Học bổng 'Nâng bước Thủ khoa': Chuyện cổ tích của những cậu bé, cô bé

Nhà báo Lê Xuân Sơn chia sẻ với các tân thủ khoa tại chương trình
Nhà báo Lê Xuân Sơn chia sẻ với các tân thủ khoa tại chương trình
TP - Được chọn trao học bổng “Nâng bước Thủ khoa 2018”, người đầu tiên Nguyễn Thị Oanh (khoa Sư phạm tiểu học, trường Đại học Sư phạm Đồng Nai) chia sẻ niềm vui chính là người bố đang bệnh nặng ở làng quê nghèo heo hút huyện Can Lộc (Hà Tĩnh)

Được chọn trao học bổng “Nâng bước Thủ khoa 2018”, người đầu tiên Nguyễn Thị Oanh (khoa Sư phạm tiểu học, trường Đại học Sư phạm Đồng Nai) chia sẻ niềm vui chính là người bố đang bệnh nặng ở làng quê nghèo heo hút huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Oanh nói bố luôn là động lực để bạn vươn lên thay đổi số phận nghèo khó. Ông khuyến khích Oanh vào Nam để con gái được ở gần mẹ và thay đổi môi trường học tập.

Nhà Oanh ở gần Ngã ba Đồng Lộc. Nhà có bảy người, gồm bốn anh chị em, bố mẹ và bà nội đã già yếu. Em út bạn lên 2 thì bố ngã bệnh, không làm được việc nặng,  một mình mẹ xoay xở để lo cho cả một đại gia đình. Mới tí tuổi, Oanh đã theo mẹ bán rau ở chợ quê. Khi Oanh lên lớp 5 thì mẹ em vào Nam tìm sinh kế, mỗi năm mới về một lần. Gánh nặng mưu sinh dồn xuống vai cô bé 11 tuổi. Bà nội trồng rau. Oanh lặn lội xuống thị trấn Nghèn mua thêm rau đưa về chợ bán.

Cứ buổi sáng đến lớp, buổi chiều cô bé lại ra chợ mời người ta mua từng bó rau... Gia đình bữa đói, bữa no nhưng bố cô quyết không cho các con nghỉ học. Học hết lớp 9, cứ đến kỳ nghỉ hè, Oanh lại vào Biên Hòa (Đồng Nai) thăm mẹ và đi làm thêm kiếm tiền... 

Cánh cửa đến giảng đường đại học của Hoàng Đình Thiên Đông (Đại học Giao thông Vận tải TPHCM) không suôn sẻ. Bạn đăng ký một trường đại học của quân đội và đạt 24,75 điểm nhưng vẫn bị đánh rớt vì không đủ sức khỏe. Quê Đông ở một làng ven biển tỉnh Quảng Trị. Bố mẹ dắt díu nhau vào huyện Đắk Lấp (tỉnh Đắk Nông) lập nghiệp từ khi Đông còn trong bụng mẹ. Bạn bè trong lớp được bố mẹ đưa đón còn Đông từ lớp 1 tự đi bộ đến trường cách nhà gần 4 cây số, qua những cánh rừng và lối mòn heo hút.

Lên lớp 5, Đông đã theo bố mẹ đi làm thuê, làm mướn khắp nơi, lượm điều, hái tiêu, bón phân, làm cỏ…cho người ta. Vừa bước chân vào lớp 10, bạn đã tranh thủ những ngày nghỉ học để đi làm thuê phụ giúp bố mẹ lo cho các em. Đông kể rất nhiều lần bạn muốn nghỉ học khi nhìn thấy những giọt mồ hôi túa ra trên gương mặt đen sạm của cha, nước mắt giàn dụa của mẹ. Khi bước vào lớp 12, trong lúc các bạn cùng lớp đang tất bật chọn trường, chọn nghề, Đông lẳng lặng nghỉ học đi làm thuê, làm mướn. Cũng may thầy cô, bè bạn biết tin, hết lòng chia sẻ, động viên Đông trở lại trường.

Đông nói số tiền học bổng em nhận được tương đương ba tháng thu nhập của cả gia đình, rất lớn với gia đình bạn. Đông dự định sử dụng một phần học bổng nộp học phí trong hai học kỳ tiếp theo và số tiền còn dư sẽ mua sách vở, giáo trình, dụng cụ học tập.

“Em nhận ra nếu không học, sau này mình sẽ không thay đổi được số phận và cuộc đời, không thể giúp gia đình được nhiều. Em muốn gửi lời cảm ơn đối với ban tổ chức và các nhà tài trợ và xin hứa sẽ cố gắng để không làm mọi người thất vọng”, Đông nói.

Mục tiêu trước mắt của chàng tân sinh viên Đại học GTVT là điểm trung bình học tập trong 4 năm đại học phải đạt trên 7,5 điểm hoặc 3,0 nếu quy về thang điểm 4 và tốt nghiệp đạt từ loại khá trở lên,… “Ước mơ của em sau này là trở thành một nhà lập trình giỏi chuyên về thiết kế website, phần mềm…”, Đông chia sẻ.

Còn cô giáo tương lai Nguyễn Thị Oanh thì muốn đem con chữ về quê để dạy cho các em nhỏ. Bạn sẽ dùng tiền học bổng "Nâng bước thủ khoa" để học thêm ngoại ngữ, rèn luyện chữ viết vì dạy tiểu học chữ viết giáo viên phải đẹp.

“Em rất vui và tự hào. Đây là số tiền rất lớn từ trước đến giờ em chưa bao giờ có, giúp em trang trải một phần chi phí học tập. Học bổng là động lực để em tiếp tục đi xa hơn, cố gắng nhiều hơn nữa”, Oanh nói.

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.