Phần thưởng cho cậu bé mồ côi, hiếu học
Bài viết của báo Tiền Phong hơn 8 năm trước chỉ khoảng hơn 800 chữ, trong đó phần viết về nhân vật Nguyễn Thanh Nhân, mồ côi cha từ bé, sống cùng mẹ và bà trong căn nhà tồi tàn, rách nát chỉ vẻn vẹn chưa đầy 300 chữ nhưng lay động lòng người. Ngày đó, vượt qua hoàn cảnh, Nhân thi đậu cùng lúc 2 trường đại học nhưng vì gia cảnh nghèo khó, em không dám nghĩ chuyện đến trường.
Chấp bút kể câu chuyện của em, kèm theo hình ảnh cậu bé với khuôn mặt hiền từ, ngồi cùng bà ngoại ngồi đan lát tre mây đăng trên Tiền Phong lập tức nhận được sự giúp đỡ từ bạn đọc khắp cả nước. Cũng qua bài viết ngắn đó, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã quyết định tài trợ Nhân du học 5 năm ngành dầu khí tại Cộng hòa Azerbaijan. Đợt đó, ngoài Nhân còn có 15 tân sinh viên nghèo khác trên toàn quốc được tài trợ đi du học. Suất học bổng trị giá 50.000 USD (hơn 1,1 tỷ đồng) điều mà Nhân và gia đình nằm mơ cũng không dám nghĩ tới.
Ngày đó, khi hay tin Nhân được nhận học bổng “khủng”, sẽ đi du học nước ngoài, người dân thôn Liễu Trì ai cũng vui vì dân làng đều thương hoàn cảnh và nể phục quyết tâm nỗ lực học giỏi của em. Bà con kéo đến chúc mừng chật kín nhà, khiến bà Nguyễn Thị Thuận, mẹ Nhân xúc động nghẹn ngào. Bà ngoại em Nguyễn Thị Trực già yếu, chỉ biết chắp tay cảm ơn đời vì đã cưu mang giúp đỡ đứa cháu sớm chịu nhiều thiệt thòi.
Không phụ lòng tin yêu
Ròng rã 5 năm trời nơi xứ người, Nhân miệt mài cố gắng để rồi đến năm 2015, em hoàn thành chương trình học và nay trở thành một kỹ sư ngành dầu khí chững chạc, công việc và thu nhập ổn định. Và không phải chờ tháng lương đầu tiên, Nhân mới sửa được nhà cho bà và mẹ. Chính trong những năm tháng du học, bằng việc tằn tiện trong chi tiêu, ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, Nhân tiết kiệm được một ít tiền từ chi phí học hành được tài trợ, gửi về quê để mẹ và bà sửa sang lại nhà tươm tất. Việc làm của Nhân lại một lần nữa khiến mọi người ở quê nghèo nể phục.
Sau 8 năm, liên lạc lại với Nhân, đầu dây bên kia vẫn giọng nói lễ phép như cậu học sinh ngoan hiền thuở nào. Nhân kể lại rằng, 8 năm trước, sau chuyến bay dài, Nhân đặt chân đến Azerbaijan. 18 tuổi, cậu học trò nhà quê xứ Quảng, màu da nâu bước vào Học viện Dầu quốc gia Azerbaijan trong sự bỡ ngỡ. Để có thể hòa đồng, em phải mất mấy tháng đầu, nỗ lực hết mình học tiếng Nga để tập giao tiếp và bắt đầu chương trình học. Trong 5 năm, Nhân chỉ về quê một lần vào giữa kỳ của khóa du học. Xa quê biền biệt nơi xứ người, nỗi nhớ nhà, nhớ bà và mẹ khiến em nhiều đêm thổn thức. Nhưng với quyết tâm Nhân đã vượt qua để hoàn thành chương trình học.
Tháng 5/2015, Nhân trở về Việt Nam với bằng kỹ sư địa vật lý và xin việc vào Liên doanh Dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro), làm việc tại thành phố Vũng Tàu, với mức thu nhập ổn định. Với kiến thức và tính cách năng động, hòa đồng, ngoài chuyên môn công việc, Nhân còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của Đoàn của Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan và được anh em, bạn bè yêu thương, tín nhiệm. Nhân vui vẻ cho hay vừa mới cưới vợ. Vợ em không ai khác chính là cô bạn học cùng lớp “thời hoa niên” Vũ Thị Mỹ Lợi. Vì nể phục nghị lực và quyết tâm của cậu bạn nghèo khó, nên Lợi đem lòng yêu thương dù suốt 5 năm Nhân đi du học biền biệt. Hai người nên duyên, chồng kỹ sư dầu khí, vợ làm tài chính ở một ngân hàng nhà nước, tương lai tươi đẹp cho đôi bạn trẻ đang rộng mở nơi phố biển Vũng Tàu.
“Bài báo Tiền Phong hơn 8 năm trước có 3 nhân vật, nhưng em là người may mắn hơn các bạn khác vì được nhận học bổng du học. Nếu như ngày đó, không được tài trợ học bổng, em cũng không biết mình có thể đến trường, tương lai không biết rồi sẽ ra sao. Em thầm cảm ơn tất cả và càng quyết tâm hơn để không phụ lòng tin yêu mọi người đã dành cho em”, Nhân tâm sự.
Tương lai phía trước, Nhân cho hay sẽ đem sức trẻ và kiến thức học được cống hiến cho công ty để sớm gặt hái thành công, khi có điều kiện sẽ giúp đỡ các em có hoàn cảnh kém may mắn có được tương lai tốt đẹp hơn. “Hoàn cảnh khó khăn đến mấy, nhưng em tin nếu ta cứ nỗ lực hết mình, chăm chỉ học tập phấn đấu thì may mắn và thành công sẽ đến với mỗi người”, Nhân tâm sự.