Cận ngày xét xử, luật Nguyễn Đình Hưng, Vũ Thị Kim Ngọc (Đoàn luật sư TP Hà Nội, bào chữa cho Nguyễn Minh Hùng) cho biết, ông Hùng mắc bệnh cao huyết áp, các luật sư tiếp xúc ông Hùng thì thấy ông Hùng gầy, xanh, sức khỏe và trí nhớ sút giảm.
Dù vậy luật sư cũng cho hay, ông Hùng nhận thức rất rõ về sai phạm của mình trong việc làm thủ tục xin cấp phép nhập thuốc, mong muốn vụ án khép lại, chấp hành hình phạt và sớm về với gia đình. Đáng lưu ý là các luật sư cũng có văn bản gửi các cơ quan tố tụng, đề cập một số nội dung vụ án.
8 giờ sáng 24/9, các bị cáo sẽ hầu tòa trong phiên xử sơ thẩm lần 2 do TAND TPHCM xét xử. Ảnh: Tân Châu
Đến chiều nay (23/9) Hội đồng xét xử (HĐXX) phiên tòa sơ thẩm lần 2 cho biết, phiên xử diễn ra đúng kế hoạch và sẽ do thẩm phán Phạm Lương Toản làm chủ toa, còn có thẩm phán Đoàn Thị Hương Giang.
Đại diện Viện KSND TPHCM giữ công tố tại tòa là các kiểm sát viên bà Nguyễn Quỳnh Lan, ông Nguyễn Nhật Tuấn.
9 thành viện trong Hội đồng giám định Bộ Y tế (các thành viên Kết luận giám định số 31 ngày 22/4/2015 trong vụ án) mà Tòa triệu tập, họ sẽ đến tòa với tư cách Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người giám định; Cục Quản lý Dược (QLD) Bộ Y tế; Viện kiểm nghiệm thuốc TPHCM và Cty VN Pharma là Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; 181 người Tòa triệu tập đến phiên xử với tư cách Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng.
12 bị can hầu tòa trong đó có Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch, Tổng giám đốc VN Pharma), Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Cty TNHH Thương mại Hàng hải quốc tế H&C) cùng bị truy tố tội danh “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”, theo khoản 4 điều 157 Bộ luật Hình sự, có khung phạt lên đến tử hình.
Nội dung vụ án thể hiện trong cáo trạng sẽ công bố vào phiên xử (24/9) cho rằng, ông Nguyễn Minh Hùng đặt mua một số loại thuốc tân dược trong đó có thuốc H-Capita 500mg Caplet chữa bệnh ung thư. Ông Cường, Hùng bàn bạc, thỏa thuận và Cty VN Pharma đã làm thủ tục nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg về Việt Nam để tại kho của Cty VN Pharma.
Để được Cục QLD thẩm định, cấp phép, Hùng và Cường cùng các đồng phạm thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm. Theo cơ quan điều tra, việc giao dịch, mua bán 9.300 hộp thuốc H-Capita được thực hiện qua nhiều công đoạn, với sự tham gia của nhiều người, mức độ tham gia khác nhau. 12 bị can đã phạm tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Vụ án từng đưa ra xét xử và TAND TPHCM xử sơ thẩm lần 1, tuyên phạt 10 bị cáo là Nguyễn Minh Hùng 12 năm tù; Võ Mạnh Cường 12 năm tù; Nguyễn Trí Nhật; 5 năm tù; Ngô Anh Quốc 4 năm tù; Phan Cẩm Loan 3 năm 6 tháng tù; Lê Thị Vũ Phương 3 năm tù; Phạm Anh Kiệt 2 năm tù (án treo); Bùi Ngọc Duy 1 năm 6 tháng tù; Hoàng Văn Thông - dược sĩ: 2 năm tù (án treo) với 2 tội danh “Buôn lậu”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Sau đó vào tháng 10/2017, TAND cấp cao tại TPHCM tuyên án phúc thẩm, hủy bản án sơ thẩm, giao cơ quan điều tra lại và nay các cơ quan công tố đã thay đổi thành một tội danh duy nhất là "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh".
Quan chức cao cấp Trương Quốc Cường có tới phiên xử vụ VN Pharma?
Ông Trương Quốc Cường hiện là Thứ trưởng Bộ Y tế, thời điểm xảy ra vụ VN Pharma là Cục trưởng Cục QLD. Ông Cường là người ký quyết định cho VN Pharma nhập khẩu lô thuốc trong vụ án. Trong số 181 người Tòa triệu tập đến phiên xử với tư cách Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng có ông Trương Quốc Cường.
Chiều 23/9,phóng viên Tiền Phong liên hệ HĐXX phiên tòa ngày mai, tuy nhiên HĐXX không xác nhận hoặc phủ nhận việc ông Cường có đến phiên xử hay không. Một luật sư cho hay, theo khoản 2 Điều 54 Bộ luật Tố tụng Hình sự, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: đến vụ án phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và trình bày trung thực những tình tiết trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Người làm chứng là người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng. Người làm chứng có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của Toà án; Trong trường hợp cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải (theo khoản 4 Điều 55).