Tại sao thực phẩm hữu cơ được khuyên dùng

Làm nông nghiệp hữu cơ là tuân theo một hệ sinh thái thuận tự nhiên. Tiêu dùng thực phẩm hữu cơ là tốt cho sức khỏe, tốt cho môi trường và cũng là tốt cho xã hội.

Trước hết cần hiểu tại sao một số loại thực phẩm được phân loại là “Hữu cơ”. Đây là một thuật ngữ dùng để đề cập đến quá trình sản xuất một số loại thực phẩm. Thực phẩm hữu cơ được nuôi trồng mà không sử dụng hóa chất nhân tạo, kích thích tốt, kháng sinh hoặc sinh vật biến đổi gen.

Cây trồng hữu cơ có xu hướng sử dụng phân bón tự nhiên như phân chuồng để cải thiện sự phát triển của cây. Động vật được nuôi theo phương pháp hữu cơ không được sử dụng thuốc kháng sinh hoặc kích thích tốt. Canh tác hữu cơ có xu hướng cải thiện chất lượng đất, bảo tồn nguồn nước ngầm, làm giảm ô nhiễm và có thể tốt hơn cho môi trường.

Tại sao thực phẩm hữu cơ được khuyên dùng ảnh 1

Trên thế giới và tại Việt Nam hiện nay, bộ tiêu chuẩn PGS Hữu cơ (Organic) và Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) được giới khoa học và chuyên môn đánh giá cao khi xem xét các sản phẩm được sản xuất theo phương pháp nông nghiệp hữu cơ. Để được chứng nhận PGS Hữu cơ và GAP, các nhà sản xuất phải tuân thủ các tiêu chí khoa học được giám sát nghiêm ngặt.

PGS là Hệ thống đảm bảo có sự tham gia, được Liên đoàn các phong trào nông nghiệp hữu cơ thế giới (IFOAM) đưa vào ứng dụng trong sản xuất hữu cơ. PGS Việt Nam đã được IFOAM công nhận, hoạt động trực thuộc Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam. Đây cũng là chứng nhận duy nhất trong thị trường nội địa chứng minh nguồn gốc hữu cơ của sản phẩm.

Để được chứng nhận PGS, các nhà sản xuất cần đáp ứng một bộ tiêu chí khoa học. Trong đó có thể kể đến các tiêu chuẩn như: Nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm. Cấm sử dụng tất cả các loại phân bón hóa học, các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học, các chất tổng hợp kích thích sinh trưởng. Cấm sử dụng các vật tư đầu vào có chứa sản phẩm biến đổi gen GMOs.

Với chứng nhận PGS, nông dân phải duy trì việc ghi chép vào sổ tất cả vật tư đầu vào dùng trong canh tác hữu cơ. Không được phép sản xuất song song: các cây trồng trong ruộng hữu cơ phải khác với các cây được trồng trong các ruộng thông thường. Phải có các biện pháp phòng ngừa xói mòn và tình trạng nhiễm mặn đất.

Tại sao thực phẩm hữu cơ được khuyên dùng ảnh 2

Thực hành nông nghiệp tốt (Good Agriculture Practices – GAP) là những nguyên tắc, thủ tục được thiết lập nhằm đảm bảo một môi trường sản xuất an toàn, sạch sẽ, thực phẩm phải đảm bảo không chứa các tác nhân gây bệnh như chất độc sinh học (vi khuẩn, nấm, virus, ký sinh trùng) và hóa chất (dư lượng thuốc BVTV, kim loại nặng, hàm lượng nitrat), bảo vệ sức khỏe cho nhà sản xuất và người tiêu dùng cũng như bảo vệ môi trường. Tại Việt Nam, VietGAP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam ban hành, được quy định cụ thể cho từng sản phẩm, bao gồm nhóm thủy sản, trồng trọt và chăn nuôi.

Các tiêu chuẩn sản xuất VietGap được công nhận theo TCVN 11892-1:2017, gồm các tiêu chí: Loại thuốc, phân bón và vật tư sử dụng canh tác phải trong danh mục được phép sử dụng, được phép lưu hành. Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải được sử dụng đúng liều lượng và theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc kỹ sư nông nghiệp. Sử dụng phân bón đúng thời kỳ sinh trưởng của cây trồng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng thời điểm. Thực phẩm GAP được nuôi trồng vẫn sử dụng các chất hóa học như thuốc trừ sâu, hóa chất tổng hợp... nhưng các hoá chất đều được xử lý theo quy trình đảm bảo để thực phẩm chỉ còn dư lượng các chất độc hại dưới mức cho phép, không gây hại sức khoẻ cho người tiêu dùng.

Để nhận biết và truy xuất nguồn gốc thực phẩm hữu cơ, tại Việt Nam, nhãn PGS đi kèm theo chữ HỮU CƠ (Organic) cùng những hình ảnh đặc trưng như logo nhận diện. Khi các sản phẩm gắn tem có mã QR cùng logo PGS có nghĩa đã được kiểm tra, giám sát và công nhận bởi hệ thống PGS. Với tiêu chuẩn GAP, các sản phẩm có chứng nhận GAP được đóng gói trong bao bì với logo VietGAP/GlobalGAP/JGAP và mã QR.

Tại sao thực phẩm hữu cơ được khuyên dùng ảnh 3

Bởi uy tín và độ tin cậy của hai bộ tiêu chuẩn PGS Hữu cơ và Gap, Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức (BMZ) đã tài trợ và ủy quyền cho Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức chương trình “Thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản bền vững ở ASEAN” (gọi tắt là ASEAN Agritrade), trong đó các sản phẩm có chứng nhận PGS Hữu cơ và Gap được khuyên dùng. Tại Việt Nam, Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT là Cơ quan chủ quản của dự án này.

Làm nông nghiệp hữu cơ là tuân theo một hệ sinh thái thuận tự nhiên. Tiêu dùng thực phẩm hữu cơ là tốt cho sức khỏe. Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng hoa quả và rau hữu cơ chứa chất chống oxy hoá nhiều hơn 40% so với các sản phẩm không hữu cơ. Thực phẩm hữu cơ giúp giảm nguy cơ bệnh tim, ung thư, đường huyết cao. Có vị thơm, giòn, ngọt do được trồng và nuôi cấy một cách tự nhiên. Cùng với đó, thực phẩm hữu cơ giúp môi trường loại bỏ đáng kể lượng thuốc trừ sâu và hoá chất, giúp phục hồi và cải thiện sức khỏe của đất. Và bao gồm cả những lợi ích như chống xói mòn đất, giảm thiểu tác động đến biến đổi khí hậu, ngăn chặn ô nhiễm nguồn nước, khuyến khích sự phát triển đa dạng sinh học. Từ đó là minh chứng để khẳng định chất lượng các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của người sản xuất.

MỚI - NÓNG