Tai nạn xe container: Chủ yếu do chủ quan

Một vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan xe container. Ảnh: Thanh Hà​.
Một vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan xe container. Ảnh: Thanh Hà​.
TP - Theo một số tài xế xe container, chủ quan là yếu tố chính dẫn đến các vụ tai nạn, bởi đa số tài xế container đều ít được đào tạo chính quy mà chủ yếu là được người quen đào tạo, hướng dẫn lái xe một thời gian. Khi quen vô lăng, họ thi lấy giấy phép rồi đi lái thuê cho các doanh nghiệp theo kinh nghiệm của bản thân.

Tài xế Cao Xuân Trung (29 tuổi, hơn 10 năm lái xe container) chia sẻ, điều khiển xe tải trọng lớn, xe rơ-moóc thường gặp rủi ro, nếu va chạm giao thông sẽ nghiêm trọng nhiều hơn so với các loại phương tiện khác. Ngoài nguyên nhân khách quan từ điều kiện thời tiết, đường sá hay các phương tiện khác thì sự chủ quan của tài xế là yếu tố chính dẫn đến các vụ tai nạn. Bởi phần lớn tài xế container đều ít qua đào tạo chính quy mà chủ yếu được người quen đào tạo, hướng dẫn lái xe một thời gian. Khi quen vô lăng thì họ thi lấy giấy phép rồi đi lái thuê cho các doanh nghiệp.

Tài xế container phải chịu áp lực lớn từ thời gian giao chuyển hàng đến khối lượng công việc. Họ phải đi cung đường liên tỉnh, cầm vô lăng liên tục trong nhiều giờ, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ, quá sức nên dễ đi ẩu.“Để đảm bảo công việc, phần lớn lái xe phải sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, thậm chí nhiều người còn đập đá, hút cỏ, thậm chí cả heroin để duy trì tỉnh táo, hưng phấn khi lái xe. Hơn nữa, khi xảy ra sự cố, đơn vị bảo hiểm cũng như Cty thường chịu trách nhiệm giải quyết hậu quả nên tài xế thường chủ quan”, anh Trung nói.

Nam tài xế ở Hà Nội này cũng cho biết, container tải trọng lớn, thùng xe dài nên việc điều khiển khó hơn so với xe khách, ô tô con và xe tải trọng vừa và nhỏ. Khi di chuyển trên cung đường đèo “tử thần” như tuyến Hòa Bình - Sơn La - Mèo Vạc (Hà Giang) cần người lái có nhiều năm kinh nghiệm, bởi đường gấp khúc, sương mù dày đặc và lòng đường hẹp. Chỉ cần một phút lơ là, buồn ngủ hay thiếu tỉnh táo là tài xế có thể lệch đường lao xuống vực.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại một số trung tâm dạy lái xe để nâng hạng bằng lái xe lên FC mất thời gian khoảng 2,5 tháng và thông thường những người nộp hồ sơ đều đã lái được xe container. “Học viên nộp hồ sơ vào trung tâm sau đó đăng ký khóa đào tạo lên Sở GTVT để sắp lịch thi. Việc nâng bằng lên hạng FC thường không dễ thực hành ở ngoài đường và phải luyện tập trong bãi sa hình sau đó mới được thi”, một giáo viên dạy lái xe nói.

Tai nạn xe container: Chủ yếu do chủ quan ảnh 1 Hiện trường vụ xe container lật đè ô tô con làm 2 người chết ở Nam Định ngày 11/4.

Đạo đức

Trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, lâu nay những chiếc container trở thành hung thần trên quốc lộ do liên tục gây ra các vụ tai nạn, đặc biệt là khu vực phía Nam do có mật độ xe tải dày đặc.

Theo ông Liên, xe container dễ bị khuất tầm nhìn, xe dài có tải trọng lớn nên khi phanh gấp rất khó và cũng chưa ai xác định việc phanh chiếc xe dừng lại được thường mất quãng đường bao xa. Do vậy, muốn hạn chế tai nạn, các doanh nghiệp vận tải cần phải tăng cường đào tạo nghiệp vụ, quản lý các lái xe trước nguy cơ nghiện hút, bia rượu, đồng thời nâng cao đạo đức trách nhiệm của lái xe, không để họ chạy xe quá thời gian quy định…

Cũng theo ông Liên, người tham gia giao thông khi thấy các loại xe này phải hết sức chú ý, quan sát để phòng tránh do xe container không như các phương tiện khác và lái xe nhiều trường hợp không thể xử lý, né tránh kịp những tình huống va chạm trên đường.

“Tôi đã từng nghe có người nói về việc thà chết một mạng người còn hơn là hư hỏng hàng hóa, do một mạng người thì có thể bồi thường được còn hàng hóa trên xe lên tới hàng tỷ đồng thì không thể đền bù được. Nếu đúng như thế thì đó là sự vô đạo đức, coi hàng hóa trên xe còn cao hơn tính mạng con người”- ông Liên nói.

Thấy xe “vào cua”, tránh càng xa càng tốt

Theo khuyến cáo của các chuyên gia về an toàn giao thông, việc xảy ra tai nạn giao thông một phần do “điểm mù” của người điều khiển xe ô tô. “Điểm mù” được cho là vùng không gian bên ngoài xe bị che khuất và không nằm trong tầm nhìn của người điều khiển xe ô tô, người điều khiển không thể quan sát được “điểm mù” thông qua gương chiếu hậu lẫn nhìn trực tiếp. Các vị trí “điểm mù” thường gặp là “điểm mù” gây ra bởi gương chiếu hậu, điểm mù phía trước và sau xe.

Các loại xe như xe container, xe siêu trường siêu trọng thường gặp “điểm mù” do chệch bánh xe trong khi vào cua. Thời điểm vào cua, trục 2 bánh xe trước và 2 bánh xe sau không cùng nằm trên một quỹ đạo cho dù có cách bánh xe trước một khoảng cách thì phần phía sau vẫn có thể cuốn các phương tiện vào gầm xe, các xe càng dài và càng rộng thì sự chênh lệch này càng lớn.

Do vậy khi quan sát thấy xe loại này chuẩn bị vào cua thì người đi đường tránh càng xa càng tốt.             

T.H - N.H

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".