> Xin con đừng phát rồ vì các 'ồ-pa'
> Bất ngờ vì thu nhập 'khủng' của nữ vệ sĩ
5 năm học tại Pháp, Tuấn Đăng (SN 1989) luôn tâm niệm triết lý một công dân Việt toàn cầu hoà nhập nhưng không được phép hoà tan. Vì thế, Đăng phấn đấu học hỏi kiến thức hiện đại để trở về quê hương.
Giá trị văn hóa Việt luôn thôi thúc trong tâm trí nên Đăng quyết tâm tạo dựng hình ảnh người Việt trong mắt bạn bè quốc tế ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Khi thực hiện đề án tốt nghiệp thạc sỹ về ngành Truyền thông Thị giác (Visual Communication) tại trường E-art Sup Institut Paris (Pháp) Tuấn Đăng chọn dựng Video clip “Le vietnamien, c’est pas du chinois!” (Người Việt Nam, không phải người Trung Quốc).
Clip thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ trong và ngoài trường học. Khi được post trên trang mạng xã hội, clip thu hút hơn 70.000 lượt truy cập với hầu hết nhận xét thú vị, tinh tế để người Việt không bị nhầm lẫn với người nước bạn thông qua một số nhận biết trực giác đơn giản.
Tuấn Đăng cho biết, xuất phát từ thực tế là các du học sinh Việt Nam thường xuyên bị nhầm với người Trung Quốc khi du học (bản thân tác giả và bạn bè cũng người nước ngoài nhầm là SV Trung Quốc), Đăng đã tìm hiểu, nghiên cứu nhiều tài liệu khác nhau để chỉ ra những điểm khác biệt của người Việt Nam giúp cho cộng đồng quốc tế có thể dễ dàng phân biệt giới trẻ hai nước.
Đăng chọn thể hiện cách nhận biết đơn giản nhất thông qua mặt chữ bởi người Việt Nam dùng hệ thống chữ Latinh, người Trung Quốc sử dụng chữ tượng hình.
“Tóm lại, nếu bạn nhìn thấy một anh chàng da vàng đi ngoài đường, để biết anh ta là người Việt Nam hay Trung Quốc, bạn chỉ cần liếc sơ vào sổ tay của anh ta để phân biệt qua chữ viết. Tôi tự hào là người Việt Nam với tâm hồn của người nghệ sĩ. Tôi là người của toàn cầu đại chúng”, trích nội dung clip.
Bên cạnh việc phân biệt hệ chữ viết, clip mang đến góc nhìn thú vị về lịch sử và sự ảnh hưởng văn hoá của Việt Nam. Trần Đăng gửi lời cám ơn các bạn trẻ trong và ngoài nước vì đã lan truyền clip này qua các mạng xã hội khác nhau.
“Tôi rất mừng vì các bạn trẻ bây giờ rất quan tâm vấn đề văn hóa lịch sử Việt Nam”, Trần Đăng nói.
Đề án tốt nghiệp của Đăng đạt số điểm cao nhất khoa và đứng thứ 2 toàn khóa. Trong quá trình học tập và làm việc tại Pháp, Đăng từng tham gia cuộc thi do Hiệp hội các Giám đốc nghệ thuật tại Pháp tổ chức, thiết kế cờ tổ quốc, tiền tệ, poster và clip tuyên truyền cho Quốc gia Wallonia. Bài thiết kế tiền tệ của nhóm Đăng thực hiện được vinh danh và in vào tập giải thưởng cuộc thi.
Về nước tháng 7 - 2012, ngay lập tức Đăng được mời giữ chức giám đốc nghệ thuật cho tập đoàn DDB Group Việt Nam (tập đoàn quảng cáo và truyền thông của Mỹ).
Đăng được tự do sáng tạo nhưng cũng chịu áp lực của sự đổi mới không ngừng ở vị trí chiếc ghế nóng đòi hỏi thể hiện “đẳng cấp” và quyền uy dành cho người có năng lực.
Đăng tâm sự, để sáng tạo nghệ thuật ấn tượng, mang nét riêng rất cần sự am hiểu, say mê không chỉ lĩnh vực nghệ thuật mà cả chiều sâu văn hóa, giáo dục, cốt cách.
“Để thành công, trước tiên bạn phải giữ được văn hóa quê hương, xứ sở cho dù bạn sinh sống, học tập tại bất cứ đâu”, Đăng chia sẻ.