SV trường Y trải lòng vấn nạn 'phong bì'

SV trường Y trải lòng vấn nạn 'phong bì'
Có bạn quả quyết "nhận phong bì là không chấp nhận được", bạn khác lại cho rằng "chỉ nên nhận khi đó là quà cảm ơn" và những câu chuyện chân thật nghề y từ góc nhìn của sinh viên sắp ra trường.

SV trường Y trải lòng vấn nạn 'phong bì'

> Nữ thầy thuốc có nhiều đóng góp cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng
> Còn đó lời thề
> Đồng chí Đinh Thế Huynh thăm và chúc mừng các y, bác sĩ

Có bạn quả quyết "nhận phong bì là không chấp nhận được", bạn khác lại cho rằng "chỉ nên nhận khi đó là quà cảm ơn" và những câu chuyện chân thật nghề y từ góc nhìn của sinh viên sắp ra trường.

Nguyễn Đức Thuận
Nguyễn Đức Thuận.

Nguyễn Đức Thuận, sinh viên năm cuối ĐH Y Hải Phòng

Quan điểm của mình không ủng hộ vấn đề phong bì, hiển nhiên là vậy. Ngay từ khi mới bắt đầu đi trực, mình cũng đã đôi lần được người nhà bệnh nhân gửi phong bì bồi dưỡng, nhưng mình không nhận. Người ta nói phong bì là "bệnh" của ngành y có lẽ chưa đúng lắm.

Mình công nhận là ở các bệnh viện có không ít bác sĩ, y tá coi trọng chuyện phong bì nhưng cũng có không ít người thầy thuốc không biết nhận phong bì là gì. Mình đã chứng kiến và gặp nhiều thầy cô, bác sĩ như vậy.

Có lần ở khoa cấp cứu bệnh viện Việt Tiệp mình đã chứng kiến người nhà bệnh nhân đưa phong bì cho bác sĩ Thắng sau khi mổ xong, nhưng bác sĩ không nhận. Anh còn dặn dò dành tiền đó bồi dưỡng cho bệnh nhân chóng khỏi.

Sau đó, trở về với kíp mổ, anh ấy rút tiền riêng của mình, lấy 500 ngàn để bồi dưỡng mọi người vì ca mổ căng thẳng. Họ là những người bác sĩ trẻ, có suy nghĩ khác nhiều với thế hệ trước.

Cá nhân mình coi chuyện nhận phong bì không thể chấp nhận được. Việc kì kèo đòi phong bì còn xấu xa hơn. Chắc hẳn, khoảng mươi, mười lăm năm nữa, lớp bác sĩ trẻ bây giờ vươn lên, cùng sự ưu đãi, tiền lương... cho nhân viên y tế tốt hơn, chuyện phong bì sẽ giảm dần và hết hẳn.

Dù nhận thức rõ nhận phong bì là xấu nhưng mình cũng hiểu tại sao những người khác lại bị nó cám dỗ. Bạn làm phép tính: một sinh viên Y đào tạo 6 năm (thời gian dài nhất trong các ngành), lại liên tục phải học định hướng chuyên khoa, nâng cao tay nghề, chứng chỉ, chuyên 1, chuyên 2... học phí thuộc loại cao, gia đình tốn kém nuôi ăn học. Nhưng ra trường chỉ nhận mức lương cơ bản (nếu được vào biên chế), không thì làm hợp đồng, làm không công thời gian dài.

Nhưng nói cho cùng, đã xác định học ngành này thì cũng phải sống với nó với cái tâm của mình. Đặt hoàn cản của mình vào bệnh nhân thì sẽ thấy ngay. Trong lúc ốm đau, đã tốn kém thuốc men, viện phí thì chớ mà gặp bác sĩ, y tá đòi tiền thì làm sao chịu cho thấu.

Nghệ sĩ Vân Dung nói trong gặp nhau cuối năm rồi khá đúng, muốn cải thiện mọi chuyện chỉ có cách tăng viện phí. Có như vậy, mới chi trả cho bác sĩ tương xứng công sức họ bỏ ra. Họ không quá lo cơm áo gạo tiền, sẽ toàn tâm toàn ý với người bệnh. Hiện nay, lương bác sĩ còn khá thấp so với nhiều ngành khác mà công việc thì vất vả, trách nhiệm cao và liên tục phải làm đêm.

Nguyễn Vân Anh
Nguyễn Vân Anh.

Nguyễn Vân Anh, sinh viên năm cuối ĐH Y Hà Nội

Tớ cho rằng cái phong bì nó không có tội. Quan trọng là người ta ứng xử ra sao với nó. Bác sĩ có quyền tự hào khi đã làm tròn nhiệm vụ của mình với bệnh nhân. Khi bệnh nhân khỏi bệnh, người bệnh thường cảm ơn bác sĩ bằng phong bì. Người bác sĩ có quyền nhận hay không nhận nhưng nếu có nhận thì cũng không có gì đáng xấu hổ. Cũng như mọi ngành khác, làm việc tốt và được cảm ơn, đó là điều bình thường.

