Tạ Quang Thắng và đêm diễn 'nhiều chuyện'

Tạ Quang Thắng và đêm diễn 'nhiều chuyện'
TP - Câu chuyện Âm nhạc là một chuỗi chương trình sẽ diễn ra thường xuyên tại thủ đô. Đối tượng nhân vật mà chương trình nhắm vào là các nghệ sĩ trẻ, mới vào nghề. Đây có thể nói là một hướng đi khá mạo hiểm nhưng cũng không ít hứa hẹn.

> Tác giả 'Lá cờ' kể chuyện riêng

Xu hướng tổ chức chương trình ca nhạc định kỳ và tập trung vào chất lượng âm nhạc thay vì các yếu tố phụ trợ (như vũ đạo, kỹ xảo hình ảnh…) đang trở nên quen thuộc. Nhưng thường vé vào cửa của các chương trình này khá cao so với thu nhập của số đông.

Câu chuyện Âm nhạc do Kiên Quyết Studio thực hiện đưa ra mức giá dễ chấp nhận hơn, trong khoảng 500 nghìn đến 1 triệu đồng.

Những nghệ sĩ họ đưa ra không hẳn là những nghệ sĩ ít tính thị trường, mà đúng hơn là độ nổi tiếng của họ chưa nhà tổ chức nào kiểm chứng.

Tạ Quang Thắng- mở hàng Câu chuyện Âm nhạc là một hình mẫu như thế. Không ai nghi ngờ về tài năng của Thắng, và ê-kip Câu chuyện Âm nhạc đã quyết định làm cho tên tuổi của nghệ sĩ đa năng này phổ cập hơn.

Thắng có thời gian “thử lửa” qua thế giới mạng với những hit không chính thức như Đi học, Bèo dạt mây trôi… hát cùng Anh Khang.

Anh tâm sự, thời gian đầu thích hát R&B và muốn thử Việt hóa thứ nhạc này. Thử nghiệm của Thắng được đón nhận tích cực.

Tuy nhiên bài cho dòng nhạc này vẫn rất hiếm nên Thắng quyết định tự viết. Lá cờ là một cú hích đưa Thắng đến với sân chơi chuyên nghiệp. Và show diễn riêng đầu tiên Như chưa từng yêu nằm trong loạt Câu chuyện Âm nhạc được kỳ vọng là cú hích tiếp theo.

Cùng với 2 khách mời Thùy Chi và Tiêu Châu Như Quỳnh, các hàng ghế của rạp Đại Nam gần như kín hết.

Chương trình tạo ấn tượng tốt từ mở màn bằng chất lượng âm thanh, ánh sáng. Tạ Quang Thắng phát huy được cá tính qua những bài hát tự sáng tác.

Tuy nhiên anh chỉ hát 5/8 bài trong album đầu tay: Ngây thơ, Lá cờ, Ngôi sao trong đêm, Chuyện người đánh cá, Viết tình ca, thêm bài Hạt gạo làng ta đã được Thắng “Tây hóa” thành công.

Những sáng tác của Tạ Quang Thắng có chất riêng, nội dung tốt, dù lời lẽ ở đôi bài còn hơi dài dòng, chân chất kiểu nghĩ gì viết nấy.

Dù sao, bằng khả năng viết nhạc, anh đã làm mới, trẻ hóa được những đề tài rộng và khó như tổ quốc, biển đảo, vệ sinh môi trường… Hát những bài của riêng mình, Thắng như cá gặp nước. Tay đàn guitar cũng làm cho hình ảnh nghệ sĩ của anh thêm sức thuyết phục.

Có vẻ vì chưa viết được bài tình ca nào, nên ở phần tiếp của Như chưa từng yêu, Thắng hát tình ca của người khác và không chơi guitar nữa. Tuy nhiên có thể vì chưa đủ thời gian biến những Giọt nắng bên thềm, Em về tinh khôi… thành chất của mình, lại còn hát nhầm lời vài chỗ, đâm ra phần này của chương trình lại không được hiệu quả bằng phần đầu.

Người viết Lá cờ tỏ ra khá lóng ngóng nhưng vẫn dễ thương khi song ca với Thùy Chi và Tiêu Châu Như Quỳnh cũng những bản tình ca hết sức quen: Trái tim không ngủ yên và Đêm cô đơn. Anh không quên kêu gọi khán giả The Voice bình chọn cho Như Quỳnh.

Phần sau, những người làm chương trình lại tiếp tục “phiêu” hơn nữa khi cho Tạ Quang Thắng hát cùng những nghệ sĩ tài tử Andrew (giáo viên tiếng Anh người New Zeland) và Sunny Q.

Những bài hát như When you say nothing at all hay Everything I do… được hát lại không chỉ hơi bị cũ mà cũng chưa ra được chất R&B hay rock country của Thắng.

Chương trình bo thêm cả phong cách flamenco trong một số tiết mục hòa tấu do nghệ sĩ violon Trịnh Minh Hiền đảm nhận vai trò solo. Ngộ nghĩnh ở chỗ là thỉnh thoảng giữa các phần biểu diễn của nhân vật chính hay khách mời, nữ nghệ sĩ lại ra kéo một bài như thể để “lấp chỗ trống”.

Rất may là âm nhạc sôi động của Trịnh Minh Hiền vẫn lấy được những tràng vỗ tay nồng nhiệt của khán giả.

Vì ôm đồm hơi nhiều phong cách chưa ăn khớp nhau lắm nên ở phần sau, Câu chuyện Âm nhạc số 1 có hơi hướng của một chương trình giao lưu “hát cho nhau nghe”.

Nhưng rất có thể đó chính là gu của những khán giả đến với chương trình. Một thực đơn âm nhạc cá tính, có chiều sâu nhất định song vẫn cởi mở, hồn nhiên rất có thể là cái mà khán giả Hà Nội còn thiếu và bây giờ mới được đáp ứng?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Mang yêu thương khoả lấp buồn đau cho Làng Nủ
Mang yêu thương khoả lấp buồn đau cho Làng Nủ
TPO - Ngày 14/9, đoàn thiện nguyện báo Tiền Phong đã thay mặt các nhà hảo tâm trao tặng số tiền ủng hộ trị giá 500 triệu đồng cho các nạn nhân tử vong do bão YAGI tại tỉnh Lào Cai và vào được Làng Nủ ở huyện Bảo Yên để chia sẻ nỗi đau thương của bà con nơi đây.