Sự lợi hại của ‘bom dao’ giúp Mỹ diệt thủ lĩnh al-Qaeda

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong 1 năm qua, giới chức Mỹ vẫn nói rằng tiêu diệt mối đe doạ khủng bố ở Afghanistan khi không có quân đội ở đó là việc khó, nhưng không phải không thể. Tuần trước, Mỹ tiêu diệt một thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahri bằng một máy bay không người lái của CIA.
Sự lợi hại của ‘bom dao’ giúp Mỹ diệt thủ lĩnh al-Qaeda ảnh 1

Một tên lửa AGM-114P Hellfire của quân đội Mỹ

Những vụ không kích quan trọng trước đây gây thương vong cho cả dân thường vô tội. Lần này, Mỹ cẩn thận chọn một phiên bản của tên lửa Hellfire để giảm thiểu nguy cơ gây thương vong cho những người không liên quan.

Dù giới chức Mỹ chưa chính thức xác nhận phiên bản tên lửa Hellfire nào đã được sử dụng, giới chuyên gia và những người nắm được các hoạt động chống khủng bố cho rằng Mỹ có thể đã chọn tên lửa Hellfire R9X bí mật, loại được đặt nhiều biệt danh như “bom dao” hay “Ginsu bay”.

Klon Kitchen, một cựu chuyên gia phân tích tình báo của Mỹ, cho rằng việc sử dụng R9X cho thấy Mỹ muốn tiêu diệt al-Zawahri với “khả năng gây thương vong hạn chế và vì những lý do chính trị khác”.

Ra đời từ những năm 1990, Hellfire ban đầu được thiết kế là tên lửa chống tăng. Vũ khí này được quân đội và các cơ quan tình báo Mỹ sử dụng suốt 2 thập kỷ qua để tấn công hàng loạt mục tiêu ở Iraq, Afghanistan, Yemen và những nơi khác.

Loại tên lửa có độ chính xác cao này có thể được phóng từ trực thăng hoặc máy bay không người lái. Hơn 100.000 tên lửa Hellfire đã được bán cho Chính phủ Mỹ và các nước khác, Ryan Brobst, một nhà phân tích tại Viện Quốc phòng dân chủ ở Washington, cho biết.

“Nó đủ mạnh để phá huỷ hầu hết mục tiêu như xe cộ, nhà ở, nhưng không đủ để san phẳng toà nhà hay gây nhiều thương vong cho dân thường”, Brobst cho biết.

Quân đội Mỹ thường dùng tên lửa Hellfire để tiêu diệt những mục tiêu quan trọng, trong đó có một thủ lĩnh cấp cao của al-Qaeda ở Syria năm ngoái, và một nhân vật cấp cao khác của al-Qaeda là Anwar al-Awlaki ở Yemen năm 2011.

Để tiêu diệt al-Zawahri, Mỹ có nhiều lựa chọn, có thể dùng Hellfire, có thể thả bom từ máy bay không người lái, hoặc dùng cách rủi ro hơn là sử dụng lực lượng mặt đất. Trong chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden trước đây, lực lượng lính thuỷ đánh bộ Mỹ bay đến Pakistan bằng trực thăng rồi đánh úp vào nơi trú ẩn của mục tiêu.

Lần này, CIA chọn cách tấn công bằng máy bay không người lái. Dù CIA thường không xác nhận các chiến dịch chống khủng bố và không công bố thông tin về các đợt tấn công, nhưng các quan chức chính quyền Mỹ cho biết 2 tên lửa Hellfire đã được phóng vào ban công của toà nhà nơi al-Zawahri đang trú ẩn ở Kabul.

Những hình ảnh được đưa lên mạng cho thấy ban công bị phá nát, nhưng toà nhà vẫn đứng vững và không bị hư hại quá nặng.

Khác với những phiên bản còn lại, Hellfire R9X không mang theo thuốc nổ mà có 6 lưỡi dao xoay thò ra khi tiếp cận mục tiêu.

Giới chức và các chuyên gia Mỹ khẳng định rằng tránh thương vong cho dân thường là yếu tố quan trọng khi lựa chọn vũ khí.

Gần 1 năm trước, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ sử dụng tên lửa Hellfire truyền thống đã bắn trúng một chiếc Toyota Corolla màu trắng ở Kabul, khiến 10 dân thường thiệt mạng, trong đó có 7 trẻ em.

Trong những ngày hỗn loạn khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, quân đội Mỹ tin rằng chiếc xe đó chứa thuốc nổ và gây đe doạ cho lực lượng của họ ở đó. Sau này, các lãnh đạo quân sự Mỹ thừa nhận đó là “sai lầm thảm khốc”.

Một cựu quan chức Mỹ nói rằng việc lựa chọn phiên bản R9X là ví dụ cho thấy chính quyền Mỹ đang nỗ lực tìm cách giảm thiểu thiệt hại không liên quan và phòng nguy cơ giết hại người vô tội. Người này cho biết R9X có độ chính xác cao và gây tác động trong một khu vực hạn chế.

Ngày 1/8, một quan chức chính quyền Mỹ cho biết Mỹ đã tìm hiểu cấu trúc của toà nhà nơi al-Zawahri đang ở để bảo đảm không làm sập nhà, nhằm tránh gây thương vong cho những người khác.

Theo AP
MỚI - NÓNG