Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đến nay Việt Nam đã qua 27 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng. Hoạt động giám sát được triển khai đối với các nhóm nguy cơ như người có triệu chứng cảm, cúm, ho, sốt tại cơ sở y tế; những nơi có đông người lao động; khu vực có nguy cơ dịch tễ…
Hiện mỗi ngày Việt Nam xét nghiệm khoảng gần 2.000 mẫu, và đến nay đã có thực hiện xét nghiệm 275.000 mẫu, phát hiện 288 trường hợp nhiễm COVID-19, phần lớn ở trong cơ sở cách ly. Đánh giá dịch tễ học về nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện rất thấp.
Theo các chuyên gia, hiện nay trên thế giới đang triển khai song song 2 phương pháp xét nghiệm xác định người dương tính với SARS-CoV-2 là xét nghiệm tìm gen virus (phương pháp PCR) và xét nghiệm kháng thể (thường sử dụng để xét nghiệm nhanh).
Phương pháp PCR có độ chính xác cao vì phát hiện trực tiếp gen của virus, nên tại thời điểm dương tính thì bệnh nhân chắc chắn đang có virus SARS-CoV-2 trong người. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi các khâu chuyên môn hóa cao, cần có chuyên gia thực hiện với nhiều máy móc phức tạp, thời gian cho kết quả lâu (vài giờ).
Trong khi đó, phương pháp xét nghiệm nhanh tìm kháng thể có thời gian ngắn, vận hành đơn giản, người làm xét nghiệm không cần thiết phải được đào tạo chuyên biệt, không cần thiết bị đặc biệt kèm theo. Tuy nhiên, phương pháp này có độ nhạy, độ đặc hiệu thấp hơn nhiều so với phương pháp PCR, dễ nhầm và bỏ sót.
Vì vậy, phương pháp PCR thường được dùng để khẳng định lại kết quả xét nghiệm nhanh.
Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, phối hợp cả 2 phương pháp xét nghiệm phát hiện gen (PCR) và xét nghiệm tìm kháng thể (xét nghiệm nhanh) sẽ giúp kiểm soát dịch bệnh nhanh, giảm tải áp lực y tế và tập trung nguồn lực vào điều trị những ca thực sự mắc SARS-CoV-2.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên toàn quốc đã có 58 đơn vị được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định COVID-19.