Đây là cuốn sách phê bình, tiểu luận đầu tiên của tác giả Khánh Phương, được tích luỹ và thực hiện trong vòng mười năm trở lại đây.
Tác giả phác hoạ bức tranh văn chương Việt với những chuyển động mãnh liệt. Phân tích bình luận, nhận định kịp thời về các hiện tượng gây nhiều dư luận trên văn đàn, bên cạnh những bài viết về những nhà văn khát khao đổi mới, những nỗ lực và cả thất bại (tạm thời), trên bước đường kiếm tìm của họ.
Tác giả không quên đưa đến với bạn đọc cái nhìn về tiến trình văn học trong sự vận động trưởng thành cũng như những “đột biến” của nó, từ những đóng góp của thế hệ nhà văn được thừa hưởng nền giáo dục Pháp, như Ngọc Giao, Hoàng Cầm, Trần Dần, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Nguyễn Xuân Khánh, Bùi Ngọc Tấn… cho tới lớp nhà văn nhà thơ sinh ra và trưởng thành ở hai miền Nam, Bắc qua hai cuộc chiến tranh, như Lưu Quang Vũ, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Duy, Mai Văn Phấn… ở miền Bắc, Đinh Linh, Đỗ Kh., Phan Nhiên Hạo, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Đức Tùng, Inrasara… ở miền Nam và hải ngoại.
Không chỉ dừng ở mô tả những gì đang diễn ra, người viết còn so sánh, khái quát, tổng kết để cho bạn đọc một cái nhìn về những khuynh hướng nghệ thuật đang dần rõ nét, nguyên do cũng như ý nghĩa của các khuynh hướng ấy, bắt rễ sâu xa từ những nét tinh tế và phức tạp trong đời sống tinh thần của người Việt hiện thời, cũng như cho thấy năng lực nghề văn của các cây bút Việt Nam đương đại, trong dòng chảy lịch sử văn học nói chung. Cuốn sách dự định sẽ còn được tiếp tục với các tập tiếp theo.