Tám năm nằm liệt giường và nỗi đau mất đôi mắt của con

TPO - Cha mất khi mới học lớp một do mắc căn bệnh suy thận, mẹ nằm liệt giường do tai nạn lao động khi đang học lớp 11. Những tưởng chỉ còn vài môn thi tốt nghiệp cuối là có thể cầm tấm bằng đi làm nuôi mẹ thì trong một tai nạn giao thông đã cướp đi đôi mắt của Vinh.

8 năm nằm liệt giường

Căn phòng luôn đóng kín cửa cuối dãy ở khu tập thể xưởng cơ khí thôn Yên Khê, xã Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội luôn vắng tiếng cười, nói. Ở đây chỉ có hai mẹ con sống nương tựa vào nhau là bà Bùi Thị Ngà (48 tuổi) và con trai duy nhất Đặng Quang Vinh (25 tuổi).

Cha Vinh mất khi mới học lớp 1, vì bệnh suy thận, một mình bà Ngà nuôi Vinh ăn học. Ngày Vinh vào giảng đường đại học, bà Ngà cũng cảm thấy ấm lòng. Nhưng ngờ đâu mọi chuyện không may cứ ập xuống gia đình.

Bà Ngà kể, “năm 22 tuổi, bà làm công nhân phân xưởng cơ khí trong công ty cổ phần xây lắp điện 1. Năm 2006, khi 40 tuổi, bà bị máy khoan cuốn vào làm gãy đốt sống cổ, bị liệt toàn thân, chỉ nằm một chỗ. Khi đó, Vinh học lớp 11”.

Những ngày đầu, chỉ nằm một chỗ không thể đi lại được mọi sinh hoạt hàng ngày đều nhờ người em gái và hàng xóm xung quanh giúp đỡ. Đến khi Vinh đi học ở Nha Trang, cô Ngà hàng ngày tập chống tay lê người trên giường để di chuyển. “Giường chỉ trải chiếc chiếu trúc để lấy độ trơn di chuyển cho dễ, chứ ngày trước trải đệm không thể di chuyển được người”, cô Ngà nói.

Do không thể đi lại được chỉ nằm một chỗ, người cô Ngà lở loét phải thường xuyên dùng tới cồn, bông gạc. Thế nên xung quanh giường cô để tất cả mọi thứ cùng những lọ cồn, bông gạc để tự mình lau rửa, sát trùng.

Tất cả mọi sinh hoạt, vệ sinh cá nhân đều được thự hiện trên chiếc giường đơn bề ngang chưa được 1 mét. Cuối giường được khoét một lỗ để đi vệ sinh, đến cuối ngày đợi em gái đến dọn đi, nhiều hôm không có người dọn mùi hôi nồng nặc. Mỗi khi tắm rửa, cô được người em gái bế vào rồi tự mình làm mọi thứ, khi nào xong lại được em gái bế ra.

Tám năm nằm liệt giường và nỗi đau mất đôi mắt của con ảnh 1

Vinh nấu ăn bằng đôi tai và sờ bằng tay. Ảnh: Thanh Hà.

Nỗi đau chồng chất

Năm 2009 Vinh vào học khoa điện tử tại Đại học Nha Trang, trong thời gian đi học Vinh đi làm thêm ngay từ năm đầu để kiếm tiền trang trải học phí. Chỉ còn 3 môn thi tốt nghiệp, thì chuyện không may đã ập xuống, tối 4/4/2013 khi đang đi làm thêm Vinh không may gặp tai nạn cướp đi hầu hết khuôn mặt đôi mắt, mũi, và cả hàm răng.

Hàng tháng cả hai mẹ con chỉ sống bằng 1.200.000 đồng tiền trợ cấp. Riêng tiền thuốc đã hơn 1.000.000 đồng mỗi tháng. “Số tiền vay mượn chạy chữa cho Vinh lên tới gần 150 triệu đồng, chỉ còn cách bán căn nhà đang ở để trả nợ, rồi tìm nhà trọ giá rẻ để thuê, đến đâu tính đến đó”, cô Ngà tâm sự.

Cách đây mấy tháng, Vinh vừa trải qua cuộc phẫu thuật chỉnh mũi để lấy lại hình dạng ban đầu, và sắp tới bác sĩ bảo phải mất 10 triệu đồng nữa cho ca phẫu thuật mũi lần cuối, nhưng có lẽ ca phẫu thuật sẽ không xảy ra vì trong nhà chẳng còn đồng tiền nào.

Bữa ăn hàng ngày của hai mẹ con đạm bạc chỉ có 1 – 2 món, ngay cả những thứ như bát đũa, xoong nồi được tối giản hết mức có thể, chỉ nấu một lần ăn cả ngày để đỡ phải rửa nhiều. Cô Ngà nói “Hôm nào nhờ được em gái hay hàng xóm mua thức ăn thì còn đổi món chứ không có ngày nào cũng chỉ có rau xanh và đậu phụ, thỉnh thoảng có thêm vài lạng cá biển”.

Đến giờ nấu cơm, cô Ngà với mình ra ngoài mép giường để nhặt rau, còn phần nấu nướng do Vinh đảm nhận. Mỗi bữa cơm của hai mẹ con phải nấu mất 2 tiếng đồng hồ.

“Trong thời gian mẹ nhặt rau, mình không nhìn thấy gì nên chỉ vo gạo rồi mang ra cho mẹ cắm, nhiều lần mình sờ vào ổ điện bị giật tê cứng tay. Mũi không ngửi được nên chỉ nấu canh và thức ăn bằng tai, hôm nào nấu cũng bị bỏng, có hôm còn cháy hết thức ăn”, Vinh nói.

Qua tết, Vinh quyết định vào Hà Nội học tẩm quất mát xa của Hội người khuyết tật để học việc, “Ở nhà cũng không giúp gì được mẹ, ra đó học mong kiếm được việc để nuôi sống bản thân và để dành tiền giúp mẹ”, Vinh chia sẻ.

Mấy tết năm nay, hai mẹ con chỉ mua được ít thịt, khoanh giò thắp hương còn mọi thứ được anh em họ hàng mang tới cho, “Năm nào cũng thế, hai mẹ con mua được vài thứ, còn lại là mọi người mang tới, từ khi Vinh bị tai nạn cô chẳng thiết gì nữa rồi”, cô Ngà ngậm ngùi nói.

Hai vợ chồng bác Hà Thế Văn (53 tuổi), hàng xóm của cô Ngà thường xuyên đi chợ, dọn dẹp giúp cũng cảm thấy thương xót cho hoàn cảnh không may của hai mẹ con. Bác Văn nói: “Mọi người trong khu tập thể ai cũng thương cho hoàn cảnh của hai mẹ con, cháu Vinh đi học không có ai giúp đỡ nên mọi người cũng hay qua chơi, đi chợ, dọn dẹp nhà cửa, động viên cô Ngà”.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Cô Bùi Thị Ngà - khu tập thể xưởng cơ khí thôn Yên Khê, xã Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội điện thoại 01667408186 hoặc Ban Bạn đọc báo Tiền Phong – 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội.

MỚI - NÓNG