu của thị trường, trong thời gian ngắn, Tam Nông tạo được nguồn lợi nhuận từ các dịch vụ buôn bán hàng hóa hàng trăm triệu đồng. Cánh cửa giải quyết khó khăn đã mở, huyện lên sơ đồ quy hoạch, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu, tạo nên bộ mặt mới ở vùng sâu.

Tam Nông bứt phá sau 40 năm thành lập ảnh 2

Lãnh đạo huyện Tam Nông trao tặng nhà tình nghĩa cho người dân

Quyết sách đột phá

Theo Chủ tịch UBND huyện Tam Nông, đến nay, thời kỳ khó khăn cơ bản đã vượt qua, triển vọng ngày càng mở ra, đất không phụ lòng người, không những cây lúa 2 - 3 vụ/năm đang phát triển tốt tươi mà Nhà nước, nhà nông… còn quan tâm sản xuất ra hạt lúa có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, canh tác theo hướng hữu cơ, quy hoạch xây dựng nhiều cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết để giảm giá thành đầu tư trong sản xuất, tăng cao lợi nhuận sau thu hoạch. Đồng thời, mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phá thế độc canh cây lúa chuyển sang sản xuất đa canh đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong quá trình lãnh đạo, điều hành, BCH Đảng bộ huyện đã mạnh dạn đề ra những quyết sách quan trọng mang tính đột phá và nhiều giải pháp linh hoạt để phát triển. Trong đó, bước đột phá đầu tiên là xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi để chuyển dịch cơ cấu cây trồng-vật nuôi phù hợp cho từng vùng đất.

Đến năm 2023, dân số đã tăng lên hơn 100.000 ngàn người, với hàng ngàn cơ sở sản xuất-kinh doanh, thương mại-dịch vụ tập trung tại các chợ: An Long, Phú Thành A, Phú Hiệp, Phú Cường, thị trấn Tràm Chim; diện tích gieo trồng tăng lên là 69.614 ha. Trong đó, lúa 3 vụ khoảng 12.000 ha, tổng sản lượng ước đạt 445.305 tấn/năm. Bên cạnh đó, toàn huyện Tam Nông có 32 Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp. Đã chuyển đổi hoạt động HTX theo Luật HTX năm 2012, dần ổn định về tổ chức, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh từng bước được nâng lên, chủ động điều hành sản xuất, liên kết với doanh nghiệp để cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm đầu ra theo chuỗi giá trị nhằm gia tăng lợi nhuận cho thành viên.

Quyết tâm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, toàn Huyện có xã Phú Cường đạt chuẩn NTM nâng cao, 9 xã đạt chuẩn NTM, còn xã Phú Thành B đang phấn đấu trong năm nay sẽ đạt chuẩn xã NTM. Huyện cũng sẽ phấn đấu xây dựng đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2024.

Tam Nông bứt phá sau 40 năm thành lập ảnh 3

Khánh thành công trình chào mừng 40 năm tái lập huyện Tam Nông.

Thay đổi bộ mặt nông thôn

Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, cùng với tiến trình phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và những thay đổi tích cực của bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân trong huyện. Ngành giáo dục và đào tạo huyện Tam Nông cũng đã vinh dự đón nhận những thành tựu đáng tự hào. Hệ thống mạng lưới trường lớp được mở rộng, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học ngày càng khang trang, hiện đại; đội ngũ giáo viên linh hoạt, năng động, đủ chuẩn… góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục đào tạo trong tình hình mới.

Đến năm 2023, huyện Tam Nông chỉ còn 799 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,82% số hộ toàn Huyện. Lực lượng lao động qua đào tạo làm việc trong các lĩnh vực kinh tế của huyện chiếm tỷ lệ 73,67%.

Chính sách an sinh xã hội được Huyện quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao phúc lợi xã hội. Hầu hết các gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Chính sách trợ giúp xã hội được triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả. Có 100% đối tượng hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng nhận, thụ hưởng đầy đủ.

Hiện nay, hệ thống giao thông từ trung tâm xã đến đường Huyện phần lớn đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa tạo thuận tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa cho người dân. Đặc biệt là các Hợp tác xã, Hội quán, các cơ sở khởi nghiệp đang sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Vườn quốc gia Tràm Chim được công nhận là khu Ramsar thứ 2000 của thế giới, một mô hình sinh thái Đồng Tháp Mười thu nhỏ đang lưu giữ nhiều động, thực vật bản địa quý hiếm, thu hút nhiều khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu khoa học và du ngoạn mỗi năm.

MỚI - NÓNG