Suy kiệt vì 'cày' game

Suy kiệt vì 'cày' game
Dịp Tết Dương lịch vừa qua, hai nam sinh đột ngột “mất tích” nhiều ngày. Sau khi gia đình hốt hoảng cầu cứu cơ quan chức năng, hai người trở về với tình trạng suy kiệt cả thể xác lẫn tinh thần.

Suy kiệt vì 'cày' game

> Con nghiện game đánh mẹ: Hối hận thì đã muộn
> Nỗi lo thực từ thế giới ảo
> Cày game thâu đêm ở Sài Gòn
> Game thủ... nhập viện

Dịp Tết Dương lịch vừa qua, hai nam sinh đột ngột “mất tích” nhiều ngày. Sau khi gia đình hốt hoảng cầu cứu cơ quan chức năng, hai người trở về với tình trạng suy kiệt cả thể xác lẫn tinh thần.

Hai “game thủ” V.T.H và N.H.T. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Hai “game thủ” V.T.H và N.H.T. (Ảnh do gia đình cung cấp).

Trước cổng một trường THCS ở quận Gò Vấp - TPHCM, sau dịp nghỉ Tết Dương lịch mới đây, một người cha cứ lặng lẽ ngóng trông cậu con trai. Trước đó, con ông, em V.T.H (SN 1999, học sinh lớp 7), bỗng dưng “mất tích”. 

Đột ngột bỏ nhà

Sáng 30-12-2012, thấy H. mặc đồng phục mang theo tập vở, vợ chồng ông V.X.C, ngụ quận Gò Vấp, cứ nghĩ con đi học giáo lý tại nhà thờ như thường lệ. Thế nhưng, cả ngày và đêm hôm đó, H. vẫn bặt tăm. Ông bà C. càng tá hỏa hơn khi biết H. không đến nhà thờ vào sáng hôm ấy.

Gia đình cho biết trước đây, H. rất ngoan ngoãn, lễ phép, chỉ đến trường rồi về nhà học bài. Mấy tháng gần đây, cậu đột nhiên thay đổi, có nhiều biểu hiện lạ như đi sớm, về muộn, hay mệt mỏi... Tuy nhiên, khi bị cha mẹ la mắng, H. lại ngoan ngoãn xin lỗi và hứa sẽ thay đổi, cố gắng học tập chăm chỉ.

Vừa qua, vợ chồng ông N.V.B, ngụ đường Phan Huy Ích, quận Tân Bình – TPHCM, cũng phải bỏ việc nửa tháng để truy tìm con trai là N.H.T (SN 1999, học sinh lớp 8) “mất tích” từ hôm 31-12-2012.

Thấy T. không về nhà, vợ chồng ông cứ nghĩ con mê chơi. Song, chờ 2-3 ngày vẫn không thấy T. về, ngày 4-1-2013, ông bà hốt hoảng đến công an cầu cứu rồi đăng tin trên báo tìm con. H. và T. vốn là những nam sinh nghiện game nặng.

“Gia đình tôi không khá giả gì. Tôi làm bảo vệ, vợ bán bánh mì, tằn tiện lắm cũng chỉ đủ xoay xở qua ngày. Không có thời gian đưa đón, mỗi ngày nhìn con đi bộ đến trường, chúng tôi xót xa lắm. Thế nên, vợ chồng tôi mới ráng chắt chiu rồi vay mượn mua cho H. chiếc xe đạp. Ai ngờ, từ ngày có xe, nó bắt đầu theo bạn bè tụ tập rong chơi, sa đà vào các trò chơi trên mạng” - ông C. buồn bã.

Giận con, ông C. lấy lại xe, yêu cầu H. đi học chỉ được về trễ nửa giờ. Nghĩ rằng nghiêm khắc như vậy, con sẽ thay đổi nhưng mong muốn của vợ chồng ông trở nên vô vọng. H. vẫn thường về nhà muộn do “học nhóm cùng bạn”.

Vợ chồng ông C. vẫn tin tưởng con, cho đến khi cô giáo chủ nhiệm điện thoại thông báo H. thường xuyên bỏ học để chơi game, họ mới té ngửa. Số tiền chơi game của H. thường được một bạn học trả vì cậu chỉ được cha mẹ cho 3.000 đồng/ngày.

Còn T. thì nghiện game từ khi học lớp 5. Gia đình thường xuyên khuyên nhủ, cấm đoán nhưng cậu vẫn lén lút đến các tiệm game. Không ít lần, T. thiếu tiền giờ khiến các chủ tiệm internet phải “hộ tống” về nhà đòi tiền.

