Tâm linh kiểu Mỹ

Tâm linh kiểu Mỹ
TP - Cuốn sách làm mưa làm gió một thời của cô nhà báo Mỹ đã đánh vào ba giấc mơ chủ yếu nhất của phụ nữ: Nhan sắc; Huyền bí; Đàn ông.

“Thế ra đây là Thượng đế”, tôi tự nhủ. “Hân hạnh được biết ngài”. (“Ăn, cầu nguyện và yêu” - Elizabeth Gilbert).

Cuốn sách làm mưa làm gió một thời của cô nhà báo Mỹ này đã hoàn hảo đánh vào ba giấc mơ, hoặc có thể gọi là ba nỗi ám ảnh chủ yếu nhất của phụ nữ toàn cầu ở mọi độ tuổi, màu da, địa vị xã hội: Nhan sắc/ Huyền bí/ Đàn ông.

Ba nỗi ám ảnh trên được nhào nặn trong một khối hỗn độn mấy thứ có thể coi là thời thượng nhất trên thế giới vài chục năm gần đây: phụ nữ thành đạt, ngoại tình, tự do, tu tập tâm linh, thiền, du lịch …Và gia vị hấp dẫn nhất bỏ vào khiến cho cả cái khối hỗn độn đó trở nên có ý nghĩa, biến cuốn sách đầy ắp những mảnh vụn thông tin lẻ tẻ thành một tổng thể ăn khách - là stress. Ừ, nếu không có stress, có sự khủng hoảng, thì đời hóa ra là cuốn phim tẻ nhạt chẳng có gì đặc biệt cả. Con người hiện đại đã coi stress như một biểu hiện của đời sống nhiều ý vị, của sự từng trải và dĩ nhiên là thành công. Có kẻ nào thành công mà không căng thẳng chứ. Cái bọn cứ hi hi ha ha toàn bọn không có não.

Thế cho nên đời (ở đây là đời phụ nữ) đích thực, là phải có thăng trầm khổ ải (!)

Nhân vật chính của “Ăn, cầu nguyện và yêu” đích thực là một phụ nữ có đời sống trong mơ. Nếu so với hàng tỉ phụ nữ toàn cầu đang phải vật lộn kiếm sống, nuôi con, giải quyết quan hệ với chồng, với nhà chồng, với đồng nghiệp, thì bão tố của cô chẳng khác gì cơn bão trong tách trà, nhưng được mô tả và phóng đại lên thành cuộc đại hồng thủy. Điều này có thể hiểu được, vì “công chúa đứt tay bằng ăn mày đổ ruột”, đó là lý do vì sao người dân các nước giàu có lại bị trầm cảm và căng thẳng, không hạnh phúc đông hơn nhiều so với các nước nghèo khó. Khi miếng cơm manh áo thúc vào sau lưng, ta ít có thời gian để nghĩ xem vì sao mình “không được yêu” (!)

Chỉ các cô đại tiểu thư mới có kiểu chữa lành khủng hoảng tình cảm bằng cách bắt chuyến bay đầu tiên sang Ý và thả mình rong chơi trong khung cảnh thành Rome, nếm những món ăn đắt đỏ và trải nghiệm sự nuông chiều của cái xứ sở nổi tiếng là luôn mang lại men say cho các cô gái nước ngoài. Cô thích hợp lạ lùng với cái không khí này, đúng theo mô típ cổ điển của tiểu thuyết lãng mạn châu Âu thế kỷ 19.

Thế nhưng ở thời đại này thì điều đó chưa đủ. Một con người thời thượng là phải có “trăn trở tâm linh”, tìm về Thượng đế, thực hành thiền … và chuẩn nhất là phải “đi ở Ashram, có sư phụ” - nhất là bối cảnh Mỹ là một trong những quốc gia có nhiều trào lưu tâm linh lớn, là điểm đến của hầu hết các bậc sư phụ tâm linh để mở rộng hệ thống của mình.

Elizabeth viết rất thú vị về cách cô tới với Ấn Độ như một con gà mới được đưa vào chuồng: “Phải đặt con gà mới vào giữa đêm khi những con kia đang ngủ. Vào buổi sáng, khi tụi gà thức giấc, chúng không nhận ra người mới đến, chỉ nghĩ hẳn là cô ta đã ở đây từ xưa tới giờ, vì ta đâu có thấy ả đến. Ngay cả cô gà cũng không nhớ ra là ả là kẻ mới đến, chỉ nghĩ mình chắc đã ở đây từ xưa rồi”.

Với người tu tập tâm linh thực sự, chương “Ấn Độ” đã miêu tả một “cô gà” đích thực trong tâm linh. Một cô gà thông thái đọc đủ thứ sách vở, nghiên cứu chỗ này một tí chỗ kia một tí, bước vào Ashram với một nồi lẩu kiến thức tu tập nhặt nhạnh có vẻ hấp dẫn. Tiếc thay mọi Ashram đều là các lò giả kim, nơi thiêu đốt mọi thứ rác rưởi kiến thức bên ngoài - để đạt tới vàng ròng nội tâm! Vì vậy, cô nàng vật vã ở Ashram, bị đốt lên đốt xuống cái bản ngã “Mỹ” của mình, bản ngã của một “nhà thông thái” - với khao khát mong cầu “chứng ngộ” (chả lẽ tôi thông thái thế này mà lại không chứng ngộ được!!!).

Thế nên rốt cuộc, Thượng đế cũng chán, và gửi cho nàng một trải nghiệm nho nhỏ để cuối cùng bản ngã cũng hân hoan cho biết mình “đã chạm tới” và thanh thản đáp chuyến bay tới Bali, hoàn tất nốt nhiệm vụ thứ ba, nhiệm vụ quan trọng nhất mà mọi cô nàng trên thế giới đều có nhu cầu phải làm trong đời: đó là tìm ra Mr Right - tình yêu đích thực của đời mình. Toàn bộ chương về Bali là bối cảnh tuyệt vời cho các phim truyền hình lãng mạn ngọt ngào hấp dẫn chị em, không có gì đặc biệt ngoài việc giúp cho kích cầu du lịch.

Nhưng ít nhất, tác giả - Elizabeth đã nhận ra mình là ai.

“Từ của tôi là Antevasin. Nghĩa là “Người sống ở biên giới”. Antevasin là người sống ở lưng chừng. Y sống trong tầm mắt của cả hai thế giới, nhưng hướng về cái chưa biết. Y là một học giả.

Tôi là một Antevasin trơn tuột, lưng chừng lỡ cỡ …”

Chuẩn không cần chỉnh!

MỚI - NÓNG