Tạm ngừng sử dụng lô vaccine Quinvaxem inj

Tạm ngừng sử dụng lô vaccine Quinvaxem inj
TP - Ngày 21-12, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết Bộ Y tế đã có cuộc họp về việc 3 trẻ tử vong sau tiêm vaccine Quinvaxem inj (vaccine phối hợp 5 thành phần DTwP-HepB-Hib dạng lỏng).

> Điều tra vụ 3 cháu bé tử vong sau khi tiêm vắc xin ở Quỳ Hợp
> Ba cháu bé tử vong sau khi tiêm phòng

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Bộ Y tế quyết định tạm ngừng việc sử dụng lô vaccine Quinvaxem inj, số lô 1453037, HD: 26-11-2014, SĐK: QLVX-0604-12 do Cty Berna Biotech Korea Corporation sản xuất.

Cục Quản lý dược đã yêu cầu Văn phòng đại diện Cty này tại Việt Nam phối hợp với nhà nhập khẩu, nhà phân phối gửi thông báo tạm ngừng sử dụng tới những nơi phân phối, sử dụng lô vaccine nói trên, yêu cầu các đơn vị này bảo quản theo đúng điều kiện quy định ghi trên nhãn của vaccine.

Đồng thời báo cáo về tình hình nhập khẩu và quá trình phân phối vaccine trên về Cục Quản lý Dược trước ngày 25-12.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ư­ơng, Y tế các ngành, các Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng vaccine tạm ngừng sử dụng lô vaccine nói trên; thực hiện việc bảo quản theo đúng điều kiện quy định ghi trên nhãn và kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này.

Tỷ lệ tai biến tại Việt Nam thấp hơn thế giới

Các chuyên gia y tế khẳng định không có vaccine nào an toàn 100%, nhưng nguy cơ tai biến do tiêm vaccine nhỏ hơn nhiều lần so với việc không cho trẻ tiêm chủng.

TS.Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Bộ Y tế) cho biết từ năm 2009 đến nay cả nước có 55 ca phản ứng nặng sau tiêm vaccine, 17 trường hợp trong số đó được Hội đồng thẩm định của Bộ Y tế kết luận có nguyên nhân liên quan đến tiêm chủng như phản ứng cơ thể quá mẫn, cơ thể kích ứng với kháng nguyên lạ…

Tính riêng trong năm 2012 có 12 trường hợp phản ứng nặng phải nhập viện, 9 ca tử vong, xác định chỉ 1 ca có thể liên quan đến tiêm chủng.

TS. Hiển cho biết sau khi tiêm chủng, trẻ có thể bị tác dụng phụ hay tai biến. Với những trường hợp bị tác dụng phụ, người được tiêm vaccine thường bị sưng, đau, nôn, tiêu chảy.

Những phản ứng này xảy ra tùy thuộc vào đặc trưng của từng loại vaccine. Ví dụ, kháng nguyên từ các loại vaccine cúm, bạch hầu - ho gà - uốn ván… vốn rất yếu, nếu đưa vào cơ thể sẽ không đủ mạnh gây đáp ứng miễn dịch.

Để các kháng nguyên này hoạt hóa mạnh, buộc phải có tá dược đi kèm kích thích miễn dịch.

Khi vaccine có tá dược thì khả năng xảy ra phản ứng phụ sẽ nhiều hơn vaccine không có tá dược. Vì thế không loại trừ tác dụng phụ xảy ra là do vacicne (vaccine ngừa Rotavirus cũng có thể gây phản ứng phụ là lồng ruột).

Liên quan đến ba trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine tại Nghệ An, hội đồng tư vấn chuyên môn của Bộ Y tế sau quá trình điều tra đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế nhận định đây là một chùm phản ứng sau tiêm chủng vaccine Quinvaxem và OPV.

Sở Y tế tỉnh Nghệ An đã cho dừng lô vaccine Quinvaxem và OPV đã tiêm cho 3 trẻ trên địa bàn tỉnh Nghệ An và đã gửi mẫu vaccine về Viện Kiểm định quốc gia vaccine, sinh phẩm y tế để kiểm định.

Hội đồng nhận định chưa có bằng chứng về sự liên quan của vaccine và dịch vụ tiêm chủng đến các trường hợp tử vong này. Việc bảo quản, vận chuyển vaccine đúng quy định, cán bộ tiêm chủng đã được tập huấn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG