Tác giả 'Khúc thụy du' qua đời ở tuổi 77

TPO - “Hãy nói về cuộc đời/ Khi tôi không còn nữa/Sẽ mang được những gì/Về bên kia thế giới/Thụy ơi và Thụy ơi”… Tác giả “Khúc thụy du”, thi sĩ Du Tử Lê, vừa qua đời, tại nhà riêng của ông ở Mỹ, hưởng thọ 77 tuổi.

Thông tin được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà Văn chia sẻ.

Trước đó, ông vẫn trao đổi với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về công việc. Du Tử Lê gửi cho Nguyễn Quang Thiều một chùm thơ để đăng trên tạp chí Viết và Đọc do NXB Hội Nhà văn thực hiện.

Du Tử Lê là nhà thơ Châu Á duy nhất được phỏng vấn và có thơ đăng trên hai nhật báo của Hoa Kỳ: Los Angesles Times (1983) và New York Times (1996). Thơ ông cũng được đưa vào giảng dạy, làm tài liệu nghiên cứu, đọc thêm tại một số trường Đại học Hoa Kỳ và Châu Âu. Năm 1998, nhà xuất bản W.W. Norton, Newyork đã chọn Du Tử Lê là một trong năm tác giả Việt Nam có thơ nằm trong phần “Thế kỷ 20: Thi ca Việt Nam” khi tái bản tuyển tập World Poetry An Anthology of Verse From Antiquity to Our Present Time (Tuyển tập thi ca thế giới từ xưa đến nay”.

Du Tử Lê cũng được giáo sư Neil L.Jamieson chọn dịch một bài thơ của ông, sáng tác năm 1964 để đưa vào cuốn Understanding Vietnam. Cuốn sách này đã trở thành tài liệu giáo khoa,  giảng dạy tại nhiều trường đại học danh tiếng như ĐH Berkeley, UCLA, ĐH Cambrige, London.

Tác giả 'Khúc thụy du' qua đời ở tuổi 77 ảnh 1 Tự họa Du Tử Lê (do thi sĩ cung cấp khi còn sống)

Khán giả yêu nhạc biết đến Du Tử Lê ở phần lời của nhiều ca khúc nổi tiếng được các nhạc sỹ lừng danh phổ nhạc: Nhạc sỹ Phạm Đình Chương với tác phẩm “Đêm nhớ trăng Sài Gòn”; “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển”; “Quê hương là người đó”; Trần Duy Đức với “Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời”; “Em hiểu vì đâu chim gọi nhau”; Nguyên Bích với “Hiến chương yêu”; Anh Bằng với “Khúc Thụy Du”; Phạm Duy với “Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau”; Từ Công Phụng với “Trên ngọn tình sầu”…

Sau nhiều năm thơ ca sống trong bóng tối, những tác phẩm của Du Tử Lê đã được công khai ngoài ánh sáng, bằng tập thơ đầu tiên “Giỏ hoa thời mới lớn”, do NXB Hội Nhà Văn và Cty sách Liên Việt thực hiện năm 2014. Cuộc sống của Du Tử Lê ở Mỹ trôi qua trong bình lặng như ông từng chia sẻ: “Cả bốn thành viên trong gia đình tôi, không một ai có khả năng giao tế, tiếp xúc tốt với xã hội bên ngoài vì… vụng về. Bởi thế, ngoài công việc mưu sinh thường nhật, tất cả phần còn lại của sinh hoạt chúng tôi, gói gọn trong phạm vi gia đình”.

Nhà thơ Du Tử Lê (Lê Cự Phách) sinh năm 1942 tại Kim Bảng, Hà Nam. Ông là tác giả của 70 tập thơ và văn xuôi.

Tác giả 'Khúc thụy du' qua đời ở tuổi 77 ảnh 2

Nhân dịp này, mời độc giả đọc lại một bài thơ nổi tiếng của ông

Ai nhớ ngàn năm một ngón tay

Tháng tư tôi đến rừng chưa thức

Mưa vẫn chờ tôi ở cuối khuya

Có môi chưa nói lời chia biệt

Và mắt chưa buồn như mộ bia

Tháng tư nao nức chiều quên tắt

Chim bảo cành cây hãy lắng nghe

Bước chân ai dưới tàng phong ốm

Mà tiếng giày rơi như suối reo

Tháng tư khao khát, đêm, vô tận

Tôi với người riêng một góc trời

Làm sao em biết chân không lạnh

Và cánh chim nào sẽ bỏ tôi

Tháng tư hư ảo người đâu biết

Cảnh tượng hồn tôi: một khán đài

Với bao chiêng trống, bao cờ xí

Tôi đón em về tự biển khơi

Tháng tư xe ngựa về ngang phố

Đôi mắt nào treo mỗi góc đường

Đêm ai tóc phủ mềm da lụa

Tôi với người chung một bến sông

Tháng tư nắng ngọt hoa công chúa

Riêng đóa hoàng lan trong mắt tôi

Làm sao em biết khi xa bạn

Tôi cũng như chiều: tôi mồ côi

Tháng tư chăn gối nồng son, phấn

Đêm với ngày trong một tấm gương

Thịt, xương đã trộn như sông, núi

Tôi với người, ai mang vết thương?

Tháng tư rồi sẽ không ai nhớ

Rừng sẽ vì tôi nức nở hoài

Mắt ai rồi sẽ như bia mộ

Ngựa có về qua cũng thiếu đôi

Tháng tư người nhắc làm chi nữa

Cảnh tượng hồn tôi đã miếu thờ

Trống, chiêng cờ, xí như cơn mộng

Mưa đã chờ tôi Mưa… đã… mưa

Mai kia sống với vầng trăng ấy

Người có còn thương một bóng cây

Góc phố đèn treo đôi mắt bão

Ai nhớ ngàn năm một ngón tay?

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.