Sữa học đường: Nơi khao khát, chỗ băn khoăn

Chương trình Sữa học đường áp dụng tại Nhật Bản
Chương trình Sữa học đường áp dụng tại Nhật Bản
TP - Đề án sữa học đường có nơi được hào hứng đón nhận, có nơi lại bị phản ứng.

Chương trình được triển khai theo hình thức xã hội hóa, trong đó doanh nghiệp hỗ trợ 20%, nhà nước 30% và 50% còn lại là gia đình. Hiện nay, đã có 10 tỉnh, thành triển khai đề án này gồm: Nghệ An, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu; Bắc Ninh, Đồng Nai… Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành giáo dục, khi đề án vào các địa phương khác, phụ huynh hào hứng đón nhận vì con được uống sữa mà giá thành giảm 1 nửa. Trong khi TP Hà Nội lại bị phụ huynh phản ứng từ khi nhận được thông báo.

Tại Hà Nội, chương trình được phê duyệt triển khai từ năm học  này đến hết năm 2020, sau đó có tổng kết, đánh giá rồi báo cáo để gia tăng thời hạn. Theo đó, chương trình đặt mục tiêu 90% trẻ em mầm non, tiểu học được thụ hưởng chương trình với 5 ngày uống sữa/ tuần, mỗi lần 180ml sữa tươi có đường hoặc không đường.

Chị Trần Thu Trang, có con học tiểu học một trường ở quận Hai Bà Trưng chia sẻ lên mạng xã hội: “Tôi ký vào mục đồng ý cho con tham gia sữa học đường vì cho con học trường công, sẽ chấp nhận những chương trình có tên “tự nguyện” như tiếng Anh liên kết và vô vàn thứ khác”. 

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hà, có con học trường mầm non tại quận Ba Đình chia sẻ, ban đầu chị từ chối tham gia chương trình sữa học đường, vì lớp con chị học lâu nay vẫn cho các con uống sữa bột rất tốt. Ở nhà, mỗi tối trước khi đi ngủ, chị cũng ép con uống hết 180ml sữa tươi nên không cần thiết tham gia loại sữa nào đó mà chị chưa biết tên tuổi. Tuy nhiên, hai ngày sau, cô giáo “năn nỉ” chị đã ký đồng ý.

Trong khi đó, nhà chị Đặng Thị Bình ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh cùng lúc có 5 người con đi học, trong đó 2 đứa học mầm non, học sinh tiểu học. Kinh tế gia đình chị phụ thuộc vào làm nông nên bữa sáng đối với những đứa trẻ này là 1 gói mì tôm như thế cũng là xa xỉ. Theo chị Bình, theo tiêu chuẩn, trẻ con chỉ được ăn sáng hai lần bằng mì tôm còn các hôm khác sẽ là cơm nguội, bánh mì không.

Vì thế, sữa tươi đối với bọn trẻ lại càng xa xỉ, chỉ lúc nào ốm mới được mua 1 dây 4 hộp nhỏ. Chị Bình mong muốn đề án sữa học đường về đến quê chị. Tính ra, 2 đứa con đi học mầm non, tiểu học sẽ hết khoảng 140.000 đồng nhưng ngày nào con cũng được uống sữa là một cái giá quá hời nên chị sẽ cố gắng.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hằng làm nghề buôn thúng bán mẹt ở chợ quê huyện Ba Vì (Hà Nội). Theo chị Hằng, số tiền chị có được hằng ngày vun vén khéo mới đủ tiền mua thức ăn và những thứ lặt vặt. Do đó, thương con nhưng hiếm khi có tiền mua sữa. Vì thế, khi thấy cô giáo thông báo con được uống sữa hằng ngày trên trường chị rất vui và đăng ký cho con tham gia.       

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giám đốc Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng, chương trình cho trẻ uống sữa ở trường rất tốt tuy nhiên nên khuyến khích thực hiện nhiều hơn ở các vùng, khu vực đặc biệt ở nông thôn, miền núi hoặc khu vực khó khăn.

MỚI - NÓNG