Theo TS. Nguyễn Văn Tuyến – Giám đốc Trung tâm đột quỵ não Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết; năm nào cũng vậy, miền Bắc đang bước vào thời tiết có nhiệt độ giảm mạnh, có thể khiến những bệnh liên quan đến thời tiết bùng phát, đặc biệt là đột quy – tai biến mạch máu não. Khí lạnh bất thường vào thời điểm đêm và sáng cũng là nguyên nhân khiến các ca nhập viện vì biến chứng đột quỵ, tai biến tăng cao.
Giải thích về vấn đề này, TS Tuyến cho rằng, tình trạng đột quỵ chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, trong đó thời tiết thay đổi, chuyển lạnh cũng bất ngờ làm khởi phát tình trạng này. Theo cơ chế sinh học, dưới ảnh hưởng của thời tiết lạnh giá, mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp khiến lưu lượng máu đến não giảm 1/5 so với bình thường, Mặt khác, các mạch máu dễ co lại làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch. Với người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ với nguy cơ tử vong và các biến chứng vô cùng nặng nề.
3 thói quen nguy hại của người tiểu đường vào mùa lạnh
Các chuyên gia y tế cũng chỉ ra 3 thói quen sai lầm khiến người tiểu đường đến gần hơn với vực thẳm đột quỵ, khiến tính mạng của họ ngàn cân treo sợi tóc:
1. Vừa ngủ dậy đã ra khỏi chăn và xuống giường ngay
Theo các nghiên cứu của bác sĩ khoa cấp cứu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trong 2 năm từ năm 2016-2017, có tới 60% trong tổng số 4000 bệnh nhân cấp cứu tại bệnh viện bị đột quỵ vào thời gian buổi sáng từ 5h-8h sáng. Nhiều trường hợp xuất phát từ thói quen không ai ngờ tới như vừa ngủ dậy đã ra khỏi chăn và xuống giường ngay. Thói quen này làm cơ thể phải đối diện với việc tăng nhịp tim, thay đổi hormone và tăng huyết áp đột ngột.
Khi huyết áp tăng cao sẽ làm tăng sức ép lên thành mạch, làm bong tróc các mảng xơ vữa của mạch máu, hình thành nên cục máu đông Thêm vào đó, sau 1 đêm cơ thể không được cung cấp nước sẽ khiến máu trở lên cô đặc hơn. Cộng với lượng nitric oxit (gọi tắt là NO) – chất có vai trò quan trọng trong việc mở rộng mạch máu tăng dòng chảy cho oxy khi mới ngủ dậy là rất thấp, sẽ khiến lòng mạch có nguy cơ bị bít tắc bởi các cục máu đông. Nếu tắc mạch ở não, sẽ gây nhồi máu não.
Đối với người tiểu đường, độ nhớt trong máu còn tăng hơn nữa sẽ gây tổn thương, xơ vữa mạch máu nhiều hơn, đẩy nguy cơ đến với vực thẳm đột quỵ cao hơn những người bình thường.
2. Tập thể dục quá sớm
Vào mùa đông, nhiều người tiểu đường vẫn giữa thói quen dậy sớm để đi tập thể dục. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tập thể dục quá sớm sẽ làm cơ thể bị nhiễm lạnh đột ngột, khiến các mạch máu bị co lại, máu lưu thông kém, huyết áp tăng lên.
Kết quả là quá trình lưu thông máu lên não chậm, gây thiếu máu não. Nếu thiếu máu não ở mức độ nghiêm trọng, kể cả trong thời gian ngắn cũng có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như nhũn não, suy giảm chức năng vùng não đó chi phối như vận động, trí nhớ… thậm chí làm người bệnh đột quỵ.
3. Tắm nước quá nóng
Những ngày giá rét cũng là thời điểm nhiều người tiểu đường bị đột quỵ do tắm nước quá nóng (trên 37 độ C). Bởi tắm nước quá nóng sẽ gây áp lực cho tim do tất cả các mạch máu trong da đều giãn nở hết cơ, gây thiếu oxy cung cấp đến tim. Cơ thể người tiểu đường có thể bị mất nước, hạ đường huyết, mất cân bằng điện giải và ngất xỉu, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.
Dấu hiệu nhận biết người bị đột quỵ
Dấu hiệu ở thị lực: Thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt, tuy nhiên biểu hiện này không rõ ràng nên bên cạnh khó nhận ra. Chỉ có người bệnh khi nhận thấy mình có dấu hiệu này thì nên yêu cầu được cấp cứu ngay.
Dấu hiệu ở mặt: Mặt có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống. Đặc biệt khi người bệnh nói hoặc cười thì sẽ thấy rõ dấu hiệu méo miệng và thiếu cân xứng trên mặt.
Dấu hiệu ở tay: Cảm giác của người bị đột quỵ là tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác. Ngoài ra thì người bệnh cũng cảm thấy đi lại khó khăn, không nhấc chân lên được.
Dấu hiệu qua giọng nói: Người bị đột quỵ có thể gặp triệu chứng nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức thì mới nói được.
Dấu hiệu qua nhận thức: Người bệnh có biểu hiện rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, mắt mờ, tai ù không nghe rõ.
Dấu hiệu ở thần kinh: Người bệnh cảm thấy nhức đầu dữ dội. Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, nhất là người bệnh có tiền sử bị đau nửa đầu.