“Chúng tôi phải túc trực 24/24 giờ trên đường mòn. Thời tiết khắc nghiệt, trời nắng như thiêu đốt, lều bạt trống trải không có điện, thiếu nước uống, tắm giặt. Có đêm mưa bão thổi bay bạt lều, ướt hết người, rét run. Chưa kể các loại côn trùng, rắn độc từ các khe núi, rừng rậm tấn công người”, hạ sĩ Tiến kể.
Trên tuyến biên giới Lạng Sơn, lán chốt ở Bản Thín nằm cheo leo trên đỉnh núi Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình) là xa xôi, hiểm trở nhất. “Trực ở trên non cao, nơi đây không có sóng điện thoại, thi thoảng mới được nói chuyện với gia đình, nhưng đó là nguồn động viên quý giá. Để có sóng điện thoại, mọi người phải treo điện thoại lên cành cây phía rừng thông để giữ liên lạc. Mưa rét thì phủ thêm cái bịch nilông, cứ có chuông thì chạy ra nghe, rồi lại treo cái điện thoại ở đó”, Tiến nói.
Hạ sĩ Nguyễn Quang Huy (SN 1999), đồng đội của Tiến chia sẻ: “Nhớ nhất là những lần đi ngăn hàng lậu và người xuất nhập cảnh trái phép. Mặc dù bị kẻ xấu ném đá, rải đinh nhọn ngăn cản, đã có lần chân tôi bị chảy máu, nhưng chúng tôi không sợ, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ”.
Thượng tá Ninh Văn Bình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Chi Ma cho biết, từ tháng 7/2020, Đồn tiếp nhận 12 học viên biên phòng đến thực tế và tham gia phòng chống dịch COVID-19. Mặc dù gặp nhiều khó khăn song với sức trẻ, nhiệt huyết, trách nhiệm, các chiến sỹ đã đồng tâm hiệp lực, để tuyến phòng thủ cửa ngõ Tổ quốc thêm vững chắc.
“Trong thời gian xảy ra dịch bệnh COVID-19, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận 2 đợt học viên Học viện Biên phòng lên tăng cường ở các tuyến biên giới với số lượng trên 100 chiến sỹ trẻ. Sự tiếp sức này đã góp phần giữ vững đường biên mốc giới, chống buôn lậu và người xuất nhập cảnh trái phép”. Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn