Tác giả Vòng tay học trò tự làm mờ chân dung…

0:00 / 0:00
0:00
Nhà văn Ngô Thảo nghẹn ngào khi phát biểu cảm nghĩ về sự tái xuất của Nguyễn Thị Hoàng trên văn đàn
Nhà văn Ngô Thảo nghẹn ngào khi phát biểu cảm nghĩ về sự tái xuất của Nguyễn Thị Hoàng trên văn đàn
Sau 56 năm thăng trầm, Vòng tay học trò - tiểu thuyết từng bị cho là “đồi trụy” của Nguyễn Thị Hoàng trở lại trên giá cùng bốn tác phẩm khác - để giúp bạn đọc có thể hình dung lại một thời từng sống của con người miền Nam trước 1975. Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng có mặt ở Hà Nội để giao lưu cùng bạn đọc và những người yêu mến bà.

Giữa năm 2020, hai tuyển thơ Nguyễn Thị Hoàng viết trong ngót 60 năm ra mắt. Bà cho hay, mỗi bài thơ như thể một chứng tích đời mình qua từng giai đoạn. “Khúc đầu nỉ non than thở chuyện tình. Khúc giữa suy nghĩ mông lung náo loạn, giống như giai đoạn mình sống bằng ảo giác, chiêm bao gì đó không có thực. Khúc nữa chuyển từ tình qua đạo. Đạo không phải là đi tu mà là thứ gì rất cao, mỗi quý vị tùy góc độ hiểu về đạo thế nào thì ta sẽ gặp nhau ở góc đó”.

Như thể trong quan niệm của bà không cần phải chung đạo mới gặp được nhau, mà cứ miễn có hướng đến đạo. Để chứng tỏ mình đã dứt hẳn tình trong thơ, bà đọc mấy câu: “Tiếng sóng dậy bên trời/ Mây xám về thiền môn/ Nhà sư pha bóng tối/ Chén trà đầy hoàng hôn”…

Tác giả Vòng tay học trò tự làm mờ chân dung… ảnh 1
Tác giả Nguyễn Thị Hoàng giao lưu cùng độc giả tại Hà Nội sáng 18/4

“MIỄN LÀ KHÔNG NGÃ GỤC”

Ở tuổi 83, với 5 cuốn sách được tái xuất, Nguyễn Thị Hoàng xuất hiện trước công chúng lưng vẫn thẳng tưng, mạch nói vẫn tuôn trào. Sự trở lại của bà có thể làm người ta (cụ thể là nhà văn Ngô Thảo cảm động) phát khóc, còn bà vẫn giữ trọn nét bình thản của người “phải vượt thoát qua bao truông thẳm để đến được đạo như thế”.

Cụ thể, Ngô Thảo thương cho những trầm luân đến với Nguyễn Thị Hoàng (mà ông cho là) do thời cuộc. “Chị Hoàng (và tác phẩm) hôm nay về đây, chị mừng một thì chúng tôi mừng mười. Nên xin chị cũng nghĩ những trần ai mà chị phải chịu nó cũng như dân tộc, đất nước này thôi. Không thể nào tránh được, nhưng sức sống của chị, sự tồn tại của chị với niềm yêu sống, những trang chị đang và sắp viết sẽ là niềm an ủi, hy vọng cho chúng ta”. Nguyễn Thị Hoàng chỉ nói nhẹ nhàng, đại ý những biến cố trong đời bà xuất phát từ cá nhân, chứ không mang tính thời cuộc.

Bà không đồng tình khi cứ được giới thiệu rằng mình “chuyên tâm vào viết tiểu thuyết” sau khi Vòng tay học trò ra mắt và bán chạy. “Trong suốt cuộc đời, mình không chuyên tâm về cái gì hết. Mà mình phải làm tất cả mọi thứ trên đời này để sống. Thí dụ như gánh củi trên rừng, gánh gạo qua suối”… Về tất cả những thăng trầm trong cuộc đời, Nguyễn Thị Hoàng chỉ nói chung chung như vậy. Chỉ biết rằng thời học sinh ở Nha Trang, Nguyễn Thị Hoàng phải gánh chịu tai họa đầu tiên, bị rất nhiều ngộ nhận, từ nạn nhân thành hung thủ… Sau đó bỏ vào Sài Gòn, mất vài năm lang thang tìm cách sống và đi học. Rồi bà lại bỏ ngang để lên Đà Lạt, bắt đầu một “khởi đầu mới”.

“Thế nhưng khi lên Đà Lạt, tình cờ mình chạm phải một bất ngờ rất mới. Đấy là… không gian Đà Lạt, bối cảnh cho toàn bộ xúc cảm của mình”, bà kể. “Những nhân vật học trò, thầy giáo, bạn bè, mọi cảnh huống diễn ra trong thời gian ngắn ngủi đó đều cho mình một xúc động rất lớn, rất đẹp, đủ để tẩy xóa những năm tháng trước. Câu chuyện chính (trong Vòng tay học trò) xảy ra dựa trên vài điều có thật, nhưng phần nhiều giống như tất cả những người viết - phóng hóa ra một cách nào đó về cảnh và người. Chỉ riêng xúc động của mình là có thật”.

Bà luôn có lối diễn đạt làm mờ những dữ kiện mà người ta vẫn nhắc tới khi nói đến bà, như việc bà có một người tình học trò thật. Bà nói: “Tất cả mọi cái đến với mình trong thời gian ngắn ngủi đó là có thật”. Thì cứ tạm coi “mình” đó chính là Tôn Nữ Quỳnh Trâm trong truyện đi.

Và bà khẳng định khi cuốn sách bị “đánh”, bà đã bị hiểu sai đi, nhưng bà không đính chính. Bà chỉ nhận trách nhiệm “chạm phải một vài chữ không chính xác làm cho người ta liên tưởng đến những vấn đề nặng nề trầm trọng của con người”. “Nhưng thực ra mình không biết, không liên quan gì đến những vấn đề về tình dục hay giới tính. Nói thật là mãi đến mấy năm sau khi mình lấy chồng và có vài đứa con rồi, mình mới biết thế nào là đàn ông, đàn bà. Thực tình là như thế”.

Diễn ngôn này lại càng khiến thính giả mờ mịt. Dù bà nhấn thêm: “Hôm nay, trong không khí rất thân ái và khép kín thế này, mình nói điều chân thật nhất mà thường chỉ rỉ tai cho người bên cạnh. Để các bạn thông cảm về hoàn cảnh của mình. Nên mình đã gọi từ đầu mình là nạn nhân là như thế”.

“Phần nhiều tôi viết không có chủ trương, chủ đề, chọn lựa nào hết, mà vội vàng bất ngờ. Ðột nhiên thấy một hình ảnh, một sự gì thoáng qua, mình lại nghĩ ra một câu chuyện ghép vào và cắm đầu viết tới mấy chục, mấy trăm trang liên tục không ngừng. Và viết tới đâu nghĩ ra tới đó chứ không hề tính trước. Ðặc tính sự viết của tôi là như thế. Cho nên có rất nhiều sai sót, rất nhiều lạc lối trong đấy. Nhưng đời mình cũng lạc lối, huống gì văn chương”.

Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng

Quanh việc Vòng tay học trò bị đả phá trong suốt nhiều năm kể cả trước và sau 1975, Nguyễn Thị Hoàng chỉ nói: “Mình cứ làm, cứ sống. Còn người ta nghĩ sao tùy thôi. Mỗi người vì một công việc, tùy góc độ phải uốn nắn theo chiều hướng đó. Lúc bấy giờ tôi còn nhớ đến 5 tờ báo gọi là truy sát và viết những bài không có tâm để bôi đen Vòng tay học trò. Trên thực tế còn rất nhiều sự đố kỵ khác, không biết dùng từ gì cho đúng, thành ra tôi như bị dìm chết trong một khúc truông đầy nọc độc. Nhưng do gì đó tôi vẫn sống. Vì tôi không thể chết dọc đường. Con đường tôi còn dài. Lúc bấy giờ tôi ý thức như thế. Cho nên phải vượt qua thôi. Gánh chịu tất cả mọi điều và phải vượt qua. Bởi vì tôi nghĩ khi mình sống cho xong, cho trọn hết những khúc đời và đến cuối cùng người ta nhìn lại may ra đúng. Còn những người đương thời hay một lúc nào đó từ trong những góc nhìn nào đó không thể nào nắm trọn được mình. Cho nên họ muốn hiểu sao, ngộ nhận thế nào cũng được, miễn là mình đứng vững và không ngã gục xuống. Có thế thôi”.

“HIỆN SINH LÀ CÁI GÌ”?!

Bà khẳng định, để Vòng tay học trò hay bất kể một cuốn tiểu thuyết nào được đông đảo người đọc yêu thích, ngoài nội dung thì vẫn phải “đến độ” về văn chương và tư tưởng. Lý giải sức mạnh để viết mỗi năm hơn 3 tiểu thuyết, nhà văn “đổ” cho hoàn cảnh gia đình: “Lúc bấy giờ tôi phải nuôi một bầy con be bé thế này và tôi mới sinh, không có một phương kế nào hết”. Trong khi các nhà xuất bản tới tấp đặt hàng thì tội gì không viết, kể cả vừa viết vừa trông con, ru con hay nấu bếp, đi chợ… Nguyễn Thị Hoàng có thể và buộc phải viết vài cuốn một lúc trong suốt tháng tùy theo sự gia hạn của nhà xuất bản. Khi bà vừa hoàn thành bản thảo thì họ đã tới đem đi in, bà không có thời giờ đọc lại. Và cũng có khi bà nghỉ vài năm chứ không sản xuất đều đều.

“Tôi biết đến Nguyễn Thị Hoàng lần đầu trong cuốn Chống tư tưởng văn nghệ thực dân ở Sài Gòn. Cuốn đó viết về Vòng tay học trò rất nặng nề. Nhưng nó làm cho tác phẩm càng như một thứ trái cấm thôi thúc người ta tìm đọc. Cách đây 20 năm, tôi bỏ ra 2 tuần lên Thư viện Quân đội đọc nó. Cảm giác vẫn băn khoăn. Tôi kỳ vọng cuốn truyện này phải ghê gớm hơn thì người ta mới đánh đập nó như thế”.

TS Trần Ngọc Hiếu

Và đừng ai hỏi về lý luận hay các trường phái, chủ nghĩa… gì với bà. “Tôi không sống trong suy ngẫm về các vấn đề của văn học hay các vấn đề khác trong xã hội. Vì tôi mải đắm chìm trong một khúc đoạn của cuộc sống thực. Mình lo toan chưa xong, mình nghĩ cho mình chưa xong. Ngay cả những điều tôi viết ra, tôi cũng không hề nghĩ để sắp xếp, dàn ý ra sao nói gì đến viết để làm gì, viết cho ai”.

Trước câu hỏi phải chăng bà làm mờ lý lịch của đôi tình nhân trong tiểu thuyết đầu tay để tô đậm chủ nghĩa hiện sinh, Nguyễn Thị Hoàng cười: “Tôi còn chả biết hiện sinh là cái quái gì”… Để phủ nhận việc ảnh hưởng các tác giả khác nhất là Francoise Sagan, bà nói rằng, vì bố nghiêm khắc cấm đọc tiểu thuyết nên suốt thời gian học Văn khoa, bà cũng như nhiều sinh viên chỉ kiếm vài cuốn sách cầm cho sang, chứ không đọc gì ngoài tựa (!).

Bà nói: “Tôi là có thể nói giống như một loài thất học, vì không nghiên cứu, không tìm hiểu. Mà mọi chuyện đều từ mình mà ra”.

MỚI - NÓNG