Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, những quy định về đấu giá trực tuyến trong Luật Đấu giá tài sản và Nghị định 62/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu giá tài sản đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, không đảm bảo tính thống nhất trong thực tiễn tổ chức thực hiện. Vậy thực trạng cụ thể khi áp dụng Luật Đấu giá tài sản và Nghị định 62/2017/NĐ-CP hiện nay như thế nào? Những nút thắt nào đang cần được tháo gỡ?
Những phân tích, chia sẻ của Bà Nguyễn Thị Mai - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đưa ra trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ giúp quý vị có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này.
PV: Trước tiên xin cảm ơn Bà Nguyễn Thị Mai đã nhận lời tham gia bài phỏng vấn. Thưa bà, trình tự thực hiện cuộc đấu giá tài sản theo hình thức trực tuyến hiện nay đang được quy định như thế nào? Và những quy định này khi đi vào thực tế triển khai thì có gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì không, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Mai - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp:
Theo quy định của pháp luật hiện hành, trình tự, thủ tục một cuộc đấu giá trực tuyến được thực hiện trên cơ sở kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Cụ thể là, việc niêm yết, thông báo công khai về việc đấu giá, đăng ký tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ và tiền đặt trước của người tham gia đấu giá được thực hiện trực tiếp, chỉ có cuộc đấu giá là được thực hiện trực tuyến. Cách thức tiến hành cuộc đấu giá “nửa trực tiếp, nửa trực tuyến này” trong thực tế cho thấy còn một số bất cập như sau:
Thứ nhất, chưa khai thác hết các ưu thế, tính năng của hình thức đấu giá trực tuyến (hoàn toàn trên môi trường mạng, hạn chế tiếp xúc giữa người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản). Người tham gia đấu giá vẫn phải thực hiện nhiều thủ tục trực tiếp, gây lãng phí thời gian và chi phí.
Thứ hai, một số tổ chức đấu giá tài sản thực hiện các trình tự, thủ tục nêu trên theo cả phương thức trực tuyến và trực tiếp dẫn đến nguy cơ khiếu nại về cách thức và thời điểm tiếp nhận hồ sơ, tiền đặt trước.
Thứ ba, một số tổ chức đấu giá cố tình sử dụng các ứng dụng như Zalo, Zoom, Microsoft Team (không phải là phần mềm đấu giá trực tuyến được phê duyệt theo quy định của Luật Đấu giá tài sản) để tổ chức cuộc đấu giá, vi phạm trình tự thủ tục đấu giá, tiềm ẩn nguy cơ thông đồng, dìm giá, gây thất thoát tài sản Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
PV: Thưa bà, trước hạn chế của Nghị định 62 trong quy trình tổ chức đấu giá trực tuyến, Bộ Tư pháp đã có những đề xuất và giải pháp gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Mai - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp:
Để giải quyết các hạn chế, vướng mắc nêu trên, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều về biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản. Theo đó, trường hợp người có tài sản lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến thì trình tự, thủ tục đấu giá (từ niêm yết, thông báo công khai, bán và tiếp nhận hồ sơ, tiền đặt trước của người tham gia đấu giá đến tổ chức cuộc đấu giá/công bố giá) sẽ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng. Người tham gia đấu giá sẽ được tổ chức đấu giá cấp mã định danh và tài khoản để tham gia đấu giá. Với quy trình này, cuộc đấu giá được thực hiện trên nền tảng trực tuyến một cách triệt để, người tham gia có thể tham gia đấu giá từ bất cứ nơi nào mà không cần phải đến nơi có tài sản hay trụ sở tổ chức đấu giá để thực hiện các thủ tục đấu giá.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về xây dựng Trang thông tin đấu giá trực tuyến quốc gia (do cơ quan quản lý nhà nước về đấu giá tài sản ở Trung ương xây dựng, quản lý và vận hành), tích hợp với Cổng thông tin đấu giá tài sản quốc gia đang hoạt động hiện nay nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hình thức đấu giá tài sản trực tuyến. Việc xây dựng Trang thông tin đấu giá trực tuyến quốc gia là tiền đề hướng tới việc đấu giá bằng hình thức trực tuyến qua Trang này đối với tài sản công và tài sản mà theo quy định của pháp luật phải xử lý dưới hình thức đấu giá, qua đó, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản, góp phần vào việc xử lý tài sản công khai, minh bạch nhằm tối đa hoá lợi nhuận của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
PV: Thưa bà, vậy khi Trang thông tin đấu giá quốc gia được triển khai thì các Trang đấu giá trực tuyến do các tổ chức đấu giá tài sản xây dựng và được phê duyệt liệu có phải chấm dứt hoạt động không? Trong trường hợp những trang này không phải chấm dứt hoạt động thì có cần phải đáp ứng những điều kiện đặc biệt gì để tồn tại song song với hệ thống mạng đấu giá quốc gia không?
Bà Nguyễn Thị Mai - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp:
Dự thảo Nghị định trình Chính phủ quy định theo hướng duy trì hai hệ thống đấu giá trực tuyến tồn tại song song: trang đấu giá trực tuyến quốc gia và trang đấu giá trực tuyến của các tổ chức đấu giá tài sản. Điều này có nghĩa là trang đấu giá trực tuyến do các tổ chức đấu giá tài sản xây dựng và đang vận hành vẫn tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của hoạt động đấu giá tài sản, nhất là trong bối cảnh trên 99% tài sản đấu giá ở nước ta là tài sản công và tài sản mà theo quy định của pháp luật phải xử lý dưới hình thức đấu giá như tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm… dự thảo Nghị định cũng bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về yêu cầu công nghệ, bảo mật thông tin.
PV: Thưa bà, nếu để từng tổ chức đấu giá tài sản vận hành riêng trang thông tin của mình, song song cùng với trang điện tử đấu giá trực tuyến thống nhất do cơ quan quản lý nhà nước là đầu mối vận hành thì sẽ cần phải có những biện pháp quản lý như thế nào ạ?
Bà Nguyễn Thị Mai - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp:
Như trên đã trình bày, nhằm nâng cao hiệu quả, tính năng bảo mật, công khai, minh bạch của các trang đấu giá trực tuyến của các tổ chức đấu giá tài sản, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 62/2017/NĐ-CĐ đưa ra các yêu cầu cao hơn về nền tảng công nghệ, hạ tầng kỹ thuật, đối với các trang này. Các tổ chức đấu giá tài sản đang vận hành các trang đấu giá trực tuyến có nghĩa vụ nâng cấp, hệ thống để đáp ứng yêu cầu mới, nếu không đáp ứng yêu cầu thì sẽ phải dừng thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến.
Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của các bên liên quan (tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá…) khi sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến. Với các quy định chặt chẽ như vậy, chúng tôi hy vọng có thể khắc phục được các bất cập khi sử dụng hình thức đấu giá trực tuyến như hiện nay.
Xin cảm ơn bà!
Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.
Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/
Kính mời bạn đọc theo dõi!