Suy tĩnh mạch: Điều trị khỏi trong 18 tháng

Suy tĩnh mạch: Điều trị khỏi trong 18 tháng
TP - Bệnh suy tĩnh mạch làm máu ứ lại trong lòng tĩnh mạch, khó trở về tim, gây nhiều biến chứng có thể tử vong, nhưng nhiều người rất lơ là.

70% bệnh nhân là nữ

Hơn hai tháng nay, bỗng dưng hai chân của bà Lê Thị Chung (43 tuổi, Bình Dương) nổi những mạch máu to, phình ra bất thường. Bà Chung đi khám ở Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM thì được biết bị mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Bác sĩ chỉ định phải mổ gấp vì bệnh quá nặng. Mới đây, Khoa Khám bệnh tiếp nhận một trường hợp khác là bà Nguyễn Hải Anh (45 tuổi, Kon Tum) cũng “nổi gân” nhiều ở hai chi dưới. Sau khi sinh con được 5 tháng, bà Anh thấy mạch máu ở hai chân nổi lên to như giun. Người nhà cho rằng, “chuyện bình thường” sau khi sinh. Tuy nhiên, thấy nhức chân thường xuyên nên bà Anh đi khám, phát hiện mình mắc bệnh suy tĩnh mạch chi dưới, cũng phải mổ.

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TPHCM, cho biết, những trường hợp như trên ngày càng tăng. Ước tính, hiện có khoảng 25- 35% dân số mắc bệnh suy tĩnh mạch chi dưới ở nhiều mức độ. Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM mỗi năm tiếp nhận hơn 7.000 ca suy tĩnh mạch, trong đó khoảng 300 bệnh nhân phải phẫu thuật. Trong đó, nữ mắc bệnh này chiếm khoảng 70%, đa số trên 35 tuổi. Sở dĩ nữ mắc nhiều hơn nam là do ảnh hưởng của nội tiết nữ, thai nghén tác động lên tĩnh mạch. Ngoài ra, những người dễ mắc bệnh này gồm: yếu tố di truyền; làm nghề phải đứng lâu; dùng giày không thích hợp; tăng trọng lượng cơ thể quá mức; ăn nhiều chất bột, ít chất xơ; hay bị táo bón... Suy tĩnh mạch có thể xảy ra ở bất kỳ tĩnh mạch nào trên cơ thể, kể cả ở tay, nhưng trên thực tế phần lớn trường hợp xảy ra ở chi dưới, do hệ thống tĩnh mạch chi dưới dài hơn, phức tạp và nhất là chịu ảnh hưởng của trọng lực khi người bệnh phải đứng nhiều.

Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh cao nhưng theo nghiên cứu, tại Việt Nam, 77,6% bệnh nhân không biết mình mắc bệnh và ngại đi khám, không điều trị hoặc điều trị không đúng.

Phát hiện sớm, điều trị khỏi

Theo các bác sĩ, lúc đầu bị bệnh, ở tĩnh mạch dưới da bắp chân xuất hiện vằn vện màu đỏ hoặc xanh. Nếu không được điều trị, bệnh nặng dần khiến máu bị ứ trệ ở chân. Lúc này, bệnh nhân có triệu chứng căng tức ở bắp chân, nặng chân, mỏi chân, đau tê vùng bắp chân, phù ở quanh mắt cá chân... gây khó chịu hay bị “chuột rút” về đêm. Giai đoạn nặng gây chàm hóa da ở chân. Bệnh không chỉ ảnh hưởng thẩm mỹ mà có khả năng gây biến chứng hình thành huyết khối trong lòng tĩnh mạch giãn, có thể lan lên phổi gây tắc mạch phổi và gây nguy cơ tử vong.

Theo ThS-BS Lê Phi Long (BV Đại học Y Dược TPHCM), suy tĩnh mạch mạn tính nếu không điều trị kịp thời, khi ở giai đoạn nặng, tĩnh mạch giãn to làm ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng ở da chân, gây viêm loét, nhiễm trùng… rất khó chữa.

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam cho biết, bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới nếu được chẩn đoán và điều trị sớm thì có thể khỏi hoàn toàn với thời gian từ 12-18 tháng.

Ngoài phẫu thuật, mới đây, BV Lão khoa Trung ương điều trị bệnh này bằng laser nội tĩnh mạch. Phương pháp này đơn giản hơn bởi sau làm thủ thuật, bệnh nhân có thể vận động ngay, xuất viện ngay và đi lại bình thường.

Trước tình trạng bệnh gia tăng, mới đây, Hội Tĩnh mạch học TPHCM phối hợp với Bệnh viện Minh Anh TPHCM thành lập Câu lạc bộ Bệnh suy tĩnh mạch, dành cho bệnh nhân suy tĩnh mạch mạn tính để được tư vấn định kỳ về bệnh lý, tầm soát bệnh miễn phí mỗi tháng, hỗ trợ một phần chi phí phẫu thuật và xét nghiệm cận lâm sàng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG