Sữa đậu nành gây ngộ độc, tử vong?

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Đầu năm có vụ việc bé trai tại Trung Quốc bị chết do uống sữa đậu nành tự nấu tại nhà khiến các bà mẹ ở đứng ngồi không yên bởi đây cũng chính là thói quen của không ít người.

Tử vong vì hiện tượng sữa sôi giả

Một người phụ nữ họ Vương nghe nói sữa đậu nành có dinh dưỡng khá cao nên đã quyết định đi mua đậu tương về tự làm sữa đậu nành cho cả nhà cùng uống. Vào buổi sáng hôm ấy, như thường lệ, bà đưa cho cậu con trai một cốc sữa đậu nành vừa mới đun để uống. Thậm chí, bà còn chuẩn bị sẵn một bình sữa để cậu bé mang tới trường dùng trong giờ giải lao.

Tuy nhiên, đáng buồn thay, cậu bé sau khi đến trường bắt đầu có các triệu chứng buồn nôn, nôn mửa và khó thở. Cơ quan điều tra Trung Quốc kết luận: cái chết của cậu bé là do chính bình sữa đậu nành mà người mẹ làm.

Thông tin trên khiến nhiều bà mẹ ở Việt Nam băn khoăn. Họ lưỡng lự không biết có nên tự làm sữa đậu nành nữa hay không. Trước luồng dư luận nên từ bỏ việc làm này, ThS.BS. Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định: “Không phải ai uống sữa đậu nành đều bị tử vong cả. Trường hợp em bé tại Trung Quốc bị chết đó là do dị ứng cực mạnh với enzin hủy phân chất đạm có tên là Trypsin có trong đậu nành. Chất này nếu được đun sôi kỹ sẽ bị phá hủy và không còn gây hại. Trong tình huống trên, có lẽ, bà mẹ đã không đun sữa kỹ do bị hiện tượng sôi giả đánh lừa, khiến hàm lượng Trypsin vẫn còn. Một cách nôm na, bạn có thể hiểu rằng: trong sữa đậu nành sống có chứa Trypsin, saponin và một số chất không có lợi khác, thế nên, nếu uống sữa đậu nành sống hoặc không được đun sôi kỹ sẽ gây ra buồn nôn, nôn, đau bụng đi ngoài…thậm chí ngộ độc, tử vong".

ThS.BS. Lê Thị Hải cho biết thêm: sữa đậu nành khi đun thường có hiện tượng sôi giả. Đó là do trong đậu nành sống có chứa saponin. Khi chất này hòa tan vào nước, nó có tác dụng làm giảm sức căng bề mặt của dung dịch, tạo ra nhiều bọt. Vì vậy, các bà mẹ thường nhầm tưởng là sữa đậu nành đã sôi và tắt bếp. Do đậu nành chưa được đun sôi kỹ nên enzin thủy phân chất đạm Trypsin vẫn tồn tại và gây ra ngộ độc.

Chính vì vậy, ThS.BS. Lê Thị Hải khuyên mọi người khi đun sữa đậu nành cần phải đun sôi từ 10-15 phút sau đó mới nên tắt bếp. “Ở nhiệt độ cao enzim thủy phân chất chất đạm Trypsin sẽ bị phá hủy. Khi đó sữa đậu nành sẽ an toàn hơn”.

Cũng theo ThS.BS. Lê Thị Hải thì các loại đậu, đỗ rất dễ gây dị ứng cho trẻ nhỏ. Do vậy, khi chon con uống cần phải hết sức thận trọng, theo dõi phản ứng của trẻ để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Vị chuyên gia này cũng cho rằng không nên dùng sữa đậu nành cho trẻ dưới một tuổi.

Không đựng sữa nóng vào túi nilon

Hiện nay, chúng ta vẫn có thói quen mua sữa đậu nành tại chợ được đóng trong túi nilon về nhà uống. Thế nhưng, theo ThS.BS. Lê Thị Hải việc mua sữa đậu nành đựng trong túi nilon là cực kỳ nguy hiểm bởi người bán hàng thường đóng, chia sữa khi nó còn nóng. Nếu đựng trong túi nilon, các chất độc trong túi sẽ phai ra, cực kỳ nguy hiểm tới sức khỏe.

Cụ thể, nếu uống nhiều sữa đậu nành đựng trong túi nilon có thể gây ra ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hoá... Để đảm bảo sức khỏe chỉ nên mua sữa đậu nành được đựng trong chai, lọ thủy tinh hoặc hộp nhựa chuyên đựng thực phẩm.

Đối với các mẹ làm sữa đậu nành tại nhà, ThS.BS. Lê Thị Hải khuyên nên uống sữa ngay sau khi làm để đảm bảo dinh dưỡng. Trong trường hợp uống chưa hết có thể bảo quản trong tủ lạnh, nhưng phải đảm bảo dụng cụ đựng sữa cũng như tủ lạnh phải sạch để tránh nhiễm khuẩn.

Sữa đậu nành là thức uống bổ dưỡng có nhiều điểm tương tự với sữa bò. Dù hàm lượng canxi ít hơn, song lượng protein trong loại sữa này nhiều ngang ngửa sữa bò. Không chỉ vậy, sữa đậu nành có ưu điểm là không có lactose, có thể thay thế sữa bò cho những người dễ bị bất dung nạp đường lactose do thiếu men lactaza.

Ngoài ra, sữa đậu nành không chứa chất béo bão hòa như sữa bò, có lợi cho tim mạch hơn. Nó cũng không có casein như sữa bò - một protein có thể tạo ra histamine và tăng sản xuất chất nhầy trong cơ thể.

Tuy nhiên, khi uống sữa đậu nành mọi người cũng không nên uống quá 500ml/ngày, nếu không dễ dẫn đến đầy bụng, đi ngoài do các chất dinh dưỡng không đựợc hấp thu hết, gây ảnh hưởng không tốt đến tiêu hóa.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG