Thông tin mới nhất về ca mắc COVID-19 tại Hà Nội đang phải thở máy

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Ngày 11/1, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, sức khỏe của bệnh nhân 1.456, người phải thở máy trong những ngày vừa qua đã có dấu hiệu tiến triển tốt lên so với 4 ngày trước.

Hiện phổi của bệnh nhân giảm tổn thương, trao đổi oxy máu tốt hơn, không xuất hiện diễn biến xấu trong quá trình điều trị. Bệnh nhân đang trong quá trình cai máy thở mà không cần phải can thiệp ECMO tuần hoàn ngoài cơ thể.

Bệnh nhân 1465, nữ, quê ở Vũng Tàu, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư từ ngày 2/1, khi mới nhập viện mệt mỏi, rét run, ăn uống kém. Ngày 5/1, bệnh nhân suy hô hấp, phải thở oxy, diễn tiến nặng, được đặt ống nội khí quản, thở máy. 

Cùng lúc đó, người bệnh bị "cơn bão cytokine" tấn công, tổn thương phổi trên 75%, trao đổi oxy máu kém, các bác sĩ cân nhắc can thiệp ECMO nếu tình hình xấu hơn.

Bão Cytokine là hiện tượng hệ miễn dịch cơ thể phản ứng quá mức, giải phóng ồ ạt chất cytokine gây viêm, khiến các cơ quan nội tạng suy kiệt.

Bác sĩ Cấp cho biết, thống kê của y học cho thấy, trên thế giới, cứ 100 bệnh nhân COVID-19 thì có khoảng 20 ca nặng. Trong đó, 4-5 bệnh nhân sẽ diễn biến thành nguy kịch nếu được điều trị và kiểm soát tốt các vấn đề bệnh lý.

Từ 9 đến 12 ca diễn biến thành nguy kịch nếu không được kiểm soát tốt hoặc người bệnh có nhiều bệnh nền. 

Vận dụng kinh nghiệm này, nhóm bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư điều trị cố gắng kiểm soát tình hình, không cho bệnh tiến triển thành nguy kịch, tăng khả năng cứu sống bệnh nhân.

Bệnh nhân 1465 là một trong hai ca nặng, được các chuyên gia trong Tổ Hội chẩn, thuộc Bộ Y tế, hội chẩn trực tuyến sáng 7/1. Ca nặng còn lại là bệnh nhân 1405, 74 tuổi, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.

Đây là cuộc hội chẩn quốc gia đầu tiên sau khoảng ba tháng không ghi nhận các bệnh nhân COVID-19 chuyển biến nặng hay bất thường.

MỚI - NÓNG