Tại sao người bệnh phải trả tiền truyền máu?

TPO - TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư cho biết, hiến máu tình nguyện nhưng khi sử dụng máu, người bệnh vẫn phải trả tiền, là câu hỏi được rất nhiều người thắc mắc.

TS Khánh lý giải, để có thể đưa vào truyền 1 đơn vị máu cho người bệnh thì cần trải qua rất nhiều chi phí kèm theo như: chi phí cho công tác tuyên truyền, chi phí xét nghiệm trước khi hiến, chi phí bồi dưỡng cho người hiến máu... Đơn vị máu thu được chỉ là nguyên liệu đầu vào cho cơ sở truyền máu, máu này chưa thể sử dụng để truyền cho người bệnh.

Sau khi tiếp nhận, những đơn vị máu đó sẽ được đưa về các trung tâm truyền máu để tiến hành các bước xét nghiệm, sàng lọc các loại vi rút, vi khuẩn lây truyền qua đường máu, xét nghiệm định nhóm máu. Bên cạnh đó, máu sẽ được bảo quản, lưu trữ với trang thiết bị chuyên dụng, mỗi loại chế phẩm máu sẽ được bảo quản ở điều kiện nhiệt độ và thiết bị khác nhau. Ngoài ra, còn các chi phí như vận chuyển, hóa chất, sinh phẩm dùng để xét nghiệm hòa hợp trước khi truyền máu... Tất cả các quy trình đó phải được đảm bảo thì máu mới được sử dụng truyền cho người bệnh. Chính vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước thì người bệnh vẫn phải trả một phần chi phí cho truyền máu. Đối với những bệnh có bảo hiểm y tế, bảo hiểm sẽ chi trả theo bảo hiểm, còn đối với những bệnh nhân thuộc diện nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được nhà nước chi trả toàn bộ.

Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư chia sẻ: ““Rất nhiều người có ý thức hiến máu, chia sẻ giọt máu cứu sống người bệnh cần máu, nhưng chúng tôi nhận thấy vấn đề không gian và thời gian cản trở rất nhiều đến việc làm này. Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người muốn hiến máu, chúng tôi sẽ bố trí các điểm hiến máu cố định ở Hà Nội, và Viện sẽ cử cán bộ làm việc tại đó như làm việc ở mô hình bệnh viện. Người dân có thể dễ dàng tham gia hiến máu và được chăm sóc như là khi đến hiến máu tại Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư”.

Trong khi lượng người hiến máu nhắc lại ở các nước khác là 75-85% thì ở nước ta hiện mới dừng lại con số 40-45%. Theo khuyến cáo của thế giới, nguồn máu nhắc lại là những đơn vị máu chất lượng nhất vì người hiến máu lần 1 họ sẽ biết rõ tình trạng nhóm máu của bản thân và cách để bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ thế nào để nguồn máu của mình tốt nhất. TS Khánh nhấn mạnh: “Nếu tăng được tỉ lệ hiến máu nhắc lại cùng với các hoạt động hiến máu khác như tổ chức Chủ nhật Đỏ do báo Tiền Phong tổ chức chẳng hạn thì sẽ chủ động được vấn đề đảm bảo nguồn máu bền vững cho người bệnh”. Bên cạnh đó là chế độ chăm sóc cho người hiến máu tình nguyện sẽ cần được quan tâm nhiều hơn để khuyến khích được người hiến máu và tăng tỉ lệ người hiến máu nhắc lại.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.