Sự éo le của Mỹ phụ thuộc vào thuốc Ấn Độ

Mỹ đang gián tiếp phụ thuộc vào thuốc Trung Quốc. (Minh hoạ: CNN)
Mỹ đang gián tiếp phụ thuộc vào thuốc Trung Quốc. (Minh hoạ: CNN)
TPO - Sarah Thebarge, một trợ lý bác sĩ 41 tuổi sống ở San Francisco, phải uống 1 viên thuốc mỗi ngày để chữa lupus, một chứng bệnh mạn tính gây đau khớp xương, mệt mỏi và ngất xỉu. Loại thuốc mà chị đang uống là hydroxychloroquine, gọi tắt là HCQ.

Nhưng tháng 3 năm nay, HCQ, loại thuốc cũng được dùng cho bệnh nhân sốt rét này đột nhiên trở thành hàng khó mua, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng chúng có thể dùng cho bệnh nhân COVID-19. 

Khi mọi người bắt đầu tích HCQ, Ấn Độ, nước cung cấp khoảng 70% HCQ cho thế giới, nhanh chóng dừng xuất khẩu để bảo vệ nguồn cung của mình. 

“Khi mọi người tích trữ, thuốc bắt đầu thấy khó mua thuốc. Tôi cảm thấy sợ. Điều gì sẽ xảy ra với tôi nếu tôi không mua được HCQ?”, Thebarge nói. 

Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) chưa cấp phép để dùng HCQ cho bệnh nhân COVID-19. Nhưng câu chuyện này cho thấy Mỹ phục thuộc vào thuốc từ Ấn Độ như thế nào. Đó là những thuốc tương đương sinh học, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn, vì thế có giá bán rẻ.

Tại Mỹ, 90% thuốc kê đơn là thuốc tương đương sinh học. Cứ 1 trong 3 viên thuốc như vậy ở Mỹ là do Ấn Độ sản xuất, theo nghiên cứu vào tháng 4 vừa qua của Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ và hãng khảo sát KPMG. 

Dù Mỹ sau đó đã thuyết phục được Ấn Độ tiếp tục cung cấp thuốc, nhưng có một vấn đề lớn hơn trong chuỗi cung ứng. Ấn Độ mua khoảng 68% nguyên liệu thô, được gọi là các hoạt chất dược phẩm, từ Trung Quốc. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong chuỗi cung ứng đó cũng có thể gây ra vấn đề lớn, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch.

Khi các nhà khoa học và hãng dược đang chạy đua tìm ra thuốc và vắc-xin COVID-19, đang có những lo ngại rằng những nguy cơ tổn thương trong chuỗi cung ứng có thể đẩy Mỹ và các nước khác vào tình trạng thiếu thuốc, vào đúng lúc cần dùng nhất.

Mỹ vẫn bảo đảm người dân sẽ tiếp tục mua được thuốc, còn các nhà máy ở Ấn Độ tăng cường sản xuất hoạt chất dược phẩm, nhưng liệu họ có thể thay thế nguồn cung từ Trung Quốc trong đại dịch lần này hay những lần tiếp theo hay không?

Ấn Độ vươn lên trở thành nhà cung cấp thuốc giá rẻ toàn cầu từ khi chính quyền Indira Gandhi thông qua Đạo luật bằng sáng chế năm 1970, theo đó chỉ bảo hộ cho quy trình làm ra thuốc chứ không bảo hộ thành phần thuốc. Chính phủ Ấn Độ khi đó nhận thấy rằng dân số đông đúc của họ không thể mua nổi thuốc nhập khẩu có bằng sáng chế, nên họ cần tìm ra giải pháp. 

Nhưng không chỉ người Ấn Độ cần những thuốc đó. Từ giữa những năm 1980, những thay đổi về quản lý đã mở cửa thị trường Mỹ cho các loại thuốc bắt chước và có giá rẻ. 

Năm 1995, Tổ chức Thương mại thế giới đưa ra thoả thuận để bảo đảm các hãng dược có quyền giữ bằng sáng chế trong 20 năm, và các công ty có 10 năm chuẩn bị để tuân thủ. Nhưng khi khủng hoảng HIV/AIDS xảy ra trong giai đoạn quá độ 10 năm đó, một điều rõ ràng là những nước nghèo cần thuốc giá rẻ. Năm 1999, nguyên nhân tử vong phổ biến nhất ở vùng châu Phi thuộc tiểu sa mạc Sahara, nơi nhiều người không thể mua thuốc kháng virus, là HIV/AIDS. 

WTO nhượng bộ, cho phép các quốc gia thành viên cấp phép để các hãng dược sản xuất thuốc tương đương sinh học nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. 

Năm 2001, hãng dược Ấn Độ Cipla kết hợp nhiều loại thuốc tên tuổi để chế thành thuốc hỗn hợp kháng virus. Các nước châu Phi và tổ chức viện trợ quốc tế cung cấp thuốc cho bệnh nhân HIV với chi phí 1 USD/ngày, giảm hơn 96% so với các loại thuốc gốc.

Giờ Cipla đang nỗ lực chế thuốc điều trị COVID-19 từ 3 loại thuốc  Remdesivir, Favipiravir và Baloxavir.

Nhưng thách thức từ quyền sở hữu trí tuệ chỉ là một nửa câu chuyện. 

Sự éo le của Mỹ phụ thuộc vào thuốc Ấn Độ ảnh 1 Trước một hiệu thuốc ở Kolkata, Ấn Độ,ngày 16/4. (Ảnh: CNN)

Phải mở mắt
Khi số ca mắc COVID-19 tăng mạnh ở Trung Quốc hồi tháng 1, quốc gia này áp lệnh phong toả. Những nhà máy sản xuất dược liệu ở Trung Quốc cũng phải đóng cửa, khiến các công ty dược phẩm Ấn Độ khó mua nguyên liệu thô.

