Sửa Hiến pháp: Cần phân định rõ quyền của dân

TP - Hôm qua, Quốc hội đã thảo luận về chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp.

> Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là cần thiết

Đại biểu Trần Du Lịch. Ảnh: Hồng Vĩnh .

Theo tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), việc sửa đổi Hiến pháp 1992 để thể chế hóa kịp thời đường lối, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đại hội Đảng XI; ghi nhận những thành quả của cách mạng và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau 25 năm đổi mới…

UBTVQH đề nghị QH tại kỳ họp này ban hành nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp do Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch ủy ban này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, sẽ phấn đấu trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần thứ nhất vào kỳ họp cuối năm 2012. Sau đó tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân trong thời gian 2 tháng, từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2013. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến hoàn chỉnh dự thảo và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào giữa năm 2013.

 

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng, lộ trình như vậy là quá gấp, thời gian tổng kết việc thực hiện Hiến pháp 1992 chỉ có 4 tháng. Về nội dung sửa đổi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, cần tập trung nghiên cứu sửa đổi chương về bộ máy nhà nước. Trong đó, phải giải mã rạch ròi “quyền lực nhà nước là thống nhất”.

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) đồng tình, Hiến pháp quy định Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thì phải phân định rõ ràng quyền của dân nằm ở đâu. Trong việc sửa đổi lần này nên làm rõ vấn đề dân ủy quyền cho Quốc hội đến đâu, trong phạm vi nào. Còn lại, phạm vi nào là người dân trực tiếp quyết định.

Theo Báo giấy