Sửa đổi Luật Thanh niên: Tạo động lực cho lớp trẻ

Các đảng viên trẻ tiêu biểu tham dự chương trình tổng kết đợt hoạt động cao điểm "Tuổi trẻ Việt Nam nhớ lời Di chúc theo chân Bác" Ảnh: Như Ý
Các đảng viên trẻ tiêu biểu tham dự chương trình tổng kết đợt hoạt động cao điểm "Tuổi trẻ Việt Nam nhớ lời Di chúc theo chân Bác" Ảnh: Như Ý
TP - “Nếu như chúng ta chọn cách an toàn để soạn thảo, nhưng không tạo được sự đột phá của một luật sửa đổi mới và không tạo được động lực cho thanh niên, thì luật sẽ chỉ nằm trên giấy, không thể thực hiện được trong thực tế…”.

Đó là ý kiến của anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), ngày 28/8. Hội nghị còn có sự tham gia của Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương, các đại biểu nguyên là cán bộ, lãnh đạo Đoàn, các chuyên gia, nhà khoa học. Hội nghị diễn ra trong suốt hơn ba giờ đồng hồ, bỏ qua cả phần giải lao.

Cần chính sách dành cho đối tượng thanh niên tài năng

Từng làm công tác Đoàn- Hội với vai trò là Bí thư Thành Đoàn Hà Nội, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nêu vấn đề: “Nhiều thanh niên có nguyện vọng cống hiến, nhưng môi trường và hành lang pháp lý hỗ trợ, đáp ứng nguyện vọng chính đáng này hiện nay ra sao? Lý do gì không ít thanh niên tài năng không tha thiết với khu vực công? Những năm gần đây, Hà Nội đã có chính sách ưu đãi với đối tượng thanh niên này, nhưng nhìn vào kết quả thực hiện thì sao?...”.

Góp ý dự thảo Luật Thanh niên sửa đổi, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, dự thảo Luật cần hình thành được hành lang pháp lý, chính sách cho sự cống hiến của thanh niên. “Nếu không có chính sách dành cho đối tượng thanh niên tài năng này, hoặc có chính sách nhưng lại không thỏa đáng thì không bao giờ chúng ta thu hút được họ”, ông Hiểu nhấn mạnh.

Ông Hiểu cho rằng đối tượng thanh niên tại các khu công nghiệp được quy định trong dự thảo Luật chưa rõ ràng, cần có một quy định trách nhiệm cụ thể của chính quyền địa phương hay chế tài cụ thể như trích một phần kinh phí để chăm lo cho đời sống, y tế cho công nhân; giáo dục cho con em của những người đang đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của địa phương.

Ông Vũ Mão, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ vai trò của các bên liên quan, của chủ thể trong luật. “Bản dự thảo Luật lần này chưa nói rõ về vai trò quản lý nhà nước đối với công tác thanh niên. Chương nói về trách nhiệm nhà nước còn bao gồm nhiều chủ thể, chưa đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các chủ thể tham gia vào quá trình thực thi pháp luật”, ông Vũ Mão nói và cho rằng dự thảo Luật chưa nêu bật vai trò của Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam, suy giảm vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức của thanh niên như Hội LHTN Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam.

Tạo diện mạo mới cho Luật Thanh niên sửa đổi

Ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cho rằng dự thảo Luật tiếp cận với quyền và nghĩa vụ của thanh niên chưa đặc thù và còn rải rác. Dự thảo Luật cần tập trung hơn vào 3 nhân tố chính trong quyền và nghĩa vụ của thanh niên, gồm: Học tập và rèn luyện; bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội; xây dựng và phát triển kinh tế xã hội. “Luật thanh niên không phải chỉ để giải quyết nguyện vọng, yêu cầu của thanh niên mà còn phải hỗ trợ, tiếp sức và khơi dậy trong thanh niên mong muốn được học tập, rèn luyện và cống hiến. Muốn vậy, cần có những chính sách thực sự phù hợp, cũng như trách nhiệm rõ ràng, cụ thể của các cấp bộ ngành, quản lý nhà nước để kêu gọi, thúc đẩy thanh niên thực hiện”, ông Kim nhấn mạnh.

Tại hội nghị, anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn tiếp thu những góp ý và đề nghị Ban soạn thảo tổng hợp ý kiến để trình Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi. “Quan điểm và mong muốn của T.Ư Đoàn là làm sao có thêm được nhiều chính sách tốt cho thanh niên. Chính sách tốt có thể có nội dung đã quy định trong những luật khác. Luật thanh niên được xem là quy định cho lực lượng quan trọng, thế hệ quyết định tầm vóc của Việt Nam. Do đó, càng thêm nhiều chính sách mới, quy định cụ thể tốt hơn những điều đang có thì càng tốt”, anh Phong nói.

Theo anh Lê Quốc Phong, cần làm rõ hơn vai trò, cơ chế vận hành và trách nhiệm của những cơ quan liên quan được nhắc đến trong dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi). Bởi trách nhiệm càng cụ thể rõ ràng, cơ chế giám sát, thực thi luật càng hiệu quả hơn. Anh Lê Quốc Phong mong muốn, Bộ Nội vụ sẽ lắng nghe tiếp thu để tạo nên diện mạo mới cho Luật Thanh niên sửa đổi lần này.

Sau 13 năm thực hiện Luật Thanh niên cho thấy việc ban hành luật đã tạo cơ sở pháp lý cho việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng, phát huy thanh niên; tác động tích cực đối với phong trào thanh niên, phát huy vai trò của tổ chức thanh niên, trong đó trung tâm là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên... Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Thanh niên hiện hành cũng bộc lộ một số tồn tại, bất cập. Do vậy, việc sửa đổi Luật Thanh niên năm 2005 là cần thiết.

MỚI - NÓNG