Khi phải đối mặt với thời khắc khủng hoảng dịch bệnh, thiên tai như hai năm vừa rồi, không ít người trong chúng ta sẽ có xu hướng tìm về con người bên trong, và thoáng mơ hồ với câu hỏi mang tính hiện sinh “Ta sẽ làm gì vào khoảnh khắc tận cùng của thế giới?”
Câu hỏi cũng có thể là “Mọi việc ta làm có ý nghĩa gì không khi cái chết là điều bất khả kháng?”. Đây cũng là trọng tâm của bộ phim được nhắc đến Seeking a Friend for the End of the World (2012, tựa Việt là Tri kỷ ngày tận thế) của nữ đạo diễn Lorene Scafaria. Phim kể về thời khắc cuối cùng của nhân loại trước khi Trái Đất bị tận diệt bởi một khối thiên thạch khổng lồ. Nói thêm, tác phẩm giả tưởng về ngày tận thế xuất phát từ tiên tri của người Maya này là cảm hứng mở màn làn sóng điện ảnh chủ đề The End of the World tiếp theo, mà mới nhất là bộ phim đình đám Don’t Look Up vừa được Netflix phát hành.
Penny (Keira Knightley) và Dodge (Steve Carell) và mọi sinh vật trên thế giới chỉ còn ba tuần để sống trước khi thảm kịch xảy ra. Cả hai nhân vật chính đều là những con người bình thường như chúng ta. Không phải là những nhà khoa học phi thường hay những người hùng đang tìm cách cứu Trái Đất khỏi diệt vong như các phim cùng đề tài, mà họ chỉ đang cố tìm cách để thực hiện những ước nguyện đơn giản cuối cùng. Dodge có mong muốn tái ngộ với người tình đầu sau khi anh bị vợ bỏ để đi với người đàn ông khác, còn Penny thì chỉ muốn đoàn tụ với gia đình mình tại Anh. Điều này có vẻ không hợp nhãn với những ai ưa thích một cốt truyện bùng nổ kịch tính.
Một cảnh trong phim. Ảnh: TL |
Mỗi nhân vật trong phim đều đối mặt với thảm hoạ theo cách riêng của bản thân. Dodge thì vẫn tiếp tục tập gym và làm công việc văn phòng 9-5 của mình. Người giúp việc của Dodge vẫn đều đặn tới nhà anh làm việc và cảm thấy buồn khi được anh bảo là bà không cần tới nữa, hay người phát thanh viên truyền hình vẫn cần mẫn đưa tin trong khi đồng nghiệp của ông đã bỏ đi hết. Tại sao họ lại chọn làm những công việc nhàm chán thường ngày thay vì làm những thứ cả đời họ chưa từng làm như bao người khác trước khi tận thế?
Có thể thấy những cách phản ứng kể trên thật phi thực tế như thường gặp trong các bộ phim về thảm hoạ khác. Nhưng nếu ngẫm lại ta sẽ thấy những hành vi trên không quá bất thường. Bởi tôi cho rằng khi phải đối mặt với một thời khắc tuyệt vọng thì việc duy trì những thói quen hằng ngày sẽ đem lại cho ta cảm giác quen thuộc và một ảo tưởng rằng mình đang kiểm soát được mọi thứ. Trong khi nhiều người khác có phản ứng dễ hiểu hơn đó là trở nên hoảng loạn và bạo động, tiệc tùng phê pha thâu đêm suốt sáng và tận hưởng mọi khoái lạc của cuộc sống trước khi chết. Khi đối mặt với tận thế, con người sẽ cảm thấy tự do khi trải nghiệm những việc họ chưa từng làm hay làm điều họ luôn muốn làm mà bình thường không dám thực hiện. Bởi khi ấy luật pháp có lẽ cũng đã hết hiệu lực!
Bộ phim dựa trên nền tảng khủng hoảng hiện sinh khi con người phải đối mặt với cái “mãi mãi” mà ta luôn tự huyền hoặc bản thân rằng nó sẽ còn lâu mới tới. Điều này khiến con người tự vấn xem mọi việc họ từng làm trong đời liệu có ý nghĩa gì không, hay liệu họ đã sống một cuộc đời họ mong muốn chưa.
Ở đoạn cuối của phim, Dodge và Penny đã gặp một nhóm người đang cùng nhau tận hưởng những thời khắc cuối cùng bên gia đình và người thân tại một bãi biển xinh đẹp, và mình nghĩ đây là những người sẽ ra đi thanh thản nhất. Bởi vì trong cuộc sống này, điều quan trọng không phải ta làm những gì, mà ta làm những điều đó với ai.
Triết gia Hy Lạp cổ đại Epicurus cho rằng mục đích cuối cùng loài người nên hướng tới là sự hạnh phúc và mãn nguyện với cuộc sống của mình, và nỗi sợ cái chết là thứ rào cản duy nhất ngăn không cho họ đạt được điều đó. Ông tin rằng mọi người quá tập trung vào nỗi sợ cái chết đang tới gần nên họ quên mất việc tận hưởng cuộc sống đang diễn ra hàng ngày. Điều này cũng tương tự với việc mọi người quá tập trung lo cho tương lai hoặc bị mắc kẹt lại trong những kí ức xưa cũ mà quên trân trọng cái hiện tại ngay lúc này. Quá lo lắng hậu quả về sự lựa chọn của mình khiến họ quên đi rằng những hậu quả đó sẽ không còn nghiêm trọng nữa nếu so với cái chết. Vì thế những con người trong Seeking a Friend for the End of the World hoặc là cố tận hưởng mọi khoái lạc, hoặc cố làm những việc mà họ đã trì hoãn từ lâu. Họ làm tất cả mọi việc để tự đánh lạc hướng bản thân khỏi nỗi sợ cái chết. Tuy nhiên, Epicurus tin rằng cái chết không phải là một điều đáng sợ. “Chúng ta không lo ngại về cái chết, bởi vì miễn sao ta còn tồn tại thì cái chết vẫn chưa xảy ra. Và một khi nó đã tới rồi, thì ta không còn tồn tại nữa”.
Đúng vậy, chúng ta sống không phải để trải nghiệm cái chết. Người có cuộc sống viên mãn chính là những người biết tận hưởng khoảnh khắc hiện tại.
Seeking for a Friend at the End of the World đem lại cho khán giả một cảm giác vấn vương. Nó khiến ta phải suy ngẫm, rằng “Đến cuối cùng, bạn trân quý điều gì nhất trên thế giới này? Nếu mọi thứ đều vô nghĩa, thì bạn sẽ thấy điều gì có ý nghĩa với riêng bản thân mình?”.
Có lẽ nếu không có việc gì ta làm là quan trọng, thì điều quan trọng nhất là ta sẽ làm gì.