Bệnh ngủ nhiều là gì?
Ngủ nhiều (ngủ lịm, ngủ rũ) là một rối loạn phức tạp, bao gồm nhiều hiện tượng khác nhau của giấc ngủ như ngủ nhiều nguyên phát, ngủ rũ, hội chứng ngừng thở khi ngủ. Người bệnh có thể ngủ từ 12 – 18 tiếng mỗi ngày, ngủ gật nhiều vào ban ngày hoặc kéo dài thời gian ngủ ban đêm.
Ngủ nhiều gây ra rất nhiều tác hại tới sức khỏe. Thông thường, khi chúng ta làm việc, tim sẽ đập nhanh hơn nhằm giúp tuần hoàn máu diễn ra ổn định. Việc ngủ nhiều sẽ khiến cho tim quen với nhịp độ hoạt động chậm nên khi làm việc, dù chỉ là công việc nhẹ nhàng cũng khiến tim đập nhanh. Về lâu dài, nó sẽ dẫn đến rối loạn nhịp tim, yếu tim, thậm chí là suy tim… Không chỉ thế, ngủ nhiều còn khiến chúng ta mắc phải các căn bệnh như đau dạ dày, rối loạn quá trình tiết dịch vị, ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa, rối loạn nội tiết, rối loạn nhịp sinh học…
Các dạng của bệnh ngủ nhiều
Ngủ nhiều nguyên phát
Ngủ nhiều nguyên phát là khi chúng ta ngủ nhiều vào ban đêm nhưng ban ngày vẫn cảm thấy rất buồn ngủ và hay ngủ gật. Đây là trạng thái nhẹ nhất khi chúng ta mắc phải căn bệnh ngủ nhiều. Ngủ nhiều nguyên phát có thể xảy ra trong vòng một tháng hoặc kéo dài tới vài tháng. Các bạn vẫn có khả năng chống lại những cơn buồn ngủ, tuy nhiên tình trạng này gây ảnh hưởng không nhỏ tới công việc và sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, những cơn buồn ngủ này có thể gây nguy hiểm nếu xảy ra khi chúng ta đang lái xe hoặc làm các công việc đòi hỏi sự tỉnh táo.
Ngủ rũ
Ngủ rũ là khi chúng ta đi vào giấc ngủ mà không thể cưỡng lại được, cho dù ở bất kỳ thời điểm nào, khi chúng ta đang tham gia bất cứ hoạt động nào. Các cơn ngủ rũ thường rất ngắn và phối hợp với ngã khuỵu (mất trương lực cơ đột ngột), cùng với đó là các ảo giác nửa tỉnh nửa mơ. Thậm chí, nó còn có thể dẫn đến tình trạng liệt khi ngủ.
Hội chứng ngừng thở khi ngủ
Hội chứng ngừng thở khi ngủ có biểu hiện là ngừng hô hấp trong khoảng thời gian từ 20 – 40 giây khi chúng ta đang ngủ. Nguyên nhân gây nên tình trạng này là do tắc nghẽn đường lưu thông khí, do tổn thương não (u thân não) hoặc phối hợp cả hai loại trên. Hội chứng này gây giảm bão hòa oxy, làm tăng nồng độ carbonic trong máu. Đây chính là nguyên nhân khiến chúng ta tỉnh giấc liên tục trong đêm.
Cách chữa trị và phòng tránh
- Điều trị bằng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Áp dụng liệu pháp tập tính: đi ngủ và thức dậy theo thời gian biểu khoa học.
- Tập thể dục đều đặn, tránh thức khuya.
- Bổ sung các thực phẩm thanh mát và có tác dụng an thần như tâm sen, long nhãn, táo tàu… Đồng thời, các bạn cũng cần nhớ hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cafe…
- Ngoài ra, chúng mình hãy dành thêm thời gian nghỉ ngơi mỗi ngày để giảm bớt các cơn buồn ngủ nhé!