Chuyện phong bì chỉ trở thành đáng xấu hổ khi chưa làm được gì đã đòi hỏi. Tớ công nhận còn nhiều bác sĩ có đạo đức không tốt, vòi vĩnh bệnh nhân, đáng bị phê phán. Nhưng ngành nào cũng thế thôi, không phải riêng ngành y, họ chỉ là con sâu làm dầu nồi canh. Không nên chỉ nhìn vào điểm tối mà không nhìn vào mảng sáng, khiến sự việc trở nên phiến diện.

Tớ đi lâm sàng từ năm thứ 3, tiếp xúc với những hoan cảnh khó khăn đặc biệt. Có lẽ ngoài SV ngành y, không có SV trường nào khác có những trải nghiệm như chúng tớ. Hầu hết SV ngành khác họ chỉ đối mặt với khó khăn của chính mình, chưa có cơ hội được thấy tận mắt nỗi đau của người khác.

Trong những phiên trực của mình, tớ từng thấy có những bệnh nhân chỉ nằm một chỗ, đến thở cũng phải có thiết bị hỗ trợ, cuộc sống tính từng ngày, người nhà thì bất lực. Chứng kiến những hoàn cảnh như vậy mà rơi nước mắt. Mình mà không làm được gì cho bệnh nhân thì cảm thấy áy náy vô cùng. Thế mà có người còn lấy tiền rồi o ép người bệnh thì chỉ có quỷ mới làm được.

Những lúc như vậy, tớ chỉ muốn mình làm gì đó mà ngay ngày mai họ có thể ra viện, không phải lo lắng bất kì điều gì nữa. Phải sống trong viện một ngày, ở cùng bệnh nhân, cùng bác sĩ làm việc thì mới có thể đưa ra những ý kiến chính xác về y đức của người bác sĩ hiện nay chứ không thể chỉ nhìn một phía được.

Nguyễn Duy Linh (bên phải ảnh)
Nguyễn Duy Linh (bên phải ảnh).

Nguyễn Duy Linh, sinh viên năm cuối ĐH Y Hà Nội

Mình đã nghe, đọc nhiều trên báo chí những vụ việc bác sĩ gây tai nạn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, theo những gì mình biết trong 3 năm đi lâm sàng, mình chưa gặp trường hợp nào như vậy. Không rõ ở các tuyến huyện hay tỉnh như thế nào nhưng ở tuyến trung ương như BV Bạch Mai hay Việt Đức thì không hề có.

Trong khoảng thời gian trực tiếp ở bệnh viện, SV bọn mình cũng gặp nhiều lần bệnh nhân đưa phong bì, nhưng chẳng ai dám nhận. Dù sao mình cũng không cho rằng phong bì là vấn nạn ngành y vì thực tế mình không thấy chuyện bác sĩ vòi vĩnh bệnh nhân.

Năm nay, khóa mình ra trường, cũng ấp ủ trong lòng nhiều hy vọng, hoài bão. Trước hết là muốn hoàn thành việc học, sau đó mình cũng muốn có một cơ hội làm việc tại Hà Nội để trau dồi tay nghề. Nhưng nếu về tỉnh làm thì mình cũng không ngại gì. Ở đâu có bệnh nhân thì ở đó có bác sĩ.

Vũ Hải Vân
Vũ Hải Vân.

Vũ Hải Vân, sinh viên năm thứ 5 ĐH Y Hà Nội

Mình nghĩ mọi người nên tìm hiểu nguyên nhân sâu sa trước khi đánh giá về nạn phong bì. Thứ nhất, với thời gian học quá dài, 6 năm, trong khi các bạn mình đã có thể kiếm tiền nuôi bản thân và bố mẹ thì bọn mình vẫn ngồi trên ghế nhà trường và ăn bám gia đình. Thứ hai là mức lương cơ bản của ngành y quá thấp. Một bác sĩ đứng mổ cả 8 tiếng đồng hồ, căng thẳng, cùng bệnh nhân chiến đấu giành lại sự sống chỉ nhận được đồng lương còm cõi.

Thầy giáo mình có kể, lần đại dịch SARS, ban đầu bất cứ bệnh nhân nào mắc SARS là chấp nhận cái chết. Vậy mà hàng ngày bác sĩ phải đối diện với khả năng bị lây nhiễm rất cao. Nhiều bác sĩ còn phải thuê nhà nghỉ vì sợ về nhà sẽ lây cho gia đình, chấp nhận nếu bị lây thì sẽ ra đi một mình. Vậy mà vẫn phải vật lộn với cơm áo gạo tiên.

Mình không nghĩ nhận phong bì là đúng, nhưng nếu xã hội luôn lên án trong khi không có cách giải quyết những khúc mắc trên thì khó có thể xóa bỏ được tệ nạn này.

Tuy nhiên, mình thấy nạn phong bì hiện giờ cũng không phải quá khủng khiếp nữa. Tại Việt Đức và Xanhpon, mình thấy tệ nạn này rất ít xảy ra. Tại Việt Đức do lượng bệnh nhân quá đông, không đủ phòng mổ, rất nhiều người phải đợi để được phẫu thuật.

Nhiều ca cấp cứu cần thực hiện ngay để cứu bệnh nhân nên dù đến sau vẫn được vào trước nhưng người nhà bệnh nhân không hiểu lại nghĩ người ta đưa tiền nên được thế. Bọn mình giải thích rất nhiều nhưng họ vẫn không chịu hiểu. Những câu chuyện như vậy khiến chúng mình rất buồn lòng.

Theo Mai Châm
Dân trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.