Mỹ gấp gáp rút khỏi Afghanistan, al-Qaeda hả hê

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 12/7, tướng Austin Miller tham dự buổi lễ kết thúc vai trò chỉ huy tư lệnh lực lượng Mỹ trong cuộc chiến ở Afghanistan, đặt dấu chấm hết mang tính biểu tượng cho cuộc xung đột dài nhất mà Mỹ từng tham gia, bất chấp thực tế là lực lượng Taliban tiếp tục đà giành thêm lãnh thổ.

Ông Miller trở thành vị tướng 4 sao cuối cùng ở Afghanistan trong buổi lễ diễn ra ở Kabul trước khi Mỹ chấm dứt hoàn toàn sứ mệnh quân sự ở quốc gia này vào ngày 31/8/2021 như Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề ra.

Mỹ gấp gáp rút khỏi Afghanistan, al-Qaeda hả hê ảnh 1

Lính Afghanistan canh gác tại căn cứ không quân Bagram. Ảnh: AP

Dù buổi lễ mang lại cho các cựu binh Mỹ từng chiến đấu ở Afghanistan cảm giác khép lại, nhưng chưa biết điều này có thể trấn an chính phủ được phương Tây hậu thuẫn ở Afghanistan khi Taliban tiếp tục mở rộng chiến dịch giành quyền kiểm soát lãnh thổ với quy mô lớn hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi Mỹ bắt đầu tấn công vào quốc gia này hay không. Taliban nói rằng họ đã kiểm soát được 85% lãnh thổ Afghanistan.

Tướng lục quân Mỹ Kenneth McKenzie từ Bộ chỉ huy trung tâm tại Florida chuyên giám sát các điểm nóng ở Afghanistan, Iraq và Syria, vừa bay đến Kabul để nhấn mạnh sự hỗ trợ của Mỹ đối với lực lượng an ninh Afghnistan trong tương lai, Reuters đưa tin.

Ông McKenzie cảnh báo rằng trung tâm các tỉnh của Afghanistan đang đối mặt với rủi ro, nhưng nhấn mạnh lực lượng an ninh Afghanistan được Mỹ hậu thuẫn “quyết tâm chiến đấu để giữ các thủ phủ đó”. Sau khi ông Miller từ chức, ông McKenzie sẽ vẫn có thể ra lệnh cho lực lượng Mỹ không kích Taliban từ nay đến ngày 31/8 để hỗ trợ chính quyền ở Kabul.

Trong khi đó, al-Qaeda đang dùng hashtag “the year of running away” (năm bỏ chạy) trên Telegram để chế nhạo việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.

Taliban khẳng định sẽ không để al-Qaeda hoạt động ở Afghanistan, nhưng giới phân tích hoài nghi cam kết này.

Ông Nico Prucha, một chuyên gia độc lập về khủng bố và là người chuyên theo dõi các hoạt động tôn giáo cực đoan trên mạng, nói rằng từ quan điểm của Taliban và al-Qaeda, cuộc chiến ở Afghanistan mang lại “chiến thắng thực sự cho người Hồi giáo” sau khi Mỹ rút quân.

Taliban khẳng định không còn thành viên al-Qaeda nào ở Afghanistan và nói rằng theo thỏa thuận hòa bình Doha mà lực lượng này ký với Mỹ từ tháng 2/2020, Taliban cam kết sẽ không cho phép bất kỳ cá nhân, băng nhóm hay tổ chức nào dùng Afghanistan để tiến hành các vụ tấn công chống lại Mỹ, các đồng minh hay bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Nhưng ông Colin P Clarke, Giám đốc Soufan Group, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn an ninh, nói rằng al-Qaeda “chắc chắn vẫn ở Afghanistan” với khoảng 400-600 tay súng ẩn náu ở khu vực biên giới Afghanistan-Pakistan.

Theo ông Clarke, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan có thể là “khoảnh khắc mà al-Qaeda tái trỗi dậy” và xây dựng mạng lưới, có thể sẽ lấn át cả lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) và tuyển mộ từ nhiều khu vực trên thế giới.

Một báo cáo được Hội đồng Bảo an LHQ công bố hồi tháng 6 nói rằng al-Qaeda hiện diện tại ít nhất 15 tỉnh của Afghanistan, chủ yếu ở các vùng miền đông, miền nam và đông nam, dẫn đầu là chi nhánh Jabhat-al-Nasr của al-Qaeda, với kẻ đứng đầu là Sheikh Mahmood.

Taliban hiện đang trong giai đoạn thay đổi hình ảnh. Các lãnh đạo lực lượng này nói tiếng Anh, thể hiện kỹ năng ngoại giao và cởi mở với báo chí thế giới, khác xa cách làm trước đây.

Lực lượng này nói rằng họ hoan nghênh và sẽ bảo đảm an toàn cho công dân tất cả các nước muốn đến giúp Afghanistan tái thiết, bao gồm từ Trung Quốc, Mỹ và EU. Theo các chuyên gia, Taliban có những thay đổi này là nhằm “giành được sự thừa nhận quốc tế” và khẳng định “tính chính danh của họ trong lãnh đạo”, theo AP. Khi cầm quyền ở Afghanistan từ năm 1996-2001, Taliban chỉ được UAE, Ả-rập Xê-út và Pakistan công nhận.

MỚI - NÓNG