Tài kinh doanh của cô nàng 23 tuổi

Tài kinh doanh của cô nàng 23 tuổi
Tốt nghiệp đại học chưa đầy một năm, Nguyễn Thùy Linh Cát (sinh năm 1990) đã xây dựng được một chuỗi 34 cửa hàng thời trang Catsashop, doanh thu mỗi năm lên tới hàng tỷ đồng. Ở Catsashop, Linh Cát “đóng” rất nhiều “vai”: Giám đốc, kế toán, thiết kế, thủ kho, nhân viên giao hàng…

> 24 tuổi kiếm hơn 120 triệu/tháng

Tài kinh doanh của cô nàng 23 tuổi ảnh 1

Thu nhập “khủng”

Linh Cát là cựu sinh viên ngành Công nghệ sinh học, trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM. Từ khi học năm thứ hai, cô bạn đã hợp tác với một xưởng may gia công, sản xuất quần áo và bán trên mạng. Đến năm thứ tư, Linh Cát thành lập công ty thời trang Cát Sa và hiện tại, là giám đốc của công ty này, với 10 nhân viên. “Trước kia, mình thường nhờ dịch vụ làm báo cáo thuế nhưng hiện tại, mình đã tự làm được.

Mình tự cân đối thu chi, xuất hóa đơn, kiểm soát lượng vải nhập về kho, xuất vải xuống xưởng may gia công, nhập sản phẩm về kho, xuất sản phẩm ra bán, số lượng hàng tồn, tự cân đối công nợ, đi thanh toán tiền hàng cho các công ty… Những vấn đề đó chưa lớn nên mình tự quản lý, không thuê nhân viên. Nhiều người cũng hỏi, mình học ngành Công nghệ sinh học, sao có thể làm kế toán? Mình trả lời là mình lanh lắm, có trí nhớ rất tốt. Mình có thể nhớ được tất cả các số điện thoại của nhân viên, gia đình, đối tác, cửa hàng, bạn bè không cần tra danh bạ”, Linh Cát khoe.

Hiện tại, Linh Cát có 21 cửa hàng ở TP.HCM, còn lại rải rác ở Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Cần Thơ, Cà Mau. “Trong 34 cửa hàng ấy, 7 cái trực tiếp là của mình. Những cửa hàng khác, mình nhượng quyền cho người khác kinh doanh thương hiệu Catsashop (không bán thương hiệu mà để họ làm đại lý phân phối sản phẩm do mình đưa xuống). Các đại lý sẽ bán hàng, còn mình thì chuẩn bị nguồn hàng, quảng cáo online, xây dựng thương hiệu… Riêng 7 cửa hàng của mình, mỗi tháng cho doanh thu hơn 100 triệu đồng. Những tháng cao điểm, doanh thu thậm chí là trên 200 triệu đồng/tháng”, Linh Cát cho biết.

Dám làm và không sợ thất bại

Quá trình đến với Catsashop là một chặng đường dài của Linh Cát, với rất nhiều khó khăn: “Hai khó khăn lớn nhất khi mình mở Catsashop là vốn và việc tìm người cộng tác. Lúc đó, mình còn là sinh viên nên không có nhiều tiền. Mình lại học ngành Công nghệ sinh học mà đi làm thời trang nên cũng ít ai ủng hộ. Thời gian đầu, có những lô hàng mình nhập về, vải bị rút, ra màu… mình phải chấp nhận lỗ để giữ uy tín cho thương hiệu Catsashop. Mình tự mua kinh nghiệm bằng những cái sai như vậy để trưởng thành hơn”.

Từng là một sinh viên không có gì trong tay, Linh Cát đã xây dựng được chuỗi 34 cửa hàng Catsashop, với doanh thu hàng tỷ đồng/năm nên cô bạn bảo rằng, không sợ mất gì cả. “Nếu mất, mình sẽ làm lại. Làm việc gì, mình cũng mong nó sẽ thành công nhưng khi thất bại thì mình sẵn sàng đương đầu, không bao giờ bỏ cuộc”.

Linh Cát tự nhận mình là người có cá tính mạnh mẽ và trong công việc thì rất hòa đồng. “Là giám đốc nhưng mình vẫn đi giao hàng, ngồi dán mã vạch, giá tiền vào sản phẩm chung với nhân viên. Trong công ty, mình không có bàn làm việc, không có trợ lý và cũng không có ghế xoay như các giám đốc khác. Hai tháng nay mình mới chuyển ra ngoài ở riêng, chứ trước đây, mình vẫn ăn chung, ở chung với 10 nhân viên của mình. Sống một mình nên mình tự đi chợ, nấu ăn và làm công việc nhà. Mình cũng ít tụ tập, chơi bời. Phần lớn thời gian mình dành cho công việc. Làm việc mỗi ngày với mình là một niềm vui lớn”, Linh Cát chia sẻ.

Theo Quế Sơn
Sinh viên Việt Nam

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.