“Khi Trung Quốc đóng cửa vì COVID-19, chúng tôi đã tuyệt vọng”, Vinay Pinto, Giám đốc điều hành của Wallace Pharma, một trong những nhà sản xuất thuốc HCQ hàng đầu Ấn Độ, cho biết. 

“Chúng tôi ngay lập tức phải tranh giành mua hàng để bảo đảm có đủ nguyên liệu. Chúng tôi phải cố tìm hàng dự trữ của các thương nhân trong nước, khiến chi phí phải đội lên nhiều”, ông Vinay kể. Một số hãng dược Ấn Độ thậm chí phải thuê cả máy bay tư nhân đến Trung Quốc để mua dược liệu. 

Từ giữa tháng 3, phong toả được nới lỏng, nhưng tình trạng đóng cửa biên giới trên toàn cầu do đại dịch gây ra nhiều vấn đề hơn về hậu cần cho việc vận chuyển hàng hoá xuất khẩu. 

“Chúng tôi vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc mua hàng từ Trung Quốc”, PC Mishra, Giám đốc Tổng cục ngoại thương Ấn Độ, cho biết từ cuối tháng 4. “Nếu so sánh số liệu của tháng 3/2019 với tháng 3/2020, nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 40%” ông cho biết thêm. 

Trung Quốc có hơn 7.000 hãng sản xuất hoạt chất dược phẩm, trong khi Ấn Độ có khoảng 1.500 nhà máy, và các hãng lớn như Sun Pharma hay Cipla là hiếm.

Đây không phải lần đầu tiên ngành dược Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi nguồn cung từ Trung Quốc.
Trong Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008, Trung Quốc đóng cửa hầu hết nhà máy hoạt chất dược phẩm trong 3 tuần để giảm ô nhiễm môi trường và đạt “mục tiêu bầu trời xanh”, khiến chi phí hoạt chất chỉ có từ Trung Quốc bị đội lên. Sau đó, chính phủ Ấn Độ nói đến ý tưởng xây công viên dược quy mô lớn để sản xuất hoạt chất dược phẩm, nhưng dự án này được nói là đã phải gác lại do thiếu tiền. Nhưng cuộc khủng hoảng mới nhất khiến Ấn Độ nghĩ lại.

Ngày 21/3, chính phủ Ấn Độ làm sống lại kế hoạch xây dựng công viên dược quy mô lớn, nằm trong gói hỗ trợ 1,3 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu dược phẩm.

Mỹ cũng nhận thấy cần phải tự chủ hơn. 

“Chúng ta không bao giờ nên phụ thuộc vào thế giới về các mặt hàng thiết yếu nữa”, Peter Navarro, cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump, nói trong cuộc họp báo gần đây. 

Theo FDA, tính đến tháng 8/2019, chỉ có 28% cơ sở sản xuất hoạt chất dược phẩm cho thị trường Mỹ có nhà máy ở Mỹ. Phần còn lại từ EU (26%), Ấn Độ (18%), Trung Quốc (13%) và những nơi khác (15%).

Nỗ lực giảm phụ thuộc của Mỹ vào dược phẩm từ nước khác nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng. 

Ngày 19/3, một nhóm nghị sĩ Mỹ trình dự thảo Đạo luật bảo vệ chuỗi cung ứng dược phẩm khỏi Trung Quốc, đặt mục tiêu chấm dứt mua hoạt chất dược phẩm và thành phẩm từ Trung Quốc vào năm 2023. 

Nhưng chấm dứt nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc không giải quyết được hết vấn đề của Mỹ. 
Rosemary Gibson, tác giả của nhiều cuốn sách y tế và là cố vấn cấp cao của Viện nghiên cứu đạo đức sinh học thuộc Trung tâm Hastings, nhấn mạnh rằng Ấn Độ đang cung cấp 24,5% thuốc tương đương sinh học cho Mỹ. Ấn Độ lại đang quá phụ thuộc vào nguyên liệu thô và hoạt chất từ Trung Quốc để có thể làm ra thuốc. Nói ngắn gọn, Mỹ sẽ chỉ thoát khỏi phụ thuộc vào Trung Quốc nếu không còn phụ thuộc vào thuốc Ấn Độ nữa. 

Còn các hãng dược Ấn Độ cho biết phải mất nhiều thời gian để họ tăng cường năng lực sản xuất hoạt chất dược phẩm, nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

“COVID-19 khiến chúng ta phải mở mắt. Trong vài tuần qua, chính phủ đã làm nhiều hơn nhiều năm qua. Nhưng nếu bắt đầu từ bây giờ, chúng ta phải mất ít nhất 10 năm để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc”, Dinesh Dua, Chủ tịch Hội đồng xúc tiến xuất khẩu dược phẩm Ấn Độ, nói.

Theo Theo CNN
MỚI - NÓNG
Dự án giao thông TPHCM chậm tiến độ vì 'vướng' trụ điện: Đại diện ngành điện nói gì?
Dự án giao thông TPHCM chậm tiến độ vì 'vướng' trụ điện: Đại diện ngành điện nói gì?
TPO - Trước việc một số dự án cầu, đường tại TPHCM chậm tiến độ vì vướng trụ điện, đại diện Tổng công ty Điện lực TPHCM nhận một phần trách nhiệm và cam kết đơn vị sẽ phối hợp cùng địa phương và ngành giao thông trong thời gian tới để tình trạng này không còn diễn ra.