Nhiều lần biệt tăm

Gia đình cho biết H. và T. từng đột ngột “mất tích” như thế. Ngày 30-4-2012, H. không về nhà rồi biệt tăm mấy ngày. Trở về trong một đêm khuya, với bộ dạng tiều tụy, H. cho biết cậu bị 2 thanh niên bắt khi đi qua nghĩa trang gần nhà.

H. bị trói tay và bỏ đói nhiều ngày trong một ngôi nhà. Sau đó, lợi dụng sơ hở của 2 gã, cậu bỏ trốn và được một người chạy xe ôm tốt bụng chở về nhà… Nghe con kể ly kỳ “như phim”, đến nay, vợ chồng ông C. vẫn nửa tin nửa ngờ.

T. cũng từng bỏ nhà 4 lần để đi chơi game nhưng chỉ vài hôm thì về. Tháng 8-2012, cậu đi chơi game suốt 2 ngày rồi trở về, mang theo số nợ 200.000 đồng tiền giờ chơi game.

Trở lại lần “mất tích” mới đây, trong thời gian 2 đứa trẻ bỏ nhà đi, cha mẹ các em đã miệt mài tìm con ở từng con hẻm, tiệm net. Sau một thời gian, H. và T. trở về trong tình trạng suy kiệt cả thể xác lẫn tinh thần. Gia đình H. cho biết sau 10 ngày rong chơi, cậu về nhà với lời xin lỗi lí nhí. H. chỉ cho biết vì chơi game với bạn hết tiền, sợ bị cha mẹ la mắng nên không dám về.

Trong khi đó, sau nửa tháng biệt tăm, T. sợ cha mẹ lo lắng nên quay về nhà. Theo ông B., thời gian đó, T. cùng 2 người bạn rủ nhau đi chơi game, tiền “được bạn bao”.

Hiện T. ốm và mệt mỏi hơn nhiều so với lúc rời nhà. Ông B. cho biết khi báo đăng tin, rất nhiều số điện thoại lạ đã gọi đến nói rằng họ đang bắt giữ T., yêu cầu gia đình chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng, nếu không cậu sẽ bị “xử”. Khi ông B. đề nghị được nghe tiếng con thì những người này buông lời chửi mắng rồi hậm hực cúp máy…

Chữa được ngọn, khó diệt tận gốc

Trung tâm Thanh Thiếu niên Miền Nam, nơi đầu tiên của cả nước tổ chức cai nghiện game online, đã ngừng mở lớp sau 3 năm cố gắng. Hiện trung tâm đang dự định phối hợp cùng Trung ương Đoàn và một dự án của Hàn Quốc chuyển hướng sang các diễn đàn Phòng chống nghiện internet.

Tháng 7-2008, khi chương trình Học kỳ quân đội lần đầu tiên được trung tâm tổ chức, nhiều gia đình đã đưa con em mình đến tham gia với kỳ vọng kéo các em trở về từ thế giới ảo. Từ nguyện vọng này, trung tâm đã xây dựng và tổ chức chương trình Cai nghiện game online.

Bà Trần Thị Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Thanh Thiếu niên Miền Nam, cho biết từ năm 2008-2011, trung tâm đã mở 5 lớp cai nghiện với 20-30 học viên/lớp. Dù kết quả đạt được tại chỗ là 90% học viên hết nghiện, 10% tự kiểm soát bản thân, trung tâm vẫn phải tạm dừng chương trình.

“Dù rất thấu hiểu nỗi lòng phụ huynh nhưng chúng tôi không đủ lực làm tiếp. Cai nghiện game online khó hơn nhiều so với các chương trình giáo dục kỹ năng sống khác, vì đối tượng là những thanh thiếu niên đặc thù. Chúng tôi chỉ chữa trị được ngọn mà không diệt được gốc” - bà Liên trăn trở. Bà Liên còn cho biết từng nhận nhiều tin nhắn, cuộc điện thoại giữa đêm đòi “chém”, “cắt gân”…

Nhiều chương trình giáo dục kỹ năng sống cũng được trung tâm tổ chức để giúp đỡ thanh thiếu niên trong việc nhận thức xã hội và khám phá bản thân. Qua những chương trình này, trung tâm hy vọng các em sẽ sống tự tin, tự lập, mạnh mẽ, sống có trách nhiệm và yêu thương gia đình.

Theo Kha Miên
Người Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG