Ảnh NetMode |
Một sự hụt hẫng quá lớn đối với tôi. Làm sao bây giờ?! Để có được cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2004 diễn ra ở Tuần Châu, chúng tôi đã phải vượt qua biết bao khó khăn, áp lực, nhiều khi tưởng như bó tay.
Đầu năm 2003, vụ hoa hậu Mai Phương “mất tích” đã làm chấn động dư luận. Khi Mai Phương trở về nhà và cho báo chí biết, cô đã bỏ nhà đi chơi với một người bạn gái thì dư luận rào lên chỉ trích… (vụ này, xin hầu bạn đọc ở phần sau của cuốn sách này).
Tiếp đến là cuộc thi người đẹp tuổi hoa do một ban của T.Ư Đoàn tổ chức đã xẩy ra nhiều sơ suất dẫn đến đợt chỉ trích không thương tiếc của dư luận. Báo chí trong Nam, ngoài Bắc rào lên chuyện bán “lúa non”… Rồi Bộ GD&ĐT ra chỉ thị không cho học sinh đang học trung học thi… Thôi thì đủ thứ!
Để có giấy phép cho cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2004, chúng tôi đã phải tới “gõ cửa” rất nhiều nơi, gặp nhiều đồng chí cán bộ cao cấp để trình bày…
Tôi còn nhớ, cuộc họp để quyết định có xin phép Bộ VHTT cho báo Tiền phong thi Hoa hậu Việt Nam hay không do đồng chí Hoàng Bình Quân, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn chủ trì có đủ tất cả các thành viên trong Ban Bí thư.
Trước tình hình dư luận bất lợi như vậy, mọi người đều thận trọng…
Ngay trong tòa báo, cũng có người không muốn tổ chức.
Ảnh: Hồng Vĩnh |
Sau khi có được giấy phép của Bộ VHTT, một vấn đề nan giải nữa là “vấn đề đầu tiên – tiền đâu”?
Trước đó mấy tháng, một Công ty TNHH đã ký với chúng tôi bản cam kết độc quyền lo tài trợ cuộc thi. Theo bản cam kết này, phía Công ty TNHH nọ hứa sẽ có đủ 200 đến 250 ngàn đô la Mỹ và phía họ được hưởng 15 đến 25% hoa hồng.
Buổi đầu, chúng tôi cũng hơi yên tâm, nhưng càng gần đến ngày diễn ra cuộc thi vòng sơ khảo khu vực phía Nam và phía Bắc, phía đối tác vẫn chưa tìm được một nhà tài trợ nào…
Phải nói thêm rằng, từ cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất do báo Tiền phong tổ chức diễn ra năm 1988 là không có tài trợ, toàn bộ kinh phí do báo bỏ ra.
Các cuộc thi hoa hậu do báo tổ chức về sau đều có nhà tài trợ. Tất nhiên, số tiền tài trợ chưa bao giờ đủ cho cuộc thi. Báo Tiền phong phải bỏ ra cho mỗi cuộc thi ít nhất cũng hàng trăm triệu đồng, có khi tiền tỷ.
Chúng tôi coi đó là chi phí cho những hoạt động xã hội của báo nhằm tôn vinh cái đẹp và định hướng thẩm mỹ cho tuổi trẻ, thu hút tuổi trẻ đến với tờ báo, đến với tổ chức Đoàn, tổ chức Hội.
Tình hình đã đến lúc “nhìn thẳng vào sự thật”, trong một cuộc họp toàn cơ quan, tôi đã phải kêu gọi cán bộ, công nhân viên ai tìm được tài trợ cho cuộc thi, Ban tổ chức sẽ trích 15% hoa hồng thưởng cho người đó!
Mấy ngày sau, nhà báo Thanh Chung, Phó Giám đốc Công ty Tiền Phong báo cho tôi một tin vui: Có một cơ quan đang xem xét việc nhận làm tài trợ chính cho cuộc thi. Tuy nhiên họ còn một số điều băn khoăn.
“Chị Hoài Anh, Giám đốc Công ty Thủy Lộc nói là có quen biết anh. Anh thử gọi điện cho chị ấy xem sao”. Hoài Anh, tôi nhớ ra rồi. Tôi đã từng đi công tác ở Nhật Bản với Hoài Anh. Lần đó, chúng tôi tham dự một cuộc hội thảo quốc tế về mỹ phẩm. Hoài Anh là đại diện độc quyền cho hãng SHISEIDO ở Việt Nam.
Là một thiếu nữ Hà Nội xinh đẹp, sau khi tốt nghiệp đại học, do một vài trắc trở riêng tư, Hoài Anh vào Sài Gòn lập nghiệp. Trở thành bà chủ trẻ với Công ty Thủy Lộc, Hoài Anh đứng vào hàng “đại gia”.
Tôi có cảm tình với Hoài Anh vì cách ứng xử rất chân tình của một người, tuy còn trẻ nhưng đã tỏ ra từng trải và hiểu biết. Là một doanh nhân, hàng ngày phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thương trường, Hoài Anh vẫn tỏ ra là người yêu cái đẹp và có bản lĩnh văn hóa vững vàng.
Sau khi gọi điện trao đổi, một số băn khoăn được giải tỏa, Hoài Anh chính thức nhận lời làm nhà tài trợ chính cho cuộc thi.
Tuy số tiền tài trợ không được như ban tổ chức mong muốn đối với một nhà tài trợ chính (giấy mời tài trợ chính phải từ 100 đến 150 ngàn đô la Mỹ), nhưng Hoài Anh chỉ có sáu bảy chục ngàn. (Sau đó, Công ty TNHH Dệt may Thái Tuấn có nhận tài trợ phụ, chủ yếu là sản phẩm vải lụa).
Sau khi nhận làm tài trợ chính cho cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2004, Hoài Anh đã quyết định nhận làm tài trợ độc quyền cho cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2006 do báo Tiền phong tổ chức.
Ảnh: Hồng Vĩnh |
Trở lại với cái đêm đau đầu ấy, thú thực, tôi không còn hy vọng gì nữa khi á hậu Ngọc Oanh nói với tôi: “Huyền là người rất tốt anh ạ, em cũng không muốn tin là chuyện ấy có thực. Nhưng, việc em nhìn thấy Huyền với cái đầu trọc lốc là có thật, em cam đoan là như vậy”.
Gần một giờ sáng, tôi vẫn đi lại trong phòng, đầu óc căng như dây đàn. Nếu điều đó là sự thật! Một vụ “xì căng đan”, báo chí đưa tin, người ta đồn thổi…
Không chọn Huyền, Trân, sẽ chọn ai để trao vương miện? Cuộc thi hoành tráng quy mô, lần đầu tiên truyền hình trực tiếp… Sẽ phải giải thích thế nào trước hàng triệu người xem qua màn ảnh nhỏ! Vì sao không chọn Huyền, không chọn Chân Trân?!
Tôi liền nhớ tới cuộc thi Hoa hậu toàn quốc 1992 do báo Tiền phong tổ chức diễn ra ở nhà thi đấu Phan Đình Phùng, thành phố Hồ Chí Minh. Lần ấy có hai người đẹp luôn theo điểm sát nhau qua các vòng thi là Hà Kiều Anh và Đ.X.M.
Về một khía cạnh nào đó, Đ.X.M còn đẹp hơn, rực rỡ hơn Hà Kiều Anh. Gần đêm chung kết, tôi cũng đã nhận được một lá đơn tố cáo Đ.X.M có con (tuy không có chồng).
Sau khi xác minh, điều tố cáo đó là đúng sự thật. Đ.X.M đã có một đứa con, hiện đang gửi cho một người bà con nuôi. Ban tổ chức họp và quyết định “đánh bài ngửa”, gọi Đ.X.M đến, nói rõ là em đã phạm quy, cách tốt nhất là em cáo ốm ở nhà, không lên sân khấu nữa.
Buổi đầu, Đ.X.M không chịu. Giáo sư Nguyễn Quang Quyền (ông đã mất do tai nạn xe máy) cùng với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều ở trong ban giám khảo bảo tôi để các anh thuyết phục cho. Đ.X.M đồng ý.
Thế nhưng, đến đêm thứ hai của vòng chung kết, lại thấy Đ.X.M xuất hiện. Giáo sư Quyền giận quá kéo Đ.X.M ra, ông chỉ vào mặt và bảo: “Này, nếu cô không nghe lời, chúng tôi sẽ công bố với báo chí là cô đã có con… chưa chồng mà có con nghe chưa…”. Lúc ấy, Đ.X.M mới chịu về.
Sáng hôm sau, mọi người hốt hoảng báo tin cho tôi: Đ.X.M đã tự tử!
Hồng Tuyến, Hồ Ánh, Trưởng phó ban đại diện của báo ở TP Hồ Chí Minh vội vàng vào bệnh viện. Đ.X.M nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, mắt nhắm nghiền.
Chúng tôi mời giáo sư Nguyễn Quang Quyền đến. Ông là nhà trắc học cũng là một thầy thuốc giỏi nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài. Ông đã từng giảng dạy ở nhiều trường đại học lớn tại Pháp, tại Anh.
Giáo sư Quyền vào bệnh viện, ông suy xét một lúc, hỏi chuyện những học trò của ông ở đó rồi bảo: “Không sao đâu. Nó đóng kịch đấy”. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn thay nhau động viên thăm hỏi Đ.X.M, cho tới lúc cô ta rời bệnh viện.
Cuộc thi Hoa hậu toàn quốc 1992 thành công vang dội. Anh Hai Tân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban TTVH Trung ương đã bảo tôi ngay sau đêm chung kết : “Dân ở đây cho rằng: Đã lâu mới có một sự kiện văn hóa gây chấn động như vậy!”.
Đó cũng là năm Hà Kiều Anh đăng quang hoa hậu.
Liệu có như lần trước chúng tôi phải vận động Nguyễn Thị Huyền và Trịnh Chân Trân rút ra khỏi đêm thi chung kết với lý do cáo ốm như Đ.X.M hay không?
Tiếng chuông điện thoại cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.
Ông chủ đảo Tuần Châu xinh đẹp gọi điện. Ông muốn gặp tôi nói chuyện.
Hơn 12 giờ đêm. Đào Hồng Tuyển tự lái xe đến nơi tôi ở. Chúng tôi cùng đi bộ dọc bãi biển thơ mộng của đảo Tuần Châu.
Không biết bằng cách nào, Đào Hồng Tuyển đã biết chuyện. Ông cũng lo lắng không kém gì chúng tôi.
Trong đêm tổng duyệt, tôi cùng Đào Hồng Tuyển và nhà báo Thanh Chung ở ngoài sân khấu hàng giờ đồng hồ. Khi mọi người về nhà hết, chúng tôi vẫn ngồi lại giữa hàng ghế khán giả trong màn sương đêm thấm lạnh, trao đổi bàn bạc nhiều điều sao cho đêm chung kết diễn ra tốt đẹp nhất.
Ảnh: Hồng Vĩnh |
Tôi hỏi ông trong những người đẹp dự thi, ông “chấm” người nào! Đào Hồng Tuyển đưa ra nhận xét cũng gần giống ý kiến của Ban giám khảo. Hai thí sinh mà ông cho là đẹp nhất cuộc thi là Nguyễn Thị Huyền và Trịnh Chân Trân. “Nếu là thành viên ban giám khảo, ông chấm người nào là hoa hậu”.
Đào Hồng Tuyển suy nghĩ một lát rồi nói: Tôi chọn Trịnh Chân Trân. Nhưng đêm ấy, sau khi tôi về đến nhà, độ gần một giờ sáng, ông lại gọi điện cho tôi bảo: Tôi nghĩ lại rồi, Nguyễn Thị Huyền là Hoa hậu, Trịnh Chân Trân á hậu… (Sau này, Trịnh Chân Trân ngoài danh hiệu á hậu 1, người được khán giả bình chọn nhiều nhất còn đoạt danh hiệu “Người đẹp Tuần Châu”. Cô về làm việc cùng Đào Hồng Tuyển một thời gian ở Tuần Châu).
“Nếu hai người đó có vấn đề, sẽ chọn ai làm hoa hậu?”. Đào Hồng Tuyển hỏi tôi, như chính anh đang tự hỏi mình vậy. “Không có ai bằng họ cả, không có ai…”. Đào Hồng Tuyển lại tự bảo mình.
Đúng là không có thật. Không thể chọn ai là hoa hậu nếu Huyền và Trân có vấn đề!”. Hay là ta không chọn hoa hậu nữa”, có người đã bảo tôi như vậy trong cuộc thi hoa hậu toàn quốc năm 1990.
Lần đó ban giám khảo trong cuộc họp cuối cùng không thể nào đi đến thống nhất chọn ai làm hoa hậu. Một nửa ủng hộ người đẹp Vân Anh (TP Hồ Chí Minh), một nửa ủng hộ Nguyễn Diệu Hoa (Hà Nội). Hai giám khảo ở TP Hồ Chí Minh dứt khoát phản đối việc chọn Diệu Hoa, hai giám khảo ở Hà Nội kiên quyết không chọn Vân Anh.
Tôi là trưởng ban giám khảo, rất đau đầu. Tôi đã phải họp ban tổ chức để trao đổi. Ngay trong ban tổ chức, ý kiến cũng rất khác nhau. Có người bảo: Chọn Diệu Hoa, có người bảo: Vân Anh. Có ý kiến bảo: Thôi, không chọn hoa hậu nữa, chỉ chọn á hậu thôi!
Một cuộc thi hoa hậu mà không có hoa hậu, thật buồn cười. Thật không thể tưởng tượng được. Những cuộc thi khác, nếu không có giải nhất, chỉ có giải nhì hay giải ba cũng không sao. Nhưng thi hoa hậu mà không có hoa hậu thì… Lần ấy tôi đã quyết định. Nếu phần thi ứng xử, ai trả lời xuất sắc, sẽ chọn người đó là hoa hậu. Cuối cùng, Diệu Hoa đã đăng quang.
Thấy tôi quá căng thẳng, Đào Hồng Tuyển bảo: Thôi ta đi massage. Ở Hà Nội tôi chưa bao giờ đi massage nên cũng ngại. Đào Hồng Tuyển cười: Massage đúng nghĩa 100% đấy!
Tôi biết anh xây dựng Tuần Châu thành khu du lịch quốc tế hoàn toàn “sạch”. Không những trong sạch về môi trường thiên nhiên mà môi trường xã hội cũng sạch. Ông chủ đảo Tuần Châu quyết tâm ngăn chặn từ xa mọi biểu hiện của ma túy, mại dâm. Ông quyết không cho mở các dịch vụ liên quan đến vấn nạn này.
Chỉ duy nhất có một khu Massage cao cấp, đúng nguyên nghĩa của nó do Hoài Anh, Giám đốc Công ty Thủy Lộc đầu tư…
Vì lo lắng cho cuộc thi, nhiều đêm tôi không ngủ được. Những tối ở Tuần Châu, tôi chỉ ngủ được vài tiếng đồng hồ. Có đêm, uống mấy viên thuốc ngủ mà vẫn không thể nào chợp mắt. Công việc cứ ngổn ngang trong đầu.
Báo Tiền phong đã tổ chức nhiều sự kiện lớn, nhiều cuộc thi tầm quốc gia và khu vực nhưng không có cuộc thi nào chúng tôi phải tốn nhiều tâm sức như thi hoa hậu. Lần nào cũng vậy. Có lần, một đồng chí trong ban tổ chức bảo tôi: “Mệt mỏi quá rồi, hay ta nhường hoa hậu cho nơi khác tổ chức”.
Tôi cũng mệt mỏi thực sự. Nhớ lại cuộc thi Hoa hậu năm 1990, sau khi trao vương miện cho Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa, tôi hoàn toàn kiệt sức. Tôi suýt bị ngất trên sân khấu, may có người đỡ, tôi được dìu ra xe ô tô, phải đi cấp cứu trong đêm.
Ở phòng massage, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Gần hai giờ sáng, tôi và Đào Hồng Tuyển rời phòng massage. Về phòng, ngả lưng xuống là tôi ngủ một mạch đến sáng bạch, ngỡ quên đi mọi thứ rắc rối ở trên đời…
Buổi sáng, tôi thấy mình bình tĩnh lạ lùng. Linh cảm mách bảo rằng, mọi việc rồi sẽ đâu vào đấy, mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp…
Từ Hải Phòng, Vũ Tiến điện cho tôi đã có kết quả xác minh. Chính quyền phường, công an phường đều xác nhận tốt. Bản xác minh đã có dấu đỏ, đang chuẩn bị fax lên cho ban tổ chức.
“Còn cô Vũ Tuyết Oanh, đã tìm được cô ấy chưa?”. “Cô Oanh không có ở Hải Phòng, hình như cô ấy đang ở Tuần Châu”. Tôi liền điện cho Chu Thúy Hoa đi tìm cô Oanh ngay. Hơn một giờ sau, Chu Thúy Hoa, trưởng ban phụ trách thí sinh của cuộc thi đã tìm được cô Vũ Tuyết Oanh.
Bản xác nhận của cô Vũ Tuyết Oanh viết:
“Tôi là Vũ Tuyết Oanh, chuyên viên Sở Thể dục thể thao Hải Phòng, cộng tác viên dạy thể dục thẩm mỹ cho câu lạc bộ Việt Tiệp, viết giấy này cam kết với tất cả lời nói của mình trong đoạn băng là đúng sự thật 100% (có băng ghi âm).
Tôi quen biết thí sinh Nguyễn Thị Huyền từ năm 13 tuổi, Huyền đến với CLB TDTM CVH Việt Tiệp với mục đích tập luyện. Tôi cam đoan với Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2004.
Những thông tin đồn đại về thí sinh Nguyễn Thị Huyền SBD 218, sinh viên Phân viện Báo chí tuyên truyền như Huyền là nạn nhân của một vụ đánh ghen bị cạo tóc… là hoàn toàn bịa đặt và vu khống.
Tôi xin cam đoan và khẳng định Huyền là con ngoan của gia đình, là một học sinh chăm, là người con gái mà ai gặp cũng quý mến, trong quan hệ nam nữ rất đúng mực.
Ngày 30/10/2004
Người cam kết
Vũ Tuyết Oanh
Số ĐTDĐ: 091.355.1705”
Từ Hải Phòng, bản fax giấy chứng nhận của cảnh sát khu vực và chính quyền phường cũng đã đến tay tôi. Bản xác minh viết: “Xác nhận: Nguyễn Thị Huyền, sinh năm 1983, đăng ký hộ khẩu thường trú tại số nhà 8/274 Hàng Kênh, Hải Phòng. Ở tại địa phương, cháu Nguyễn Thị Huyền chấp hành tốt chính sách của Đảng và Nhà nước, chưa có sai phạm gì. Về quan hệ xã hội và quan hệ xóm phố luôn hòa thuận, gương mẫu; đến nay, địa phương chưa phát hiện gì phức tạp”.
Ngày 30/10/2004
CSKV và đại diện chính quyền phường đã ký, đóng dấu đỏ.
Trong cuộc họp chớp nhoáng với một số thành viên trong ban tổ chức, có ý kiến đề nghị phải có bản cam kết của Huyền. Tôi thực sự băn khoăn. Chỉ còn hơn 10 tiếng đồng hồ, Huyền đã phải lên sân khấu trình diễn trong đêm chung kết, trước hàng chục triệu khán giả của màn ảnh nhỏ, liệu Huyền có chịu đựng được thử thách này không?…
Nhưng nghĩ lại, tôi thấy cũng có thể để Huyền biết, nếu Huyền thực sự trong sáng, thực sự có bản lĩnh! Không hiểu sao tôi tin là Nguyễn Thị Huyền sẽ vượt qua…
Huyền đón nhận tin này khá bình tĩnh và cô đã viết bản cam kết.
Bản cam kết của Huyền viết: “Tôi là Nguyễn Thị Huyền, tuổi 19; hiện trú tại 101, A2 – 123 Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội (gần Phân viện Báo chí tuyên truyền nơi Huyền đang học). Là thí sinh dự thi cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2004 mang số báo danh 218. Tôi viết bản cam kết này với lý do muốn cam kết không có những mối quan hệ bất chính, để xẩy ra những việc như đánh ghen… làm ảnh hưởng đến cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2004.
Tôi rất mong có sự điều tra cụ thể từ phía Ban tổ chức để xóa bỏ những dư luận không hay làm ảnh hưởng đến cuộc thi.
Những lời trên đây tôi xin cam đoan là đúng. Nếu sai tôi xin hoàn toàn chịu mọi trách nhiệm cũng như mọi biện pháp xử lý của ban tổ chức”.
Tuần Châu, ngày 30/10/2004
Người làm đơn đã ký
Nguyễn Thị Huyền
Tôi như trút được gánh nặng. Việc của Huyền coi như đã xong. Còn Trịnh Chân Trân?
Từ TP Hồ Chí Minh, Hồng Tuyến gọi điện cho tôi: Đã đi điều tra cụ thể, không có chuyện bố Chân Trân “Xỏ nhầm giầy Tây”. Bố Trân tuy đang sống ở Mỹ nhưng là một người kinh doanh thuần túy, chưa bao giờ làm hại đến ai. Chúng tôi yêu cầu Trịnh Chân Trân cho xem bằng thạc sĩ. May sao, cô vẫn mang theo bên mình. Bằng thạc sĩ của Trịnh Chân Trân là bằng thật 100%.
Tất cả những điều này, tôi đã báo cáo công khai trong ban giám khảo vào lúc 3 giờ chiều trước khi diễn ra đêm cuối cùng của vòng chung kết…
Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2004 thành công ngoài mong đợi của ban tổ chức. Sau cuộc thi một cơ quan thăm dò dư luận của nước ta đã thống kê cho biết: Có gần 28 triệu người theo dõi đêm chung kết qua màn ảnh nhỏ.
Cuộc thi đã được báo chí bình chọn là một trong mười sự kiện văn hóa nổi bật nhất năm 2004. Đặc biệt khi Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền lọt vào top 15 người đẹp nhất hành tinh tại cuộc thi Hoa hậu thế giới 2004 (tổ chức tại Trung Quốc, Hoa hậu Việt Nam Nguyễn Thị Huyền đứng ở vị trí 11, trước Hoa hậu Trung Quốc nước chủ nhà đứng thứ 12) thì uy tín cuộc thi càng được nâng cao.
Đầu năm 2005, khi tôi đi làm giám khảo cuộc thi Hoa hậu Quốc tế ASEAN 2005 tổ chức tại Indonesia, nhiều địa phương xa xôi của quốc đảo này còn mang ảnh Huyền ra đón chúng tôi (vì ngỡ Huyền đi thi).
Sau này, trong chuyến đi làm từ thiện các tỉnh miền trong với hoa hậu Nguyễn Thị Huyền, tôi hỏi chuyện “Cạo trọc đầu là thế nào? Chẳng lẽ á hậu Ngọc Oanh bịa ra…”.
Huyền cười. Cô nói: Chuyện em cạo trọc đầu là có thật. Khi em đóng phim “Thời xa vắng” (phim được đánh giá cao tại liên hoan phim quốc tế tổ chức ở Pháp - đạo diễn Hồ Quang Minh, kịch bản Lê Lựu), mọi người chê mái tóc của em.
Trước đó, em bị ốm, nên tóc rụng nhiều, xơ xác… Sau khi xong phim, em quyết định cạo trọc đầu để nuôi lứa tóc mới… Nhờ vậy mà tóc em bây giờ mới được thế này…
Thì ra là vậy.
Người đời bảo “Không có lửa làm sao có khói”. Nhưng người đời cũng lại bảo: Một trăm lời đồn chưa phải là sự thật. Ngoài sự bịa đặt do ghen ghét, đố kỵ mà những người nổi tiếng, thường phải gánh chịu. Nếu có lời đồn nào đó là sự thật, thì biết đâu đằng sau sự thật đó còn có một sự thật khác…
Mọi thứ đối với con người, nhân phẩm là thứ quý giá nhất. Mỗi lời đồn, mỗi sự thật đều phải được xác minh thận trọng, khách quan từ nhiều phía. Nếu không sẽ là tai họa, là sự đổ vỡ, không chỉ đối với một người…