Sữa học đường tại Hà Nội: Lo ngại của phụ huynh là chính đáng

Trẻ em uống sữa học đường. Ảnh: Hồng Vĩnh
Trẻ em uống sữa học đường. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Ngày 9/10, trả lời tại tọa đàm về sữa học đường, ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ÐT Hà Nội) cho biết, tháng 7/2016, đơn vị đã khảo sát trên 160.000 học sinh, trong đó có 10% phụ huynh chưa đồng ý triển khai chương trình sữa học đường do băn khoăn về chủng loại, hạn sử dụng cũng như an toàn thực phẩm.

Phụ huynh nên tìm hiểu kỹ

Theo ông Tuấn, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở GD&ĐT đã phối hợp các đơn vị triển khai nhiều bước để xây dựng đề án theo quy định. Trong đó có tham khảo kinh nghiệm triển khai tại các quốc gia trên thế giới cũng như các tỉnh. Tháng 7/2016, Hà Nội đã khảo sát trên 160.000 phụ huynh ở nội và ngoại thành về việc triển khai chương trình, trong đó có 10% phụ huynh đang băn khoăn về chủng loại, hạn sử dụng, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Sữa học đường sẽ được Bộ Y tế quản lý về chất lượng sữa. Cụ thể, UBND TP Hà Nội giao Sở Y tế kiểm đếm chất lượng sữa từ các hãng trúng thầu. Hiện nay vẫn trong thời gian đấu thầu, trong quá trình đó hãng sữa nào không đảm bảo chất lượng sữa sẽ bị loại ngay. Từ khi đơn vị mở thầu, có 11 hãng sữa mua hồ sơ đấu thầu.

Ông Tuấn cũng cho rằng, những lo ngại của phụ huynh trước khi chương trình triển khai vào trường học là rất chính đáng. Vì vậy, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ khảo sát đơn vị trúng thầu. Về hạn sử dụng, Hà Nội sẽ quy định chặt chẽ. Ví dụ một trường có hơn 3.000 học sinh thì hãng sữa phải cung cấp hàng ngày. Còn trường có ít học sinh thì một tuần phải cung cấp một lần nên sẽ không có chuyện sữa quá đát vào trường học.

Trước những băn khoăn về dinh dưỡng trong bữa ăn học đường hiện nay, ông Tuấn thông tin, trước đó, Hà Nội cũng đã có những chương trình bữa ăn học đường triển khai ở các trường học từ năm 2015. Trong đó, bộ thực đơn  tiêu chuẩn gồm 10 món do các chuyên gia xây dựng nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh tiểu học trên toàn quốc. Thực đơn này hiện có 3.000/4.000 trường tiểu học ở nhiều tỉnh thành tham gia. Tuy nhiên, một bữa ăn có tới 10 loại thực phẩm chi phí cũng phải đến 20-25.000 đồng, trong khi tại Hà Nội các trường ngoại thành vẫn có mức đóng góp phổ biến cho bữa trưa là 15.000 đồng nên khó thực hiện.

Một điều tra mới nhất cho thấy, khẩu phần ăn của người Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho sự phát triển. “Nếu mức thu chỉ 15.000 đồng/ bữa ăn thì sẽ không có bữa phụ cho trẻ chứ không nói là phải có sữa. Trẻ em ăn ở trường kéo dài 12 năm học, do đó nếu có dinh dưỡng cân đối, sẽ tạo sự phát triển về tầm vóc và trí tuệ”, ông Tuấn nói. 

Cũng theo ông Tuấn, trong quá trình triển khai đề án, những thắc mắc của phụ huynh sẽ được tiếp tục giải thích. Phụ huynh nên tìm hiểu thêm về đề án đã triển khai ở một số nước, điển hình như Nhật Bản. Họ đã đưa sữa vào bữa ăn học đường để cải thiện chiều cao từ rất nhiều năm nay. Nếu phụ huynh băn khoăn, nên xem xét hãng sữa sau khi UBND TP Hà Nội công bố hãng sữa khi đóng thầu. “Mong phụ huynh tìm hiểu kỹ khi đăng ký. Việc đã đăng ký hay sau này mới đăng ký không quan trọng vì hiện tại các trường mới chỉ thăm dò”, ông Tuấn nhấn mạnh. 

