Chiều cao người Việt kém chuẩn thế giới hơn 10 cm

Đưa trẻ đi khám dinh dưỡng ở một trạm y tế Hà Nội. ảnh: như ý
Đưa trẻ đi khám dinh dưỡng ở một trạm y tế Hà Nội. ảnh: như ý
TP - Tại Hội thảo Quốc tế về Dinh dưỡng người Việt, GS.TS. Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, hiện nay, chiều cao trung bình của người Việt thấp hơn so với chuẩn thế giới hơn 10cm.

Cụ thể, nam thanh niên Việt Nam chỉ đạt 164,4cm và của nữ thanh niên là 153,4cm, thấp hơn so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới lần lượt là 13,1cm và 10,7cm.  Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm cải thiện và thấp hơn so với trung bình của nhiều quốc gia trong khu vực. Các chuyên gia nhấn mạnh, dinh dưỡng hợp lý là yếu tố quan trọng đối với sự tăng trưởng, kiểm soát sức khoẻ, bệnh tật trong các giai đoạn của vòng đời. Dinh dưỡng có vai trò quan trọng với 3 vai trò chính gồm: Tạo điều kiện thuận lợi để có thể có sức khoẻ tốt; Phòng ngừa các bệnh liên quan đến ăn uống; Khôi phục sức khoẻ sau thời kỳ bệnh tật, thương tích.

Vì vậy, theo TS Lê Thị Hợp, đầu tư cho dinh dưỡng xuyên suốt vòng đời không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, mà còn mang ý nghĩa xã hội thiết thực. Đi cùng với sự phát triển của xã hội thì các nguy cơ mới về sức khoẻ đến từ thói quen như: ăn uống mất cân bằng, khẩu phần ăn quá nhiều đạm động vật, sử dụng đồ ăn nhanh nhiều dầu mỡ, dùng nhiều đường tinh luyện dẫn tới bùng phát các bệnh mạn tính không lây (như đái tháo đường, béo phì, tim mạch, ung thư, loãng xương…). Cùng với đó, các vấn đề về dinh dưỡng của lao động trong các khu công nghiệp, trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời; trẻ em lứa tuổi vàng từ mẫu giáo tới tiểu học cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy việc phát triển chiều cao của trẻ phụ thuộc vào di truyền 20%, còn dinh dưỡng, rèn luyện thể thao và môi trường chiếm 80%. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng sự phát triển chiều cao như: khẩu phần ăn thiếu hụt dinh dưỡng trong thời gian dài; môi trường sống không sạch sẽ; trẻ dễ mắc các bệnh tiêu chảy, hô hấp... 

Suy dinh dưỡng ở trẻ em đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi cùng với thiếu vi chất dinh dưỡng đã ảnh hưởng lớn đến phát triển chiều cao, tầm vóc của người Việt Nam. Bên cạnh đó tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng nhanh. Tại TPHCM, trong 10 năm, tỉ lệ béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi đã tăng gấp 3 lần, từ 3,7% lên 11,5%. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, nguồn lực cho công tác dinh dưỡng của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu, chăm sóc dinh dưỡng cho 1.000 ngày đầu đời, dinh dưỡng cho bà mẹ có thai và cho con bú, phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi... chưa được chú trọng. Đa số người dân chưa có nhận thức đầy đủ về dinh dưỡng, thiếu kiến thức về chăm sóc trẻ trong những năm đầu đời, chưa bảo đảm bữa ăn dinh dưỡng hợp lý trong các hộ gia đình, trong học đường và cho người lao động.

Làm gì để cải thiện chất lượng thể chất?

Tại hội thảo, lần đầu tiên, Đề án Dinh dưỡng người Việt với 6 tiểu đề án hướng đến các nhóm đối tượng có nhu cầu dinh dưỡng đặc thù được công bố. Theo đó, đề án kéo dài 10 năm (từ 2018 đến 2028) mang lại giải pháp cải thiện tình trạng dinh dưỡng bằng cách xây dựng thực đơn với năng lượng hợp lý, cân bằng vi chất, đồng thời cung cấp các sản phẩm thích hợp cho mọi đối tượng, từ đó tạo tiền đề cho sự tăng trưởng tối ưu cho trẻ khi trưởng thành, tăng cường sức khoẻ về thể chất của người lao động, người cao tuổi, người mắc các bệnh mạn tính không lây, người tập thể dục thể thao, làm giảm nguy cơ bệnh tật, nâng cao hiệu quả luyện tập, làm chậm quá trình lão hoá, kéo dài tuổi thọ…

MỚI - NÓNG