Hoang mang vì chưa biết con mình uống hãng sữa nào?

Anh Trần Trọng An, phụ huynh có con học ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ, nhận tờ đăng ký cho con uống sữa học đường, là người có hiểu biết về chính sách này nhưng vẫn cảm thấy hoang mang.

Theo phụ huynh này, anh hoang mang vì loại sữa mà công ty trúng thầu đưa vào trường học là gì, ai giám sát trước khi các con cắm ống hút? Rất nhiều câu hỏi được đặt ra như: mình có thể không đăng ký không khi mà rất nhiều phụ huynh khác cũng đăng ký; Khi các bạn uống sữa, con mình không được uống con sẽ nghĩ gì?... “Trong khi phụ huynh còn nhiều băn khoăn thì thông tin các trường đưa ra hiện nay mới chỉ là tờ phiếu đăng ký mà không trả lời được bất kỳ băn khoăn nào của phụ huynh. Các giáo viên gần như không hiểu lắm về chương trình”, phụ huynh này nói.

Anh An cho biết: “Sau khi tìm hiểu về sữa học đường thì tôi thấy trên thế giới có nhiều nước, trong đó có Mỹ, Nhật, Thái Lan áp dụng chương trình sữa học đường. Chương trình này có nhiều ích lợi nên tôi đã đăng ký cho con tham gia. Tuy nhiên, tôi sẽ tiếp tục theo dõi và sẽ ngừng ngay nếu nhà cung cấp sữa trúng thầu là đơn vị không có uy tín và sữa không đảm bảo chất lượng”.

Anh An cũng dẫn ví dụ về vụ việc xảy ra đầu năm 2018, ở Đồng Nai có 73 học sinh bị ngộ độc đồng loạt sau khi uống sữa. Tuy nhiên, kết quả lấy mẫu sữa tại trường tiểu học này là sữa tươi tiệt trùng có đường, hộp giấy 180ml lại có các chỉ tiêu đạt yêu cầu kiểm nghiệm của Bộ Y tế.

Anh An cũng cho rằng, nếu phụ huynh có tiền, có thể chọn loại sữa riêng cho con mang theo khi đến lớp thì không cần đăng ký. Còn với gia đình đăng ký, nên theo dõi, giám sát kỹ. Sau đó, cần hướng dẫn con nhận biết loại sữa mình uống, hạn sử dụng, tình trạng hộp cũng như nếu phát hiện sữa có mùi, vón cục thì lập tức giữ lại mẫu để báo cho bố mẹ biết.

TS.BS Bùi Thị Nhung, Phó trưởng khoa dinh Dưỡng, Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Sữa và các chế phẩm sữa là 1 trong 8 nhóm thực phẩm được tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo trong bữa ăn hàng ngày. Với trẻ em từ 3-5 tuổi, nên sử dụng 3 sản phẩm sữa/ ngày; trẻ trên 5 tuổi sủ dụng 4 đơn vị sữa 1 ngày…

MỚI - NÓNG
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
TPO - Ngày 11/12, một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một chiếc BMW lấn làn, vượt ẩu trên đèo Dran, tỉnh Lâm Đồng húc văng xe máy xuống mương nước. Sự việc này đã khiến nhiều người bày tỏ bức xúc.
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
TPO - "Sau khi xác định được nguồn vốn, Sở Y tế sẽ trình UBND thành phố để điều chỉnh chủ trương. Nếu hoàn thành các thủ tục, được cấp nguồn vốn, chúng tôi sẽ triển khai dự án trong thời gian sớm nhất”, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ trả lời chất vấn của các đại biểu về dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ- vốn dừng thi công và "đắp chiếu" từ năm 2022 tới nay.